Làng nghề truyền thống chạy đua sản xuất hàng Tết
Hàng loạt làng nghề như bánh đa, làm hương, làm miến... đang huy động tối đa nhân lực và thiết bị để đáp ứng kịp thời các đơn hàng đã đặt trước. Đặc biệt, sự kết hợp giữa việc tích cực xây dựng, quảng bá thương hiệu và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đã giúp các sản phẩm truyền thống dần khẳng định vị thế trên thị trường cả trong và ngoài tỉnh.
Là một trong những làng nghề truyền thống có lịch sử lâu đời, làng nghề sản xuất hương trầm Quỳ Châu, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Với nguyên liệu hoàn toàn từ tự nhiên như rễ hương bài, vỏ quế, hồi, thảo quả, đinh hương, trầm, bã mía… nói không với hóa chất, những que hương được sản xuất với công thức nhất định đã làm nên thương hiệu hương trầm Quỳ Châu.
Thời gian này, các hộ gia đình và xưởng sản xuất hương ở Quỳ Châu đều hoạt động hết công suất để kịp cung ứng lượng hương trầm lớn cho thị trường. Đây là thời điểm mà mọi người đều dốc toàn lực, từ sáng sớm cho đến tận khuya, không ngừng nghỉ.
Bà Nguyễn Thị Xuân, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu cho biết, nghề làm hương trầm ở Nghệ An hoạt động quanh năm, song nhộn nhịp nhất là vụ Tết. Khoảng 3-4 tháng cuối năm, các xưởng sản xuất phải huy động nhân lực chạy đua với thời gian để kịp số lượng các đơn hàng đã đặt. Do công việc chủ yếu là phương pháp thủ công, lại yêu cầu sự khéo léo nên hầu hết thợ làm hương đều là phụ nữ.
Chị Quang Thị Phương Thúy, chủ cơ sở sản xuất hương trầm Thiết Hợi, thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu cho biết, để kịp cho vụ hương Tết, cơ sở đã huy động 15 công nhân thời vụ làm việc gần 2 tháng qua. Tính trung bình mỗi công nhân đều có thu nhập 300.000-350.000 đồng/ngày.
Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, cơ sở đã sản xuất nhiều loại hương có kích thước khác nhau từ loại dài 40cm, 60cm đến loại dài 1m, 2m. Những năm gần đây, các cơ sở còn sản xuất thêm hương trầm nụ, hương trầm thẻ để phục vụ nhu cầu của thị trường. Nhờ đó, ngoài thị trường truyền thống ở Nghệ An, Hà Tĩnh, các mặt hàng hương trầm Quỳ Châu còn có mặt ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Theo các hộ sản xuất trầm hương, năm nay, dù nguyên vật liệu tăng mạnh, giá thuê nhân công cũng tăng nhưng để giữ khách hàng, nhiều cơ sở vẫn duy trì giá bán như các năm trước. Quỳ Châu hiện có khoảng 100 hộ sản xuất hương, trong đó tập trung chủ yếu ở thị trấn Tân Lạc, xã Châu Tiến, Châu Hạnh. Mỗi năm hương trầm Quỳ Châu cung ứng ra thị trường trên 50 triệu que, tạo việc làm thời vụ cho hàng trăm lao động địa phương.Đổi mới để phát triển.
Là món ăn phổ biến trong dịp lễ, Tết, trước đây, bánh cà được các gia đình ở xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên làm bằng thủ công với số lượng rất ít. Thế nhưng, cùng với nhu cầu của thị trường người dân không chỉ làm để sử dụng mà còn để bán ra bên ngoài.
Làng nghề làm bánh cà xã Hưng Tân dần hình thành với hơn 100 hộ sản xuất, trở thành là làng nghề sản xuất bánh cà lớn nhất tỉnh Nghệ An với thương hiệu bánh cà Hưng Tân. Những ngày này, về Hưng Tân đâu đâu cũng là không khí khẩn trương, rộn ràng. Tiếng máy nhào bột, vắt bánh, tạo viên... hòa với tiếng cười nói của những người thợ rộn ràng cả thôn xóm.
Anh Nguyễn Ngọc Khánh, xóm Làng Nam, xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên cho biết, là một trong những xưởng bánh có quy mô lớn của xã, để kịp có sản phẩm cung cấp cho thị trường, anh phải thuê 4 nhân công. Bắt đầu từ cuối tháng 11 âm lịch, người làm bánh cà hầu như không có thời gian nghỉ. Mỗi ngày, những người thợ phải bắt đầu công việc từ sáng sớm đến tối muộn mới đủ sản phẩm để giao cho khách và các đại lý. Riêng vụ sản xuất Tết Nguyên đán năm nay, cơ sở anh đã chuẩn bị 10 tấn bột nếp, dự kiến cung ứng cho thị trường khoảng 15 tấn sản phẩm.
Nghề làm bánh cà tập trung chủ yếu ở xóm làng Nam, làng Đông, làng Phan và làng Trung Thượng xã Hưng Tân. Với nguyên liệu chính gồm: bột nếp, trứng gà, dầu ăn, gừng, ớt, vừng, bánh cà sau khi nhào bột, vắt bánh sẽ đưa vào rán và đóng gói.
Chị Nguyễn Thị Hoa, xóm Làng Nam, xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên cho biết, từ một món an dân dã dần dần bánh cà được thương mại hóa đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân trong vùng. Để bánh cà vừa ngon, giòn và xốp thì tỉ lệ của các nguyên liệu phải phù hợp tùy vào tay thợ pha trộn.
Vào những ngày này, đơn hàng về nhiều thợ làm bánh hầu như không có thời gian nghỉ ngơi, nhiều đêm tranh thủ ngủ 1-2 tiếng rồi lại dậy làm để kịp tiến độ. Những năm gần đây, để tăng năm suất, nhiều họ dân đã mạnh dạn đưa máy móc vào sản xuất nhờ đó thời gian sản xuất được rút ngắn, năng suất cũng như chất lượng tăng lên và đồng đều hơn.
Cũng theo chị Hoa, làng nghề truyền thống bánh cà đang ngày càng phát triển là nhờ sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương. Đặc biệt sau khi bánh cà được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, với việc sử dụng hoàn toàn bằng nguyên liệu tự nhiên, không có phụ gia, không có chất bảo quản nên các sản phẩm của làng nghề đã dần có chỗ đứng trên thị trường. Với mức bình quân 110.000-120.000 đồng/kg, sau khi trừ các chi phí nguyên liệu, tiền công, người dân làng nghề thu về khoảng 3,8 tỷ đồng, giải quyết công an việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.
Có thể thấy, sự phát triển của các làng nghề truyền thống như làm bánh đa, hương trầm, và miến… không chỉ dựa trên kỹ thuật và kinh nghiệm lâu đời mà còn được thúc đẩy mạnh mẽ nhờ vào những tiến bộ khoa học và công nghệ.
Đặc biệt, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã thực sự tạo ra cú huých lớn, khi vừa cung cấp nguồn vốn, vừa tạo điều kiện quảng bá sản phẩm rộng rãi qua các phương tiện thông tin và mạng xã hội. Những nỗ lực này giúp cải thiện đáng kể chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ và tăng giá trị kinh tế cho người dân.