|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

VCBS: Triển vọng ngành ngân hàng chịu ảnh hưởng lớn từ kinh tế vĩ mô và thị trường bất động sản

09:41 | 18/07/2020
Chia sẻ
Theo VCBS, trong kịch bản xấu nhất, lợi nhuận hệ thống ngân hàng có thể giảm ít nhất 17,4% so với trường hợp không có dịch bệnh, tức giảm 7% so với năm 2019 và cần tới 3 – 5 năm để đưa nợ xấu về mức 1,5 – 2% trước dịch.

Trong báo cáo cập nhật mới đây, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường bất động sản giai đoạn sau dịch sẽ ảnh hưởng lớn tới ngành ngân hàng ở nhiều khía cạnh. Đó là lợi nhuận trước thuế và chất lượng tài sản.

Cụ thể, tác động từ các chương trình miễn, giảm lãi phí và việc gián đoạn hoạt động khác là yếu tố làm giảm lợi nhuận của các ngân hàng trong năm nay. 

VCBS đưa ra hai kịch bản là kém khả quan với giả định dư nợ các khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh được tái cơ cấu và không ảnh hưởng tới trích lập dự phòng năm 2020 và rất xấu với giả định vào cuối năm có 1% dư nợ khách hàng ngoài diện tái cơ cấu chuyển nhóm từ 1 sang 2.

Trong kịch bản kém khả quan, lợi nhuận trước thuế cả năm so với trường hợp không có dịch bệnh có thể thấp hơn 7,3%, tức giảm khoảng 5% so với năm trước. Trong đó, tác động từ miễn giảm phí và lãi lần lượt giảm 1,7% và 1,1%. Tác động từ gián đoạn hoạt động và tác động khác giảm ít nhất 4,5%.

Cùng với đó, chất lượng tài sản bảo đảm cũng được đánh giá kém hơn. Giá trị thị trường của các TSBĐ suy giảm ở một số loại tài sản. Nợ xấu tăng ở nhóm khách hàng doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp và tăng nhẹ ở nhóm khách hàng cá nhân có nền tảng tài chính yếu. Có thể cần tới 1 - 3 năm để đưa tỉ lệ nợ xấu về lại mức trước dịch bệnh.

Với kịch bản rất xấu VCBS đưa ra, lợi nhuận trước thuế có thể giảm ít nhất 17,4% so với trường hợp không có dịch bệnh, tức giảm 7% so với năm 2019. Tác động từ miễn giảm phí và lãi lần lượt giảm 3,3% và 2,8%; tác động từ gián đoạn hoạt động và tác động khác giảm hơn 11,3%.

Khi đó, giá trị thị trường của các TSBĐ suy giảm, nợ xấu tăng mạnh ở nhóm khách hàng doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp và nhóm khách hàng có nền tảng tài chính yếu. Thời gian cần thiết để đưa tỉ lệ nợ xấu về lại mức trước dịch bệnh rơi vào khoảng 3 - 5 năm.

VCBS cho rằng nhóm ngân hàng lớn như Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV chịu áp lực lợi nhuận giảm do phải tiên phong dành nguồn lực hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. 

Trong khi đó, nhóm ngân hàng cổ phần năng động (ACB, MB, Techcombank, VIB, TPBank) phân hóa tùy thuộc tình hình kinh doanh và một số ngân hàng vẫn có tăng trưởng về lợi nhuận.

Nhóm ngân hàng đang ở trong giai đoạn xử lí nợ xấu (VietinBank, Sacombank, SHB) sẽ phải mất thêm thời gian xử lí so với kế hoạch ban đầu.

Tính đến quí I, trong số 17 ngân hàng mà VCBS đánh giá chỉ có hai ngân hàng được nhận định là có chất lượng tài sản lành mạnh là Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Cả hai ngân hàng trên đều có tỉ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống lần lượt là 0,65% và 0,82% nhưng mức trích lập dự phòng rủi ro cao nhất.

Lê Huy

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.