Nhóm ngân hàng tư nhân hưởng lợi từ loạt chính sách mới
Ảnh minh hoạ (Nguồn: DB tổng hợp).
Kể từ đầu tháng 11 đến nay, hàng loạt thông tư, quyết định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ tài chính (BTC) có nội dung liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của toàn bộ hệ thống ngân hàng được ban hành.
Có thể nhận thấy rằng những ảnh hưởng của những chính sách mới này đang có phần hỗ trợ tích cực các ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần.
Các thông tư mới tạo nên sự cạnh tranh công bằng hơn
Cụ thể, Thông tư 22 được ban hành mới đây thay thế cho Thông tư 36 đã điều chỉnh tỉ lệ cho vay trên tổng huy động (LDR) tối đa từ 80% lên 85% đối với nhóm các NHTM tư nhân, đồng thời tương ứng giảm tỉ lệ này đối với các NHTM nhà nước từ 90% xuống 85%.
Điều chỉnh về LDR tại Thông tư 22 sẽ là cơ sở quan trọng để nhóm ngân hàng cổ phần cải thiện tỉ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) trong tương lai khi mà hầu hết LDR của nhóm này thấp hơn nhiều so với giới hạn 80% hiện tại.
Trong khi đó tại các "ông lớn" ngân hàng như VietinBank, BIDV, tỉ lệ LDR lại ở mức khá cao trên 90%. Việc giới hạn lại tỉ lệ cho vay sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới qui mô cho vay, từ đó ảnh hưởng tới NIM và lợi nhuận của ngân hàng.
Một văn bản đáng chú ý khác là Thông tư 58 của Bộ Tài Chính có hiệu lực kể từ ngày 1/11/2019, qui định toàn bộ số tiền gửi không kì hạn của Kho bạc Nhà nước (KBNN) phải được chuyển hết về tài khoản duy nhất của Kho bạc tại Sở giao dịch NHNN.
Vào cuối quí III/2019, các khoản tiền trên của KBNN chủ yếu tập trung tại ba ngân hàng có vốn Nhà nước chiếm chủ yếu được gửi dưới dạng không kì hạn và có kì hạn, tổng giá trị trên 200.000 tỉ đồng. Đặc biệt, khoản tiền khổng lồ này có chi phí vốn "siêu hấp dẫn" đối với các ngân hàng gần như bằng 0%.
Qua đó tạo lợi thế vô cùng lớn trước đây về chi phí vốn đối với nhóm NHTM cổ phần nhà nước với các ngân hàng cổ phần khác. Việc thu về toàn bộ nguồn vốn giá rẻ lớn nói trên về NHNN sẽ khiến các "ông lớn" mất đi lợi thế đáng kể về chi phí vốn trong quá khứ.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc cải thiện sự công bằng trong cạnh tranh của hệ thống ngân hàng. Từ đó tạo cơ hội để những ngân hàng TMCP tư nhân có cơ hội bứt phá với tiềm lực tự có sẽ rõ ràng hơn, trên cơ sở thị trường cạnh tranh công bằng.
Nhiều NHTM cổ phần không chịu ảnh hưởng trong tăng hệ số rủi ro cho vay bất động sản
Tại thông tư 22, tỉ lệ rủi ro cao hơn áp dụng cho các khoản vay tiêu dùng liên quan đến bất động sản nhằm mục đích ngăn chặn việc lách luật, che giấu các khoản vay bất động sản dưới dạng khoản vay tiêu dùng.
Trên thực tế, Thông tư này sẽ không ảnh hưởng với những ngân hàng đã được phê duyệt áp dụng Basel II bởi vì theo tiêu chuẩn mới này, trọng số rủi ro áp dụng cho các khoản vay bán lẻ bất động sản dựa trên cho vay theo giá trị (LTV) và năng lực dịch vụ nợ (DSC), thực tế hóa ra có tỉ lệ rủi ro thấp hơn trong khoảng từ 50-70%.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 18 ngân hàng đã đạt chuẩn Basel II bao gồm 16 ngân hàng trong nước BIDV, Vietcombank, ACB, MBBank, Techcombank, VPBank, HDBank, TPBank, SeABank, MSB, VietCapitalBank, OCB, VIB, VietBank, LienVietPostBank, Nam A Bank và hai ngân hàng nước ngoài gồm Shinhan Bank và Standard Chartered Việt Nam.
Do vậy, Thông tư mới này chỉ tác động đến nhóm những ngân hàng chưa được áp dụng chuẩn Basel II như Agribank, VietinBank, Sacombank, Eximbank, SCB, SHB và một số ngân hàng nhỏ hơn khác.
Các công ty tài chính tiêu dùng dễ thở hơn với Thông tư 18?
Thông tư 18 của NHNN mới ban hành đã phần nào giải tỏa bớt đi lo lắng của thị trường với thị trường tài chính tiêu dùng khi lộ trình giảm tỉ lệ cho vay tiền mặt giảm về 30% được kéo dài hơn so với dự kiến trước đó.
Hiện tại nổi bật có bốn ngân hàng sở hữu công ty tài chính tiêu dùng đó là VPBank với FE Credit, HDBank với HDSaison, MBBank với Mcredit và SHB với SHB Finance.
Trong đó, FE Credit được đánh giá là công ty sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất khi tỉ lệ cho vay tiền mặt tại đây chiếm tỉ trọng lớn.
Tuy nhiên, NHNN bổ sung một điều khoản vô cùng quan trọng trong cách tính tỉ lệ cho vay tiền mặt đó là chỉ tính với các khoản vay có giá trị lớn hơn 20 triệu đồng. Với cách tính này, hầu hết tỉ lệ cho vay tiền mặt tại các công ty tài chính tiêu dùng đều giảm đáng kể.
Tại FE Credit, tỉ lệ này chỉ còn khoảng 59% thay vì trên 70% như tính toàn bộ dư nợ các khoản vay tiền mặt. Sự linh hoạt với tình hình thực tế này sẽ hỗ trợ các công ty tài chính tiêu dùng có chiến lược chuyển đổi phù hợp.
Hiện nay, một vài công ty tài chính tiêu dùng tiêu biểu đã có chiến lược định hướng gia tăng tỉ lệ cho vay qua thẻ nhằm giảm phụ thuộc cho vay tiền mặt. Cho vay qua thẻ duy trì ưu thế vẫn đảm bảo tỉ suất sinh lời, cũng như quản lí tốt hơn các chi phí dự phòng rủi ro, nhờ việc nâng cao được quá trình kiểm soát chi tiêu của khách hàng.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/