|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nhóm doanh nghiệp 100% vốn nhà nước vay nợ hơn 820.000 tỷ đồng hết năm 2020

12:02 | 18/10/2021
Chia sẻ
Một số doanh nghiệp nhà nước nắm 100% vốn ghi nhận nợ vay ngân hàng và tổ chức tín dụng trong nước lớn tính tới hết năm 2020 như EVN 110.194 tỷ đồng; PVN 184.457 tỷ đồng, TKV 46.160 tỷ, Vinachem 21.801 tỷ,... và con số tổng nợ đi vay này chỉ chiếm hơn 60% vốn chủ sở hữu.

Lợi nhuận nhóm doanh nghiệp 100% vốn nhà nước giảm 21% năm 2020

Theo báo cáo hợp nhất về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (73 doanh nghiệp), tổng tài sản của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ - công ty con (viết tắt là TĐ, TCT) đạt 2,7 triệu tỷ đồng, tăng 1% so với 2019.

Nợ phải trả của các TĐ, TCT là 1,4 triệu tỷ đồng, tương đương với năm 2019 và chiếm 52% tổng nguồn vốn. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu bình quân là 1,1 lần (công ty mẹ 0,67 lần); trong đó có 14 công ty mẹ có tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần.

Về tình hình nợ vay (vay ngắn hạn và dài hạn) từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng trong nước (NHTM và TCTD) của các TĐ, TCT ghi nhận 430.317 tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2019.

Trong đó, một số TĐ,TCT có số nợ vay từ các NHTM và TCTD tương đối lớn như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) 110.194 tỷ đồng; Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) 184.457 tỷ đồng; Tập đoàn Than - Khoáng sản (46.160 tỷ); Vinachem (21.801 tỷ); Viettel (15.691 tỷ),...

Doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoạt động ra sao trong thời buổi COVID-19? - Ảnh 1.

Các mỏ khoan của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN). (Ảnh: PVN).

Trong báo cáo hợp nhất, nợ nước ngoài của các TĐ, TCT là 395.327 tỷ đồng (chủ yếu là nợ vay dài hạn 98,4%), giảm 3% so với năm 2019. Trong đó: vay lại vốn ODA của Chính phủ là 167.652 tỷ đồng; vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh 194.261 tỷ đồng; và vay nước ngoài theo hình thức tự vay, tự trả là 27.275 tỷ đồng.

Riêng báo cáo của các công ty mẹ, nợ nước ngoài là 298.688 tỷ đồng, giảm 6% so với năm 2019. Trong đó, EVN là 190.231 tỷ đồng; Tổng công ty (TCT) Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam là 66.686 tỷ đồng; PVN 27.313 tỷ đồng;...

Bên cạnh đó, các TĐ, TCT ghi nhận vốn chủ sở hữu đạt gần 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2019, chủ yếu từ nguồn quỹ đầu tư phát triển được trích lập từ lợi nhuận sau thuế, chênh lệch đánh giá lại tài sản và thặng dư vốn thu được trong quá trình cổ phần hoá các doanh nghiệp thành viên.

Đánh giá về mức độ bảo toàn vốn, có 8/73 công ty mẹ được xác định là không bảo toàn vốn chủ sở hữu (doanh nghiệp có kết quả kinh doanh bị lỗ gồm cả trường hợp còn lỗ luỹ kế sau khi trích lập các khoản dự phòng).

Về tình hình sản xuất kinh doanh, tổng doanh thu hợp nhất của các TĐ, TCT đạt 1,4 triệu tỷ đồng, giảm 8% so với năm 2019. Báo cáo của công ty mẹ đạt gần 907.500 tỷ đồng, giảm 5% so với năm 2019.

Các TĐ, TCT có số tổng doanh thu lớn theo số liệu báo cáo hợp nhất tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp có quy mô lớn như EVN 409.082 tỷ đồng; PVN 304.157 tỷ đồng; Viettel 148.135 tỷ đồng; Tập đoàn Than - Khoáng sản (108.741 tỷ),...

Năm 2020, phần lớn TĐ, TCT chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 nên tổng doanh thu đều giảm hoặc chỉ tương đương so với thực hiện năm 2019. Trong đó, có một số công ty mẹ có tổng doanh thu giảm trên 20% như nhóm doanh nghiệp du lịch, hàng không, xăng dầu, đường sắt,...

Lãi phát sinh trước thuế hợp nhất của các TĐ, TCT đạt 116.776 tỷ đồng, giảm 21% so với năm 2019. Tỷ suất lãi phát sinh trước thuế vốn chủ sở hữu và tỷ suất lãi phát sinh trước thuế trên tổng tài sản bình quân của các TĐ, TCT lần lượt là 9% và 4%. Ngoài ra, có 11 TĐ, TCT lỗ lũy kế 11.464 tỷ đồng và 7 công ty mẹ lỗ lũy kế hơn 6.064 tỷ đồng.

Doanh nghiệp dầu khí, du lịch, hàng không trượt dốc năm COVID-19 thứ nhất

Đánh giá ở từng lĩnh vực cụ thể, đối với mảng dầu khí, PVN và các đơn vị thành viên chịu ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19 và giá dầu xuống thấp, các lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí, chế biến, lọc hóa dầu,... đứng trước nguy cơ phải đóng mỏ, dừng hoạt động vì nếu duy trì sẽ bị thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng.

Theo báo cáo, PVN và các đơn vị thành viên đã gia tăng trữ lượng dầu khí và đạt 15 triệu tấn quy dầu; sản lượng khai thác dầu đạt 11,47 triệu tấn, vượt 8% kế hoạch; sản lượng khai thác khí đạt 9,16 tỷ m3; sản xuất đạm đạt 1,8 triệu tấn, vượt 15% kế hoạch;... Tổng doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn đạt 304.000 tỷ đồng, nộp ngân sách đạt 55.000 tỷ đồng.

Ở lĩnh vực dịch vụ vận chuyển hàng không, thị trường bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, trong đó tổng thị trường quốc tế chỉ đạt hơn 6 triệu khách, giảm 83% so với năm 2019; tổng thị trường nội địa năm 2020 chỉ đạt 28,3 triệu khách, giảm 24%; mặt bằng giá vé cũng giảm mạnh do thừa cung dẫn tới doanh thu toàn thị trường giảm 46%.

Chính phủ đã thực hiện các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA). Kết thúc năm 2020, VNA có kết quả sản xuất kinh doanh phát sinh lỗ lớn và TCT không thể bảo toàn vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Riêng công ty mẹ có lỗ phát sinh trước thuế năm 2020 là 8.743 tỷ đồng, bằng 60,4% lỗ kế hoạch năm.

Doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoạt động ra sao trong thời buổi COVID-19? - Ảnh 2.

Máy bay VNA đang hạ cánh. (Ảnh: VNA).

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động của các doanh nghiệp có vốn góp của VNA cũng gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả sản xuất kinh doanh. 

Theo đó, hầu hết doanh nghiệp đều giảm lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước, thậm chí một số doanh nghiệp đã phát sinh lỗ do mức độ ảnh hưởng quá nặng nề của dịch bệnh (NCS, NASCO, JPA, K6). Báo cáo hợp nhất của toàn TCT có lỗ phát sinh trước thuế là 11.178 tỷ đồng, bằng 73,6% so với lỗ kế hoạch năm.

Lĩnh vực sản xuất, cung ứng phân bón, hóa chất năm 2020 tăng trưởng khả quan bất chấp tình hình dịch bệnh trên toàn cầu do chuỗi cung ứng hàng hóa nông nghiệp ít bị gián đoạn bởi đại dịch.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã sản xuất và cung ứng cho thị trường 3 triệu tấn phân bón các loại và nhiều sản phẩm hoá chất khác. Doanh thu thuần 2020 hợp nhất toàn Tập đoàn đạt 37.113 tỷ đồng, giảm 8,6% so với năm 2019; Tập đoàn ghi nhận lỗ 1.656 tỷ đồng trong năm 2020; nộp Ngân sách nhà nước 2.313 tỷ đồng.

Đối với ngành du lịch, hai thương hiệu lớn trong ngành do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là TCT Du lịch Hà Nội (Hanoitourist) và TCT Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) cũng gặp rất nhiều khó khăn bởi COVID-19.

Theo số liệu hợp nhất, tổng doanh thu của hai TCT này đạt 3.052 tỷ đồng, tương đương 34% so với năm 2019, lợi nhuận trước thuế đạt 338 tỷ đồng, bằng 22% so với năm 2019. Số phát sinh phải nộp NSNN là 804 tỷ đồng, bằng 48% so với năm 2019, số đã nộp NSNN là 1.334 tỷ đồng.

Ở lĩnh vực viễn thông, có ba công ty lớn gồm Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tổng công ty viễn thông MobiFone nắm giữ hầu hết thị phần ngành viễn thông.

Theo số liệu hợp nhất, tổng doanh thu của cả ba doanh nghiệp trên đạt 234.258 tỷ đồng, bằng 99,01% so với năm 2019, lợi nhuận trước thuế đạt 51.159 tỷ đồng, bằng 99,27% so với năm 2019. Số phát sinh phải nộp NSNN là 46.000 tỷ đồng, bằng 98,64% so với năm 2019.

Với kết quả trên, ngành viễn thông trong nước vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng và đạt được các mục tiêu kế hoạch đề ra, trong đó các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước năm 2020 có giảm so với năm 2019 nhưng số giảm không đáng kể.

Tường Vy