Nhóm quỹ GIC (Singapore) muốn đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam
Quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore, GIC, muốn tăng cường đầu tư vào các thị trường mới nổi như Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam, trong bối cảnh các doanh nghiệp gấp rút đa dạng hoá sản xuất bên ngoài Trung Quốc khi căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh gia tăng.
Trả lời phỏng vấn tờ Nikkei Asia (Nhật Bản), Giám đốc đầu tư GIC, Jeffrey Jaensubhakij, nhấn mạnh sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc đã vượt ra ngoài các vấn đề thương mại và công nghệ đối với dòng vốn, khiến các doanh nghiệp và nhà đầu tư phải suy nghĩ lại về chiến lược của họ đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
“Điều này cho thấy những rủi ro đáng kể về các loại lĩnh vực mà bạn có thể đầu tư vào”, ông Jaensubhakij nói.
Sự chuyển hướng đầu tư từ GIC phản ánh lập trường thận trọng hơn của các nhà đầu tư toàn cầu đối với Trung Quốc. Đầu tháng này, quỹ đầu tư thuộc sở hữu nhà nước của Singapore, Temasek Holdings cho biết họ đang điều chỉnh tốc độ đầu tư và áp dụng nguyên tắc "lăng kính địa chính trị" cho các thương vụ rót vốn của mình.
Để đối phó với những thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu, GIC cho biết họ đang từ từ chuyển vốn của mình sang các lĩnh vực và quốc gia được hưởng lợi từ chúng. Ông Jaensubhakij cho biết: “Phần lớn trong số đó cho đến nay về cơ bản đã rời khỏi Trung Quốc đến các nước như Mexico, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam”.
Chẳng hạn, Apple là một trong số các công ty điện tử và bán dẫn đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc để sản xuất và thay vào đó họ mở rộng sự hiện diện ở Ấn Độ và Việt Nam.
Ông Jaensubhakij lưu ý rằng sản lượng sản xuất và các khía cạnh khác của các quốc gia này "sẽ mất nhiều thời gian hơn một chút" để phát triển do thiếu cơ sở hạ tầng đầy đủ. Nhưng ông cho biết GIC có thể hỗ trợ nhu cầu về bất động sản công nghiệp và hậu cần, cũng như không gian văn phòng.
"Chúng tôi nghĩ rằng có rất nhiều cơ hội như vậy ở những quốc gia này," ông nói thêm.
Tuy nhiên, Giám đốc điều hành GIC, ông Lim Chow Kiat, lại nhấn mạnh rằng quỹ này vẫn đang tiếp tục tìm kiếm các cơ hội đầu tư dài hạn ở Trung Quốc, chẳng hạn trong các lĩnh vực như công nghệ xanh và xe điện.
"Họ đang phát triển rất, rất mạnh mẽ. Vì vậy, chúng tôi tiếp tục nhìn thấy những cơ hội như vậy”, ông Lim nói.
Tuần trước, lãnh đạo Trung Quốc đã gặp gỡ các nhà đầu tư toàn cầu, bao gồm cả GIC, để lắng nghe những lo ngại của họ về đầu tư vào nước này. Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc đã mời các công ty cổ phần tư nhân toàn cầu và các quỹ đầu tư mạo hiểm thảo luận về các điểm cần cải thiện để đảm bảo dòng vốn tiếp tục chảy vào nước này.
Ông Lim cũng lưu ý rằng "có thể mất một thời gian để các luồng giao dịch diễn ra trở lại" ở Trung Quốc, với sự phục hồi không đạt được như kỳ vọng sau khi nới lỏng các biện pháp phòng dịch COVID-19.
"Nếu tìm thấy những thoả thuận tốt, chúng tôi mong muốn sẽ tiếp tục tham gia vào" ông nói thêm.
Mới đây GIC cũng công bố báo cáo tài chính hàng năm cho thấy quỹ này đã mang lại lợi nhuận trung bình năm là 4,6% so với lạm phát trong 20 năm qua, tăng nhẹ so với mức 4,2% được ghi nhận một năm trước.
Xét về khu vực, Mỹ vẫn là điểm đến đầu tư lớn nhất khi chiếm tới 38% danh mục đầu tư của GIC trong năm tài chính tính đến tháng 3/2023, tăng từ mốc 37% một năm trước. Trong khi danh mục đầu tư vào các nền kinh tế châu Á (trừ Nhật Bản) của GIC đã giảm từ 25% xuống 23%.
GIC được chính phủ Singapore giao nhiệm vụ mang lại lợi nhuận dài hạn cao hơn lạm phát toàn cầu và tăng sức mua của dự trữ ngoại hối của đất nước. Quỹ này không tiết lộ tổng giá trị tài sản của mình nhưng các nhà phân tích ước tính con số sẽ hơn 700 tỷ USD.
Do lãi suất tăng và nền kinh tế toàn cầu nhiều rủi ro, GIC đang đầu tư nhiều hơn vào các dự án cơ sở hạ tầng và bất động sản để tự bảo vệ mình trước lạm phát. Đối với cơ sở hạ tầng, GIC cho biết họ đầu tư từ 10 tới 20 tỷ USD mỗi năm.
Tại Việt Nam, GIC được biết đến nhiều khi đầu tư 500 triệu USD vào VinCommerce (nay là WinCommerce) từ năm 2019, đổi lại là 16,26% cổ phần công ty này. WinCommerce khi đó là doanh nghiệp mới được Vingroup thành lập.
Khoản đầu tư của GIC thời điểm đó giúp nâng định giá của WinCommerce lên 3,08 tỷ USD, trở thành chuỗi bán lẻ lớn nhất Việt Nam cả về quy mô và giá trị.
Tuy nhiên đến tháng 2/2020, theo thông tin đăng kí doanh nghiệp được cập nhật hai tổ chức Credit Suisse AG chi nhánh Singapore và Ardolis Investment, đại diện cho quỹ đầu tư GIC hiện không còn sở hữu cổ phần tại WinCommerce.