|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhóm ngành nào có khả năng lội ngược dòng trong thị trường giá xuống?

19:00 | 13/02/2023
Chia sẻ
Theo BSC, trong xu hướng tăng giá, nhóm bảo hiểm có diễn biến kém tích cực nhất khi chỉ tăng trung bình 4,18%. Tuy nhiên, đây lại là lĩnh vực lội ngược dòng tốt nhất trong các giai đoạn thị trường giảm giá.

Theo báo cáo cập nhật mới đây của Chứng khoán BIDV (BSC), dữ liệu các nhóm ngành cấp 2 từ 2007 cho đến nay chỉ ra trong các giai đoạn thị trường tăng giá nhóm ngành dịch vụ tài chính, ô tô và phụ tùng là những nhóm ngành diễn biến tích cực nhất.

Ở xu hướng giá giảm các lĩnh vực như bảo hiểm, thực phẩm đồ uống, điện nước xăng dầu có diễn biến khả quan hơn so với các nhóm còn lại.

Tổng hợp diễn biến các nhóm ngành cấp 2 trong giai đoạn 2007 – 2022. (Nguồn: BSC Research).  

Cụ thể, trong xu hướng tăng giá, nhóm dịch vụ tài chính có mức tăng trung bình tốt nhất (trung bình 132%). Ở chiều ngược lại nhóm bảo hiểm tăng chậm nhất với tỷ lệ trung bình 4,18%.

Ngược lại trong xu hướng giảm giá, nhóm bảo hiểm có diễn biến khả quan nhất khi chỉ giảm trung bình 17,9%. Thậm chí, trong năm 2018 nhóm này ghi nhận tăng 18,51% trong khi đó dịch vụ tài chính lại là lĩnh vực mất nhiều điểm nhất (trung bình 52,6%).

Điều này cũng phản ánh chính xác sự vận động của các nhóm ngành mang tính chất chu kỳ. Trong xu hướng đi ngang, nhóm điện, nước & xăng dầu khí đốt ghi nhận tăng tốt nhất (trung bình 65%), trong khi đó cổ phiếu dầu khí ghi nhận diễn biến tiêu cực so với các nhóm ngành còn lại.

Diễn biến nhóm ngành trong các năm VN-Index tăng giá và giảm giá. Nguồn: Fiinpro, BSC Research. 

Tựu chung lại, các nhà phân tích của BSC Research cho rằng bối cảnh hiện tại 2023 có sự khác biệt khá lớn so với giai đoạn dịch bệnh 2020 - 2021.

Trong đại dịch COVID-19, các ngân hàng trung ương trên thế giới đều duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng. Hiện nay, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới vẫn đang trong thời kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ kể từ năm 2022 và dự báo còn kéo dài trong năm 2023, nhất là trong bối cảnh lạm phát tại các nền kinh tế lớn như Mỹ và châu Âu tuy đã có dấu hiệu đạt đỉnh nhưng vẫn còn cao hơn mức mục tiêu rất nhiều.

Fed và ECB cũng cho biết định hướng của họ là vẫn cần tiếp tục thắt chặt chính sách tiền thêm cho đến khi hoàn toàn kiểm soát được lạm phát, bên cạnh đó nhiều tổ chức đang nhận định Fed có thể sẽ “diều hâu” hơn so với dự kiến và như vậy môi trường lãi suất cao nhiều khả năng sẽ tiếp tục kéo dài trong năm 2023.