NHNN đã nới room tín dụng lên 18% - 22% cho VPBank, TPBank, Techcombank, VIB, HDBank
Theo thông tin từ Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), nhu cầu tín dụng suy giảm và các ngân hàng qui mô lớn trở nên thận trọng trong việc cho vay mới khiến cho nhu cầu tìm đến các ngân hàng cổ phần có nguồn vốn tốt thể hiện qua chỉ số CAR.
VCBS cho biết Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nới room tăng tín dụng lên mức 18 – 22% cho một số ngân hàng bao gồm: Techcombank, VPBank, TPBank, VIB, HDBank,... Đồng thời kì vọng tín dụng toàn hệ thống sẽ tăng dưới 10% năm 2020.
Trong nửa đầu năm, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhu cầu tín dụng toàn nền kinh tế giảm mạnh, theo số liệu từ NHNN, đến ngày 29/6, tín dụng tăng 3,26%, thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, mặc dù tín dụng tăng khá yếu trong những tháng đầu năm nhưng đang có dấu hiệu tăng trở lại. Tháng 3 tín dụng mới tăng khoảng 1,13%; tháng 4 tăng 0,12%; nhưng đến tháng 5 đã tăng lại 0,53% và đến 29/6 thì mức tăng so với tháng 5 là 1,28%.
Thống đốc cũng cho biết việc nới room tín dụng cho một số ngân hàng điều kiện tăng trưởng lành mạnh đã được thực hiện từ đầu tháng 7 nhằm thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế.
Trước đó, theo dự đoán của chúng tôi, những "ứng cử viên" sáng giá được nới room tăng trưởng tín dụng sẽ là TPBank, VPBank, VIB, OCB, Vietcombank,...
Thống đốc Lê Minh Hưng cũng cho biết hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục cam kết cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn vốn cho nền kinh tế, sẽ điều hành tỷ giá ổn định và sẵn sàng các biện pháp cần thiết can thiệp thị trường nếu có các biến động quá mức gây bất ổn vĩ mô.
"NHNN sẵn sàng tăng hạn mức tín dụng cho các TCTD từ nay đến cuối năm để hỗ trợ tăng trưởng", ông nói.
Theo thống kê từ NHNN, có khoảng 2 triệu tỉ đồng dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chiếm khoảng 23% tổng dư nợ toàn hệ thống. Và tính tới tháng 4/2020, gần 1,7 triệu tỉ đồng dư nợ đã được hỗ trợ giảm lãi suất hoặc cho vay mới với lãi suất thấp đối với các khách hàng bị ảnh hưởng (tương đương 20% dư nợ toàn hệ thống).
Tính tới giữa tháng 6, tổng số dư nợ thực hiện tái cơ cấu theo Thông tư 01 đạt 172.000 tỉ đồng, tương đương 2% tổng dư nợ. NHNN cũng đã ước tính nợ xấu nội bảng (gồm cả phần bán cho VAMC và được tái cơ cấu) vào cuối năm nay sẽ ở mức 2,6% - 3% nếu dịch bệnh kiểm soát trong quí I và là 3,7% nếu được kiểm soát trong quí II.