Những ứng cử viên hàng đầu được NHNN nới room tín dụng
Thông tin tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết tín dụng bắt đầu tăng trở lại. Đến ngày 29/6 tín dụng tăng 3,26%, là mức tăng khá mạnh bắt đầu từ tháng 5 trở lại đây.
Theo Thống đốc, ngay từ đầu tháng 7, NHNN đã chủ động điều chỉnh tín dụng hỗ trợ phục vụ cho tăng trưởng, vì vậy vừa qua đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của một loạt ngân hàng thương mại (NHTM), kể cả NHTM có vốn Nhà nước hay NHTM cổ phần tư nhân. Theo đó, ngân hàng nào có điều kiện tăng trưởng lành mạnh vào các lĩnh vực phục vụ cho tăng trưởng kinh tế, thì có thể điều chỉnh tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn so với nhu cầu.
Mặc dù NHNN chưa công bố danh sách ngân hàng được nới room tín dụng, song có thể dự đoán những "ứng cử viên" nhiều khả năng được tăng hạn mức thông qua chia sẻ của các lãnh đạo ngân hàng và báo cáo kết quả kinh doanh trong mùa đại hội cổ đông vừa qua.
Chia sẻ bên lề cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 của TPBank, Tổng Giám đốc Nguyễn Hưng biết TPBank là một trong ba ngân hàng được NHNN đánh giá cao nhất theo các tiêu chuẩn của Thông tư 52 nhằm mục đích cấp room tín dụng, bên cạnh ACB và MB.
Trước đó, trong 4 tháng đầu năm nay, tín dụng TPBank tăng gần 11%, cao hơn nhiều so với mức tăng bình quân chung của hệ thống. Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank cho hay, ngân hàng đã dùng gần hết hạn mức tăng trưởng tín dụng 11,5% mà NHNN giao. Do đó, TPBank rất mong được NHNN nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng có khả năng kiểm soát tốt, có đủ nguồn lực và chất lượng tài sản tốt.
"Hiện tại, TPBank đã sử dụng gần hết hạn mức mà NHNN giao từ đầu năm (11,5%), tuy rằng đây là con số cao nhất trong các TCTD nhưng còn xa so với khả năng ngân hàng có thể đáp ứng được", Chủ tịch Đỗ Minh Phú chia sẻ.
Cùng với TPBank, một số ngân hàng khác cũng tăng trưởng tín dụng tương đối khả quan trong nửa đầu năm nay nhờ đa dạng kênh bán hàng và phát triển thị trường ngách như trái phiếu doanh nghiệp, tài trợ tín dụng cho khách hàng lớn...
Điển hình tại VPBank, tính đến hết tháng 5/2020, tín dụng tăng trưởng 12%. Theo chia sẻ của lãnh đạo ngân hàng này, những tháng đầu năm, bên cạnh mảng chiến lược là tiểu thương, tín dụng tiêu dùng, doanh nghiệp nhỏ và vừa, bán lẻ, VPBank tập trung thêm vào mảng trái phiếu doanh nghiệp, mở rộng sang khách hàng lớn, cho vay mua nhà…
Tương tự, tốc độ tăng tín dụng riêng lẻ của HDBank trong 5 tháng đầu năm cũng lên tới 8%. Đồng thời, ban lãnh đạo ngân hàng cho biết sẽ làm việc với NHNN để đạt được mức tăng trưởng tín dụng thuộc nhóm cao nhất trong ngành.
VIB và OCB là cũng hai ngân hàng cũng có tham vọng tăng trưởng tín dụng ở mức cao trong năm nay.
Tại đại hội cổ đông thường niên 2020, VIB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 24% trong khi hạn mức được cấp trước đó của nhà băng này chỉ là 10,5%. Theo Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ, 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của VIB đạt hơn 6% và ngân hàng đang tìm kiếm sự hỗ trợ nới room từ phía NHNN.
Trong năm 2020, OCB cũng đặt mục tiêu tăng trưởng dư nợ thị trường 1 lên tới 25%, nếu được NHNN phê duyệt hạn mức tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này sẽ gấp đôi kế hoạch toàn ngành (11 - 14%).
Không chỉ các ngân hàng cổ phần tư nhân, những ngân hàng có vốn Nhà nước cũng là đối tượng được Thống đốc đề cập đến trong đợt nới room tín dụng vừa qua. Trong đó, Vietcombank là nhà băng có nhiều khả năng nhất được NHNN điều chỉnh hạn mức.
Trong năm 2020, Vietcombank đặt mục tiêu dư nợ tín dụng tăng 10%, tương đương với định hướng điều hành của NHNN, đây cũng là mức tăng tưởng cao nhất trong nhóm 4 ngân hàng thương mại Nhà nước, theo chia sẻ của Chủ tịch Nghiêm Xuân Thành.
Trước đó, trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank đạt 3,4%, cao hơn nhiều so với các ngân hàng gốc quốc doanh khác. Đồng thời, việc kiểm soát tốt danh mục cho vay và chất lượng tín dụng (tỉ lệ nợ xấu chỉ tăng từ 0,78% lên 0,82%) cũng là một điểm cộng giúp Vietcombank trở thành ngân hàng hàng đầu được xem xét tăng hạn mức tăng trưởng.
NHNN sẵn sàng tăng thêm hạn mức tín dụng cho các ngân hàng
Mặc dù, tín dụng bắt đầu chuyển biến tích cực vào những tháng cuối cùng của quí II tuy nhiên mức tăng trưởng 6 tháng vẫn thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Để tín dụng tăng trưởng nhanh hơn, ngành ngân hàng đã đẩy mạnh cắt giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm, NHNN đã liên tiếp thực hiện hai lần giảm lãi suất điều hành ở mức rất mạnh là 1,5% để hỗ trợ thanh khoản cho ngân hàng, giúp mặt bằng lãi suất thị trường có xu hướng giảm.
Bên cạnh đó, bản thân các ngân hàng thương mại cũng tung ra nhiều gói hỗ trợ cho khách hàng. Mới nhất, Agribank và BIDV thông báo giảm lần lượt 0,2 điểm % và 0,5 điểm % lãi suất cho vay. Đây là lần giảm lãi suất thứ 3 trong năm nay của Agribank và BIDV nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 với tổng mức giảm là 2,5 - 3 điểm %.
Cùng với biện pháp giảm lãi suất, ngành ngân hàng cũng tích cực cơ cấu lại nợ, không chuyển nhóm nợ và trong thời gian cơ cấu lại nợ thì khách hàng vay vốn không phải trả nợ gốc và lãi đến hạn, được miễn giảm lãi và phí cũng như giảm lãi suất.
Chia sẻ định hướng điều hành từ nay đến cuối năm, Thống đốc Lê Minh Hưng cam kết hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn vốn cho nền kinh tế, sẵn sàng điều chỉnh hạn mức tín dụng để ngân hàng nào có điều kiện tăng trưởng lành mạnh vào các lĩnh vực trọng điểm.
"NHNN sẵn sàng tăng hạn mức tín dụng cho các TCTD từ nay đến cuối năm để hỗ trợ tăng trưởng. Trong trường hợp cần thiết theo chỉ đạo của Chính phủ, sẽ có các giải pháp mạnh hơn về chính sách tiền tệ như tái cấp vốn cho các dự án công trình có tác động lan toả để hỗ trợ cho các khu vực kinh tế trọng điểm, cũng như hỗ trợ tăng trưởng từ nay đến cuối năm", Thống đốc cho biết.