Nhóm công nghệ hồi phục, chứng khoán Mỹ vẫn có tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 38 điểm, tương đương 0,13%, và kết phiên ở gần 29.889 điểm. Trái lại, chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite đi lên lần lượt tăng 0,22% và 1,43%.
Theo CNBC, các chỉ số không có xu hướng rõ ràng và dao động giữa tăng và giảm trong phiên 17/6 khi nhà đầu tư ngày càng lo ngại nguy cơ suy thoái kinh tế.
- TIN LIÊN QUAN
-
Fed đưa lãi suất quay lại mức trước dịch, quyết tâm hạ lạm phát về 2% 16/06/2022 - 07:21
Nhiều dữ liệu kinh tế được công công bố trong tuần này như doanh số bán lẻ và số nhà được bắt đầu xây mới tháng 5 đều thấp hơn dự báo của các nhà phân tích. Thêm vào đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất quỹ liên bang thêm 75 điểm cơ bản vào hôm 15/6, đánh dấu lần tăng mạnh nhất kể từ năm 1994.
Lạm phát ở Mỹ đang ở đỉnh 40 năm và Fed phải thắt chặt tiền tệ để tiết giảm nhu cầu. Cách làm này có thể giúp hạ nhiệt giá cả nhưng đồng thời có thể kéo theo kinh tế suy thoái.
Tính chung cả tuần qua, S&P 500 giảm 5,8%, ghi nhận tuần tiêu cực nhất kể từ tháng 3/2020. Tất cả 11 nhóm cổ phiếu thuộc chỉ số này đều đã giảm hơn 15% so với đỉnh.
Ngày thứ Năm 16/6, Dow Jones đóng cửa dưới mốc 30.000 điểm lần đầu tiên kể từ tháng 1/2021. Trong cả tuần qua, chỉ số gồm 30 blue chip này giảm 4,8% và đánh dấu tuần đi xuống thứ 11 trong 12 tuần gần đây. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite cũng mất 4,8%.
Phiên 17/6, thị trường chứng khoán Mỹ diễn ra một sự kiện đặc biệt là 4 loại hợp đồng phái sinh gồm hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu, hợp đồng tương lai cổ phiếu riêng lẻ, hợp đồng quyền chọn chỉ số cổ phiếu và hợp đồng quyền chọn cổ phiếu riêng lẻ cùng đáo hạn.
Ngày đáo hạn này chỉ xảy ra một lần mỗi quý và thường kéo theo thanh khoản tăng mạnh cùng những biến động thất thường do nhà đầu tư đóng vị thế.
Cổ phiếu công nghệ hồi phục trong phiên cuối tuần với Amazon tăng 2,5%, Apple, Nvidia, Tesla và Netflix đều đi lên hơn 1%. Cổ phiếu hàng không - du lịch cũng diễn biến tích cực với Carnival và Norwegian Cruise Line cùng vọt lên khoảng 10%. United Airlines và Delta Air Lines đi lên tương ứng 4,3% và 2,3%.
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu năng lượng giảm mạnh nhất chỉ số S&P 500.
Các cổ phiếu Chevron (dầu khí), Walmart (bán lẻ) và Goldman Sachs (ngân hàng) kéo tụt Dow Jones. American Express và Boeing tác động tích cực tới chỉ số khi tăng lần lượt 4,9% và 2,6%.
Hai ngày sau khi quyết định nâng lãi suất trong cuộc họp thường kỳ tháng 6, Chủ tịch Fed Jerome Powell ngày 17/6 tái khẳng định quyết định chống lạm phát đến cùng:
“Cam kết mạnh mẽ của Fed đối với nhiệm vụ ổn định giá cả đã góp phần tạo nên niềm tin rộng khắp thế giới vào vai trò dự trữ giá trị của đồng USD. Để thực hiện mục tiêu đó, tôi và các đồng nghiệp đang tập trung toàn lực vào việc đưa lạm phát quay lại mức mục tiêu 2%”.
Tại châu Âu và châu Á, các thị trường diễn biến phân hóa với một vài chỉ số đi lên trong khi số khác đóng cửa trong sắc đỏ. Ngoài Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, các ngân hàng trung ương của Anh và Thụy Sỹ cũng tăng lãi suất trong tuần này để kiểm soát lạm phát.