NHNN lấy ý kiến về việc thử nghiệm cho vay ngang hàng (P2P)
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố dự thảo lấy ý kiến về nghị định quy định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng.
Theo đó, các giải pháp Fintech trong lĩnh vực ngân hàng được phép thử nghiệm tại Cơ chế thử nghiệm gồm những lĩnh vực như cấp tín dụng trên nền tảng công nghệ, chấm điểm tín dụng, chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng (API).
Ngoài ra còn có cho vay ngang hàng (P2P Lending), ứng dụng công nghệ chuỗi khối, sổ cái phân tán (Blockchain Technology, DLT) trong hoạt động ngân hàng, ứng dụng các công nghệ khác trong hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, triển khai mô hình hợp tác kinh doanh đổi mới sáng tạo.
Dự thảo cũng nêu rõ công ty cho vay ngang hàng trong quá trình tham gia Cơ chế thử nghiệm không được thực hiện các hành vi như cung cấp biện pháp bảo đảm tiền vay; Cung cấp dịch vụ môi giới thông tin cho việc vay tiền phục vụ hoạt động đầu tư cổ phiếu và các hoạt động mang tính rủi ro cao khác; Sử dụng trái phép nguồn tiền từ khách hàng,...
Thời gian thử nghiệm các giải pháp Fintech tối đa hai năm tùy từng giải pháp và lĩnh vực cụ thể, tính từ thời điểm được NHNN cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm.
Về điều kiện tham gia, công ty cho vay ngang hàng được xem xét, thẩm định để cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm là pháp nhân được thành lập và hoạt động hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam.
Đồng thời không đang trong quá trình chia, tách, sáp nhập, chuyển đổi, tạm ngừng kinh doanh, giải thể, phá sản; tại Giấy phép thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không có nội dung hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ.
Người đại diện theo pháp luật, Tổng giám đốc (Giám đốc) của công ty Fintech đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm không có án tích, không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và an ninh mạng.
Bên cạnh đó, giải pháp cho vay ngang hàng đề nghị tham gia Cơ chế thử nghiệm phải thỏa mãn các tiêu chí quy định tại Nghị định.
Theo NHHN, số lượng các công ty có hoạt động hoặc tham gia cung ứng dịch vụ, giải pháp Fintech tại Việt Nam đã tăng nhanh chóng từ khoảng 40 công ty vào cuối năm 2016 lên đến khoảng 200 công ty ở thời điểm hiện tại với nhiều mảng, lĩnh vực hoạt động khác nhau như thanh toán, cho vay ngang hàng, chấm điểm tín dụng, quản lý tài chính cá nhân,...
Trong số đó, các công ty hoạt động trong lĩnh vực thanh toán chiếm tỷ trọng lớn với 47 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đã được NHNN cấp Giấy phép, còn trong lĩnh vực cho vay ngang hàng (P2P Lending) là khoảng 100 công ty với nhiều công ty có vốn đầu tư nước ngoài.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/