|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nhờ đâu Công ty mẹ Cao su Phước Hòa báo lãi quý II gấp gần 10 lần cùng kỳ?

08:00 | 12/07/2023
Chia sẻ
Doanh thu từ thanh lý cây cao su và lợi nhuận được chia từ công ty Nam Tân Uyên giúp Công ty mẹ PHR báo lãi sau thuế quý II/2023 gấp 9,5 lần so với mức thấp cùng kỳ.

CTCP Cao su Phước Hòa (Mã: PHR) vừa công bố báo cáo tài chính riêng quý II/2023 với doanh thu thuần đạt gần 169 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong kỳ, biên lãi gộp đạt 6,9%, giảm nhẹ so với mức 7% quý II/2022.

Công ty báo lãi sau thuế 83 tỷ đồng, gấp 9,5 lần cùng kỳ nhờ doanh thu từ hoạt động tài chính ghi nhận 32 tỷ đồng và lợi nhuận khác gần 70 tỷ đồng.

PHR cho biết lợi nhuận khác tăng 69 tỷ đồng chủ yếu do công ty ghi nhận doanh thu gần 75 tỷ đồng đến từ thanh lý cây cao su. Bên cạnh đó, ghi nhận thêm 15,8 tỷ đồng tiền cổ tức đợt 2 từ CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (Mã: NTC). Cuối quý II, PHR sở hữu 32,85% vốn điều lệ tại NTC với giá trị gốc là 53 tỷ.

Nguồn: Tổng hợp từ BCTC riêng của công ty

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Công ty mẹ PHR đạt 371 tỷ, lợi nhuận trước thuế 315 tỷ, lần lượt giảm 32% và tăng 1,3% so với cùng kỳ.

So với kế hoạch doanh thu công ty mẹ là 1.813 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 549 tỷ, công ty mẹ PHR đã thực hiện được lần lượt 20% và 57% hai chỉ tiêu sau hai quý.

Nguồn: BCTC riêng quý II/2023.

Năm 2023, ban lãnh đạo PHR xác định công ty vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, như thiếu lao động, thời tiết diễn biến thất thường, năng suất cây trồng không cao, cùng với đó là giá bán mủ cao su vẫn ở mức thấp. Đồng thời, dự báo xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2023 chưa có nhiều khả quan khi người dân các nước tiếp tục thắt chặt chi tiêu trước áp lực của lạm phát.

Tuy nhiên theo đánh giá của một số tổ chức tài chính, mặc dù hoạt động kinh doanh của PHR gặp một số khó khăn nhưng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trong năm nay sẽ được cải thiện nhờ việc ghi nhận lợi nhuận từ dự án Khu công nghiệp VSIP III và Khu công nghiệp Nam Tân Uyên 3, đều tại tỉnh Bình Dương. 

Trong đó, Khu công nghiệp VSIP III sẽ ghi nhận doanh thu từ việc cho Tập đoàn LEGO thuê đất; PHR sẽ có 20% lợi nhuận từ dự án này và có 20% vốn góp tại VSIP III.

Đối với Khu công nghiệp Nam Tân Uyên 3, dự án này mới được cấp phép cho thuê và dự kiến sẽ triển khai cho thuê từ cuối năm nay.

Trong trung và dài hạn, động lực tăng trưởng của PHR sẽ đến từ các dự án khu công nghiệp mới, có thời gian thực hiện gối đầu nhau. Công ty đang triển khai các dự án khu công nghiệp mới như Tân Lập 1 (200 ha) và Tân Bình mở rộng (1.000 ha); hai dự án này dự kiến sẽ đi vào triển khai giai đoạn 2024 - 2025.

Bên cạnh đó, PHR cũng đang thành lập mới 3 khu công nghiệp, gồm Hội Nghĩa (715 ha), Bình Mỹ (1.000 ha), và Tân Thành (316 ha).

Tại 30/6/2023, tổng tài sản của công ty mẹ PHR ở mức 3.331 tỷ đồng, giảm hơn 300 tỷ so với đầu năm, chủ yếu do khoản tiền gửi có kỳ hạn đáo hạn từ 771 tỷ còn 482 tỷ đồng. Cuồi kì, lượng hàng tồn kho và khoản phải thu ngắn hạn lần lượt 123 tỷ và 219 tỷ.

Công ty dành hơn 1.481 tỷ đồng đầu tư vào các công ty thành viên (đã bao gồm dự phòng 7,4 tỷ đồng), chiếm 45% tổng tài sản.

Trong khi đó, công ty chỉ đi vay ngắn hạn 109 tỷ đồng, gấp 2,2 lần đầu năm, chiếm 17% tổng nợ phải trả. Ngoài ra công ty còn phải trả ngắn hạn khác hơn 341 tỷ đồng, đa số là cổ tức, lợi nhuận phải trả.

Cuối tháng 6, vốn chủ sở hữu của công ty mẹ PHR là 2.689 tỷ, với vốn góp là 1.355 tỷ, quỹ đầu tư 1.057 tỷ và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 255 tỷ đồng.

Minh Hằng

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.