Loạt doanh nghiệp hé lộ KQKD quý II: Những điểm sáng trong bức tranh ảm đạm
Nền kinh tế trong những tháng đầu năm tiếp tục ảm đạm, dù đã có những điểm tích cực nhất định. Theo tiến sĩ Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn và ngày càng rõ nét hơn, do tác động của cả yếu tố bên ngoài và nội tại nền kinh tế, bao gồm sức chống chịu suy giảm sau 3 năm dịch bệnh; vướng mắc về pháp lý,...
Trong khi đó mặt bằng lãi suất dần hạ nhiệt nhưng vẫn còn cao, khả năng hấp thụ vốn và đáp ứng điều kiện vay vốn ở mức thấp, thị trường trái phiếu thu hẹp. Chi phí đầu vào vẫn ở mức cao nhưng thị trường đầu ra khó khăn, đơn hàng xuất khẩu giảm,... là những thử thách mà doanh nghiệp phải đối diện trong 6 tháng đầu năm.
Dù chưa tới thời điểm phải công bố báo cáo tài chình, một số doanh nghiệp đã tiết lộ kết quả sơ bộ tình hình kinh doanh quý II cũng như 6 tháng đầu năm 2023. Bức tranh sơ bộ cho thấy hầu hết cho thấy lợi nhuận sụt giảm mạnh so với mức nền cao của quý II năm ngoái, tuy nhiên vẫn có những đơn vị đi ngược lại tình hình chung.
Bất động sản KCN khởi sắc
Đại diện cho nhóm bất động sản khu công nghiệp, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (Mã: KBC) cho thấy số liệu tích cực hơn so với cùng kỳ với ước tính 6 tháng đầu năm, doanh thu khoảng 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 2.000 tỷ đồng, thực hiện được hơn 50% kế hoạch cả năm.
Tính riêng quý II, lợi nhuận sau thuế của KBC khoảng 944 tỷ đồng so với mức lỗ 323 tỷ đồng cùng kỳ.
“Có thể nói, dòng tiền của KBC đang ở trạng thái tốt nhất từ trước đến nay. Mấy tháng trước công ty công bố mua lại trước hạn một nửa số trái phiếu đang lưu hành (750 tỷ đồng) nhưng cuối cùng chỉ mua lại được gần 343 tỷ đồng. Điều đó chứng tỏ các trái chủ rất yên tâm vào tình hình tài chính của công ty”, ông Phạm Phúc Hiếu, Phó Tổng giám đốc nói tại ĐHĐCĐ thường niên 2023.
Trong khi đó, lãnh đạo Tổng Công ty Viglacera (Mã: VGC) cho biết sau 6 tháng doanh thu thuần hợp nhất ước đạt gần 7.000 tỷ đồng, giảm gần 14%, còn lợi nhuận trước thuế giảm gần 48% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, đóng góp chính vào kết quả doanh thu, lợi nhuận hai quý đầu năm của tổng công ty đến từ lĩnh vực bất động sản (đặc biệt là bất động sản khu công nghiệp) với doanh thu ước đạt hơn 2.600 tỷ đồng; lợi nhuận ước đạt 950 tỷ đồng giúp công ty thực hiện 90% kế hoạch lợi nhuận. Ngoài ra lợi nhuận của Viglacera còn ghi nhận 310 tỷ đồng cổ tức thu từ công ty liên kết.
Ước tính quý II, đơn vị sở hữu quỹ đất cho thuê hơn 3.000 ha này lãi 692 tỷ đồng, tăng 18%.
Theo CBRE Việt Nam, giá phân khúc bất động sản khu công nghiệp (BĐS KCN) cho thuê cũng như tỷ lệ lấp đầy đang rất tốt trên khắp các khu vực của cả nước.
Với các doanh nghiệp đầu tư KCN, giá thuê tăng, tỷ lệ lấp đầy cao, trong khi nguồn cung còn hạn chế đã giúp họ thu lợi lớn. Những đơn vị có quỹ đất sẵn sàng cho thuê lớn như Kinh Bắc hay Viglacera đang được nhiều nhà đầu tư tìm đến đàm phán ký hợp đồng thuê. Dự báo, với giá cho thuê cao sẽ giúp những doanh nghiệp này duy trì tỷ suất lợi nhuận gộp trên 40% trong năm 2023...
Giá dầu neo trên 70 USD/thùng là bệ đỡ cho họ dầu khí
Trong nhóm dầu khí, doanh nghiệp ở khâu thượng nguồn có kết quả tươi sáng hơn.
Đơn cử, Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (Mã: PVS) ước tính 6 tháng cùng kỳ có lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng 7% lên mức 400 tỷ đồng. Tính riêng trong quý II, PVS lãi 133 tỷ đồng, tăng 96% so với mức nền thấp cùng kỳ.
Tại ĐHĐCĐ thường niên, lãnh đạo nhận định công ty năm nay có thể vượt kế hoạch với hoạt động đầu tư mảng điện gió ngoài khơi, trong khi lĩnh vực dịch vụ truyền thống sẽ có những khó khăn nhất định.
Dù chưa tiết lộ số liệu, Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling - Mã: PVD) cho biết công ty cơ bản đã hoàn thành 100% kế hoạch kinh doanh cả năm 2023 sau 6 tháng.
Thành tích này đến từ những tín hiệu lạc quan của giá dầu thô, nhu cầu giàn khoan tăng mạnh trong khi nguồn cung giàn khoan đang bị hạn chế, đơn giá dịch vụ cũng đã có những cải thiện đáng kể. Ban lãnh đạo PVD dự kiến 2023 sẽ là một năm "tươi sáng của PVD" vì sẽ vượt kế hoạch đề ra.
Trong khi đó với nhóm trung nguồn là Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS - Mã: GAS), doanh thu và lợi nhuận 6 tháng đầu năm giảm lần lượt 17%, 30% so với cùng kỳ.
Từ đầu năm, PV GAS đã xây dựng kế hoạch kinh doanh dựa trên giả định giá dầu 70 USD/thùng. 6 tháng đầu năm, giá dầu đã luôn giữ trên mốc này. Ban lãnh đạo nhận định nếu giá nhiên liệu này tiếp tục duy trì, công ty sẽ vượt kế hoạch năm.
Tại nhóm bán lẻ xăng dầu như Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV OIL - Mã: OIL), do sản lượng cung - cầu xăng dầu đã dần ổn định sau dịch COVID-19 và chiến sự Nga - Ukraine, công ty ước tính lợi nhuận nửa đầu năm giảm 52% so với cùng kỳ. Riêng quý II, kết quả giảm 70% so với quý II/2022.
Ngoài ra, PV OIL còn đối mặt với áp lực nguồn cung khi các Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và Bình Sơn dự kiến bảo dưỡng trong năm nay.
Quý II/2023, ông lớn ngành sữa là Vinamilk (Mã: VNM) lần đầu tiên ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương kể từ quý I/2021 với mức tăng gần 6% lên 2.220 tỷ đồng.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu ước đạt 29.118 tỷ đồng tăng 1,1%, lợi nhuận sau thuế khoảng 4.126 tỷ đồng giảm 5,9% so với cùng kỳ.
Theo các chuyên gia, Vinamilk đang đối mặt sự cạnh tranh ngành sữa ngày càng tăng khiến công ty đang dần mất thị phần. Việc phải đổi mới và cải thiện cũng như mở rộng phạm vi phân phối và nhận diện thương hiệu sẽ tăng chi phí marketing và quảng cáo của công ty này.
Tại nhóm hàng không, đại diện Vietnam Airlines (Mã: HVN) ước tính doanh thu hợp nhất sau hai quý đầu năm là 45.255 tỷ đồng, tăng gần 49% so cùng kỳ năm 2022 nhờ thị trường hàng không quốc tế và nội địa đều đi lên.
Thực tế, doanh thu của hãng hàng không này đã phục hồi từ các quý trước, tuy nhiên do giá vốn cao và các chi phí đã ăn mòn khiến Vietnam Airlines đến nay vẫn chưa có lãi ròng trở lại kể từ quý I/2020.