|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Bùng nổ phiên chiều, VN-Index thành công lấy lại mốc 1.220 điểm

15:00 | 09/08/2024
Chia sẻ
Điểm sáng trong phiên hôm nay là VN-Index đã lấy lại mốc 1.220 điểm sau vài lần lỗi hẹn. Động lực tăng chủ yếu đến từ cổ phiếu các nhóm ngân hàng, chứng khoán, …

Đóng cửa, VN-Index tăng 15,32 điểm (1,27%) lên 1.223,64 điểm, HNX-Index tăng 2,65 điểm (1,17%) đạt 229,38 điểm, UPCoM-Index tăng 0,68 điểm (0,74%) lên 92,8 điểm.

Thị trường hồi phục mạnh mẽ về cuối phiên nhờ lực kéo từ nhóm vốn hóa lớn. Với ba phiên hồi phục gần đây, thị trường đã lấy lại toàn bộ điểm số đã mất trong phiên đầu tuần.

Nỗ lực hồi phục của chỉ số chính cũng phần nào giảm áp lực cho lượng hàng bắt đáy về tài khoản nhà đầu tư trong các phiên sắp tới. Nhóm vốn hóa lớn như thường lệ vẫn có đóng góp quan trọng vào xu hướng chung.

Rổ VN30 hôm nay tăng 21,53 điểm (1,73%) với 25/30 mã tăng giá. Trong đó nổi bật là FPT tăng 4,5% lên 126.900 đồng/cp, trở thành mã có đóng góp tích cực nhất cho thị trường với gần 2 điểm. Theo quan sát đây là phiên tăng mạnh nhất của ông lớn ngành công nghệ trong khoảng 1 tháng gần đây.

Cùng chiều, CTG (+4,3%), MWG (+5,1%), BID (+1,5%), HPG (+1,8%) là những cái tên góp phân củng cố thêm cho sắc xanh của thị trường chung. Chiều ngược lại, giao dịch kém sắc của VIC, HVN và VHM vẫn là các lực cản chính của thị trường.

Điểm sáng trong phiên hôm nay là VN-Index đã lấy lại mốc 1.220 điểm sau vài lần lỗi hẹn. Động lực tăng chủ yếu đến từ cổ phiếu các nhóm ngân hàng, chứng khoán, công nghệ, bán lẻ, phân bón hóa chất, thép, ... trong khi đó dòng bất động sản vẫn là nhóm gây áp lực lên chỉ số. Thanh khoản có sự cải thiện trong phiên chiều.

Tính chung cả phiên, tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 679 triệu đơn vị, tương đương giá trị hơn 15.750 tỷ đồng. Tính riêng trên HOSE, giá trị giao dịch giảm 15% so với phiên trước còn gần 14.300 tỷ đồng.

Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 6,3 điểm (0,52%) lên 1.214,62 điểm, HNX-Index giảm 0,01 điểm về 226,73 điểm, UPCoM-Index tăng 2,23 điểm (0,16%) đạt 1.386,01 điểm.

Sau khi tiến sát mốc 1.220 điểm, áp lực bán tại vùng giá cao lại lần nữa khiến VN-Index hạ độ cao. Dừng phiên sáng, VN-Index chỉ còn tăng hơn 6 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên mua với 454 mã tăng, 279 mã giảm và 247 mã đứng giá tham chiếu. Trong đó, sàn HOSE ghi nhận 238 mã xanh, 136 mã đỏ và 77 mã giữ giá không đổi.

Theo quan sát, nhóm ngân hàng là động lực tăng chính của thị trường phiên sáng nay với mức đóng góp gần 4,6 điểm cho VN-Index. Ngoài ABB, BAB, EIB, KLB, NVB, SGB, SSB, VAB và VPB đứng giá tham chiếu, các mã còn lại đồng loạt tăng điểm. Nổi bật nhất có thể kể đến là CTG tăng 3% lên 31.100 đồng/cp, theo sau là NAB (+2,1%), PGB (+1,9%), HDB (+1,6%), BID (+1,4%), TCB (+1,2%), MBB (+1,1%), …

Sau phiên hút tiền trước đó, cổ phiếu thủy sản đồng loạt hạ nhiệt vào sáng nay. Trong đó, FMC tăng 1,8% lên 47.850 đồng/cp, cùng với ANV, MPC, VHC xanh nhẹ trên tham chiếu. Ở phía đối diện, ACL và IDI lần lượt giảm 0,4% và 0,2%.

Cùng chiều, cổ phiếu bất động sản cũng phân hóa trở lại. Ở chiều tăng điểm, LDG, KBC, VGC, GVR, DXG, HDC, HTN, DXS, HPX tăng 1 – 3,1%. Sắc xanh nhẹ hơn được chứng kiến ở SCR (+0,5%), HDG (+0,4%), DIG (+0,2%), … Ở chiều ngược lại, bộ đôi cổ phiếu “họ Vin” là VHM và VIC đang là hai mã tác động tiêu cực nhất lên VN-Index.

Tâm lý giao dịch thận trọng thể hiện ở dòng tiền suy yếu trong phiên sáng nay. Tổng khối lượng giao dịch trên toàn thị trường đạt hơn 278 triệu đơn vị, tương đương 5.818 tỷ đồng. Tính riêng trên HOSE, thanh khoản giảm mạnh 36% còn 3.234 tỷ đồng

Tính đến 10h15, VN-Index tăng 10,07 điểm (0,83%) lên 1.218,39 điểm, HNX-Index tăng 1,61 điểm (0,71%) đạt 228,34 điểm, UPCoM-Index tăng 0,5 điểm (0,55%) lên 92,63 điểm.

Phản ứng tích cực với hiệu ứng tăng của các thị trường chứng khoán quốc tế, VN-Index mở cửa tăng hơn điểm trong phiên sáng nay. Sau khoảng 1h giao dịch, chỉ số chính sàn HOSE tăng hơn 10 điểm. 

Nhóm vốn hóa lớn là động lực lớn nhất ủng hộ cho đà hồi phục của thị trường. Rổ VN30 ghi nhận 23 mã tăng, 5 mã giảm và 1 mã đứng giá tham chiếu. Bên chiều tăng điểm, CTG tăng 2,5% lên 30.950 đồng/cp, HDB và SSI cùng tăng 2%, cùng với TCB (+1,7%), GVR (+1,7%), SAB (+1,5%), BID (+1,5%), MWG (+1,4%), FPT (+1,2%), TPB (+1,2%), MBB (+1,1%), ACB (+1,1%), ... Ở phía đối diện, VIC, BCM, VHM, VRE và GAS giảm ít hơn 1%.

Cổ phiếu ngân hàng giao dịch khởi sắc trong phiên sáng nay và là nhóm ngành đóng góp nhiều nhất cho sắc xanh của VN-Index với gần 5 điểm. Mức tăng phổ biến của các mã trong ngành là hơn 1%, tiêu biểu như NAB (+3,1%), CTG (+2,5%), TCB (+2,2%), HDB (+2,2%), PGB (+1,9%), MBB (+1,5%), BID (+1,4%), ABB (+1,3%), TPB (+1,2%), VBB (+1%), …

Cổ phiếu của các công ty chứng khoán trở thành tâm điểm của dòng tiền với hầu hết các mã ghi nhận tăng điểm. FTS dẫn đầu đà tăng của nhóm với tỷ lệ 4,7% lên 40.200 đồng/cp, theo sau là BVS (+4,1%), MBS (+3,9%), CTS (+3,4%), BSI (+3,4%), SHS (+2,7%), CSI (+2,2%), SSI (+2,2%), AGR (+2,1%), VND (+2%), ORS (+2%), … Ở phía đối diện, duy nhất DSC giao dịch trong vùng giá đỏ với tỷ lệ giảm là 1%.

Tại thị trường quốc tế, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều phục hồi mạnh mẽ khi báo cáo thất nghiệp hàng tuần cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn duy trì sức mạnh.

Trong phiên giao dịch ngày 8/8, chỉ số S&P 500 tăng 2,3% và đóng cửa ở mức 5.319 điểm, ghi nhận ngày tốt nhất kể từ tháng 11/2022.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 683 điểm, tương đương 1,76% và chốt phiên với 39.446 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tăng 2,87%, kết thúc phiên với 16.660 điểm.

Thu Thảo

Trung Quốc đánh mất lợi thế chi phí lao động giá rẻ nhưng Việt Nam không phải quốc gia duy nhất hưởng lợi
Mức lương trung bình trong ngành sản xuất của Việt Nam chỉ xấp xỉ 1/4 Trung Quốc. Tuy đây là lợi thế đáng chú ý của Việt Nam, một số quốc gia châu Á khác cũng có ưu điểm tương tự.