Tại sao Ngân hàng Nhà nước đặt hạn mức tăng trưởng tín dụng ban đầu cho từng ngân hàng thấp?
Nhận định được ông Quản Trọng Thành, Trưởng phòng Nghiên cứu Phân tích, Khối Khách hàng Tổ chức của CTCK Maybank Kim Eng chia sẻ về lĩnh vực ngân hàng.
Với tình huống tâm lý thị trường hiện đang yếu do ảnh hưởng từ corona virus (Covid-19), việc đặt hạn mức tăng trưởng tín dụng thấp cho mỗi ngân hàng gần như làm tăng thêm lo ngại về triển vọng vĩ mô nói chung và cả ngành ngân hàng nói riêng. Ông Thành cho rằng thị trường hiện có nhiều ý kiến đang trở nên ngày càng bất hợp lý và quá tiêu cực.
Ông Thành nhận định, động thái của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không đại diện cho chính sách thắt chặt tiền tệ bởi vì mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho cả ngành ngân hàng trong 2020 vẫn không đổi ở mức 14%.
Hơn nữa, đây cũng là hoạt động bình thường, đặc biệt là trong 3 năm gần đây, NHNN đều có khuynh hướng đặt mục tiêu ban đầu về tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng thấp hơn hạn mức tăng trưởng của cả ngành.
Sau đó, NHNN sẽ đánh giá lại tình hình hoạt động nửa đầu năm của từng ngân hàng và tùy thuộc vào các chỉ số thận trọng cũng như mức độ tuân thủ với những quy định và chính sách của từng ngân hàng để quyết định tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng theo từng trường hợp cụ thể (có thể tăng thêm 3-4% cho các ngân hàng mạnh như đã từng trong 2017-2018).
"Tôi cho rằng việc này nên hiểu là tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm 2020 sẽ thấp là do ảnh hưởng từ dịch corona virus, cho nên NHNN chỉ là đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng thấp hơn, trong khi vẫn cung cấp một khoản hợp lý cho các ngân hàng thương mại tăng trưởng và cũng cho phép NHNN duy trì việc giám sát các ngân hàng địa phương.
Nghĩa là yêu cầu các ngân hàng quản lý chặt hơn chất lượng tài sản, tuân thủ các quy định, và hỗ trợ chính sách của NHNN. Ví dụ như giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước. Mục tiêu này đã được đặt ra từ trước khi bùng phát dịch corona virus, và hiện đang trở nên hành động cấp thiết được Chính phủ, NHNN kêu gọi các ngân hàng thực hiện", chuyên gia của MBKE nhìn nhận.
Ông Thành phân tích, với hạn mức tăng trưởng tín dụng ban đầu được đặt ra thấp cho các ngân hàng này (đa số là ngân hàng lớn và mạnh), điều này có nghĩa là hạn mức cho các ngân hàng nhỏ hơn có thể sẽ còn thấp hơn. Cùng với thanh khoản hiện đang dư thừa, hạn mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn sẽ giúp giảm mức độ cạnh tranh về tăng huy động giữa các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ. Do đó sẽ góp phần ổn định, thậm chí có thể giảm lãi suất tiền gửi, mở ra lộ trình cho các ngân hàng giảm lãi suất cho vay.
"Với hạn mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn, các ngân hàng sẽ cần phải lựa chọn ngành, khách hàng tốt hơn để cho vay. Điều này sẽ giúp kiểm soát tốt hơn chất lượng tài sản", ông Thành phân tích.
Đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 tới tăng trưởng kinh tế trong năm nay, cũng như sẽ ảnh hưởng ngành ngân hàng trong việc tăng trưởng tín dụng và chất lượng tài sản ra sao, ông Thành cho biết, hiện tại, phía MBKE vẫn duy trì kịch bản cơ sở là dịch bệnh có thể được kiểm soát vào cuối tháng 4/2020, và xem xét tới hành động cũng như hướng dẫn của NHNN đối với các ngân hàng về việc cơ cấu lại thời gian trả nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bơi dịch bệnh, MBKE tin là chất lượng tài sản sẽ duy trì tốt.
Về tăng trưởng tín dụng, chuyên gia MBKE cho rằng ở kịch bản cơ sở, có thể kỳ vọng mức tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2020 ở mức 12,5-13%. Trong báo cáo chiến lược của MBKE hồi tháng 1/2020, công ty này cũng dự báo tăng trưởng trong khoảng 13-14% khi xem xét đến cho vay mảng thế chấp nhà ở và xây dựng sẽ tăng trưởng chậm lại.
Ông Thành cũng nêu tín hiệu tích cực là chính quyền TP.HCM đã phản hồi và càng chủ động hơn trong việc giải quyết tình trạng thắt nút cổ chai đối với vấn đề cấp giấy phép cho các dự án bất động sản nhà ở. Theo đó, đặt mục tiêu đến cuối tháng 4 tới mọi vấn đề sẽ được giải quyết. Trong trường hợp đó, sẽ hỗ trợ tăng trưởng cho vay thế chấp tài sản, bù đắp cho nhu cầu tín dụng chậm lại trong các ngành bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Chia sẻ về việc lựa chọn cổ phiếu ngân hàng để đầu tư, ông Thành cho biết nhà đầu tư có thể cân nhắc lựa chọn những ngân hàng có lợi thế cạnh tranh rõ ràng, có khả năng duy trì tăng trưởng cũng như khả năng sinh lợi trong dài hạn, và khả năng "chống sốc" trong ngắn hạn (xem xét tỷ lệ nợ xấu và khả năng dự phòng rủi ro nợ xấu).
Như cổ phiếu VCB và ACB, với tài sản chất lượng tốt và tỷ lệ dự phòng rủi ro nợ xấu tốt, có khả năng duy trình tăng trưởng lợi nhuận tốt trong 2020 (20-26%) và ROE (21-23%). Tuy nhiên với ACB nhà đầu tư nước ngoài khó mua được vì hết "room".
Câu chuyện của VPB năm nay vẫn xoay quanh khả năng thương vụ bán FE Credit với giá cao hơn rất nhiều so với định giá hiện tại của thị trường.
MBB thì ít động lực hơn và chất lượng tài sản, chi phí tín dụng trong quý IV/2019 ít hấp dẫn. Điều này cần được quan sát kỹ hơn trong nửa đầu năm 2020 để xem ngân hàng có thể tự bảo vệ chất lượng tài sản của mình.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/