|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

NHNN: Số lượng thẻ tín dụng nội địa tăng 42,5% so với cùng kỳ năm trước, có tiềm năng phát triển lớn

17:11 | 15/09/2023
Chia sẻ
Nhà điều hành và đại diện từ các tổ chức tín dụng đều cho rằng tiềm năng để phát triển sản phẩm thẻ tín dụng nội địa tại Việt Nam là rất lớn, góp phần đẩy mạnh xu hướng tài chính toàn diện và giảm chi phí sử dụng cho người dùng.

Chia sẻ tại sự kiện Hội thảo "Thúc đẩy phát triển thị trường thanh toán điện tử ở Việt Nam" do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với Báo Lao động tổ chức, ông Phạm Anh Tuấn – Vụ trưởng vụ Thanh Toán, đến hết tháng 7, có 15 tổ chức phát hành thẻ đã phát hành thẻ tín dụng nội địa. Số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đến tháng 7 đạt trên 811.400 thẻ, tăng 42,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong giai đoạn 5 năm 2018-2022, số lượng thẻ tín dụng nội địa phát hành đạt mức tăng trưởng bình quân 29,6%/năm, cao hơn thẻ tín dụng quốc tế là 17,72%/năm.

Đánh giá về các lợi ích, tiềm năng phát triển của thẻ tín dụng nội địa trong thời gian tới, ông Tuấn cho biết bên cạnh các tính năng của thẻ tín dụng thông thường, một số tiện ích, tính năng của thẻ tín dụng nội địa có thể là điểm hấp dẫn nhóm khách hàng phổ thông hoặc lần đầu tiếp cận sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.

Có thể kể ra như thủ tục mở thẻ đơn giản, chi phí phát hành và thanh toán thấp; qua đó, giúp khách hàng dễ dàng mở thẻ, nhanh chóng tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng với chi phí hợp lý, thông tin minh bạch, quyền lợi khách hàng được đảm bảo, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tài chính toàn diện và hỗ trợ góp phần đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen.

 Ông Phạm Anh Tuấn – Vụ trưởng vụ Thanh Toán, NHNN Việt Nam trình bày tham luận tại hội thảo. (Ảnh: Báo lao động).

Cùng với đó, việc phát triển thẻ tín dụng nội địa cũng đã tạo ra sự đa dạng các sản phẩm, danh mục, về dịch vụ mở rộng đối tượng khách hàng và hệ sinh thái thanh toán của các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử.

Khi phát hành thẻ nội địa, các tổ chức phát hành thẻ được quyền chủ động trong việc xây dựng mức phí phù hợp với đối tượng khách hàng. Ví dụ như phí phát hành, phí thường niên,… đối với các cơ sở chấp nhận thẻ cũng có mức phí phù hợp với các  phân khúc khách hàng, qua đó góp phần tạo các mức phí phù hợp, tạo sự linh hoạt trong việc áp dụng các mức phí với thẻ nội địa.

Thêm nữa, phát triển thẻ tín dụng nội địa là một bước tiến nữa khẳng định thương hiệu thẻ thuần Việt Nam sử dụng công nghệ, hạ tầng thanh toán trong nước, đồng tiền Việt Nam để kết nối, xử lý thanh toán an toàn, tin cậy, thông suốt cho mọi tình huống cho các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ tại Việt Nam.

"Trong 39 triệu thẻ đang hoạt động, chúng ta có trên 800 nghìn thẻ nội địa, chiếm 8,7% trong tổng số lượng thẻ. Như vậy đứng trước một thực trạng trên, rõ ràng chúng ta còn dư địa để quan tâm đẩy mạnh hơn phát triển thị trường thẻ nội địa tại Việt Nam", Vụ trưởng Vụ thanh toán cho hay.

Thông tin tại sự kiện, các chuyên gia và đại diện các ngân hàng, doanh nghiệp đều đánh giá cao tiềm năng của loại hình "thẻ tín dụng nội địa".

Theo ông Lê Hồng Phúc, Phó Tổng giám đốc Agribank, thẻ tín dụng quốc tế có khả năng tiếp cận thấp, thông thường chủ yếu là khách hàng có thu nhập khá trở lên, có nhu cầu mua sắm, đi lại ở nước ngoài hoặc nhu cầu chi tiêu ở mức trung bình trở lên.

Trong khi đó, Việt Nam với gần 63 triệu người dân ở địa bàn nông thôn là thị trường tiềm năng cho việc phát triển các sản phẩm thẻ thanh toán. Thực tế cho thấy, khoảng 5 năm trở lại đây, thị trường thẻ ngân hàng có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt sau đại dịch COVID-19.

Ông đưa ra số liệu so sánh khi chỉ hơn 4% dân số Việt Nam sở hữu thẻ tín dụng, bao gồm cả thẻ tín dụng quốc tế. Còn các quốc gia lân cận như Thái Lan, con số này là 10%, Malaysia 21%, Trung Quốc 21%, Singapore 49%, Đài Loan 54%, Nhật Bản 68%...

"Như vậy, thị trường thẻ tín dụng, đặc biệt là thẻ tín dụng nội địa với những ưu thế vượt trội còn nhiều dư địa phát triển.", ông Phúc đánh giá.

Chia sẻ rõ hơn về thẻ tín dụng nội địa, Phó Tổng giám đốc NAPAS Nguyễn Đăng Hùng cho biết thẻ tín dụng nội địa có ưu thế về những chính sách phù hợp với đa số người dân.

Ví dụ, khách hàng có thu nhập từ 4,5 triệu đồng/tháng. Thẻ tín dụng nội địa có độ an toàn, bảo mật nhờ việc lưu trữ thông tin thẻ trên con chíp tiêu chuẩn EMV. Thẻ tín dụng nội địa được thanh toán đa dạng như thanh toán khi tham gia giao thông, siêu thị. 

Do đó, trong bối cảnh giao dịch điện tử không dùng tiền mặt đã phổ cập,thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng 86% về số lượng giao dịch không dùng tiền mặt và 31% về giá trị thì tiềm năng của loại thẻ này là tương đối lớn.

"Tiềm năng của thẻ tín dụng nội địa là rất lớn. Nói cách khác, phát triển thẻ tín dụng nội địa rất có khả năng trở thành chủ lực trong tín dụng tiêu dùng những năm tới", ông Lê Phương Hải, Phó Tổng giám đốc Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt (VietCredit) nhận định.

Ông đưa ra số liệu từ FiinGroup cho thấy tỷ trọng thẻ tín dụng trong cho vay tiêu dùng ở cả khối ngân hàng và khối công ty tài chính đều tăng trong các năm gần đây, tuy nhiên đều không vượt quá 10%. Đáng chú ý trong nhóm thẻ tín dụng, thẻ tín dụng nội địa chỉ chiếm vỏn vẹn tỷ trọng 5,5% dư nợ.

Ông Lê Phương Hải, Phó Tổng giám đốc Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt (VietCredit) chia sẻ tại sự kiện. (Ảnh: Báo lao động.

Ông Hải cho biết dư địa phát triển thẻ tín dụng nội địa thông qua việc hợp tác với các sàn thương mại điện tử (TMĐT) là rất lớn. Ông phân tích, dù TMĐT phát triển mạnh trong những năm gần đây, đột phá trong và sau COVID-19, nhưng thanh toán bằng tiền mặt khi giao hàng vẫn chiếm tới trên 80%.

Khi giao hàng, người mua có thể chuyển khoản cho người giao hàng thay vì đưa tiền mặt nhưng ở phương thức thanh toán này, tỷ lệ bỏ đơn hàng cũng rất cao làm gia tăng chi phí cho các bên cung ứng. Các lãnh đạo sàn thương mại điện tử cho biết, người tiêu dùng ngại thanh toán bằng thẻ tín dụng quốc tế vốn có hạn mức cao do lo ngại về an toàn, bảo mật.

Bên cạnh đó, về những lo ngại về rủi ro bảo mật, ông Hải cho rằng khi phát hành thẻ tín dụng nội địa trực tuyến thì nguy cơ lớn nhất đối với tổ chức phát hành là gian lận định danh. Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ cùng với việc chuẩn hóa cơ sở dữ liệu căn cước công dân đã và đang góp phần đẩy lùi rủi ro này.

Theo ông, phát triển thẻ tín dụng nội địa chỉ thành công khi khả năng quản lý và thu hồi nợ xấu của các tổ chức phát hành có sự phát triển đột phá. Các tổ chức phát hành có rất nhiều giải pháp cho nhóm khách hàng hợp tác khi họ gặp khó khăn trong thanh toán thẻ tín dụng, nhưng chưa có phương án tối ưu đối với khách hàng không hợp tác ngoài thực hiện tiến trình khởi kiện.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Diệp Bình

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.