|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nhìn lại những lần đổi tên của các thương hiệu: Cuộc đời nở hoa hay đốm lửa sắp tàn?

14:16 | 29/10/2021
Chia sẻ
Facebook đang đi theo cách mà nhiều thương hiệu lớn như Google, Apple từng làm trước đây.

Trong đêm 28/10 (giờ Việt Nam), CEO Facebook, Mark Zukerberg thông báo công ty chính thức đổi tên sang "Metaverse" (Meta) trong một sự kiện được phát trực tuyến. Như vậy, các ứng dụng như Facebook, Instagram, WhatsApp... sẽ về chung một mối dưới sự quản lý của Meta, thay vì cái tên quen thuộc với bao người là Facebook trước đây.

Việc thay đổi tên thương hiệu có thể là một phần trong nỗ lực lấy lại danh tiếng của Facebook sau một loạt lùm xùm trong thời gian gần đây như nạn fake news, lỗi kiểm duyệt nội dung và những tiết lộ về tác động tiêu cực từ chính sách của công ty lên sức khỏe tâm lý của người dùng.

Lục lại lịch sử, Facebook đang đi theo cách mà nhiều thương hiệu lớn như Google, Apple từng làm trước đây. Nước đi này có thể đưa công ty đi sang một hướng tích cực nhưng đôi khi lại không.

Từ Facebook nhìn lại các thương hiệu từng đổi tên: Cuộc đời nở hoa hay đốm lửa sắp tàn? - Ảnh 1.

Nước đi mới của Facebook liệu có thể đưa mọi thứ trở về quỹ đạo tích cực sau những lùm xùm gần đây? (Ảnh: Challenges).

Google đổi tên thành Alphabet

Khi nhắc tới chủ đề Facebook đổi tên, hầu hết nhiều người sẽ nhớ tới một trường hợp tương tự, đó chính là Google. Năm 2015, gã khổng lồ công nghệ này đã thành lập công ty mẹ có tên là Alphabet.

Google cho rằng đây là cách giúp họ "giảm bớt" sự liên quan đến công cụ tìm kiếm phổ biến nhất thế giới - Google và nhấn mạnh công ty còn sở hữu nhiều mảng kinh doanh khác như trí tuệ nhân tạo, đầu tư mạo hiểm,...

Ở thời điểm đó, Google đang chịu sự giám sát gắt gao từ chính phủ và các cuộc điều tra chống độc quyền. Tuy đến nay, mọi thứ vẫn chưa thay đổi, người ta vẫn gọi cái tên Google nhiều hơn Alphabet nhưng điều đó không có nghĩa đây là một nước đi thất bại. 

Giá cổ phiếu của Alphabet đã tăng gần gấp 5 lần kể từ khi thay đổi và công ty đang đạt giá trị là 1,9 nghìn tỷ USD. Một thông tin thú vị là đây không phải lần đầu Google đổi tên công ty. Năm 1998, hai nhà sáng lập Larry Page và Sergey Brin đã đổi tên công ty thành Google, ban đầu công ty này có tên là BackRub.

Apple thay đổi nhỏ nhưng lại bừng nở rực rỡ

Năm 2007, Apple Computer tạo ra một thay đổi nhỏ khi bỏ đi từ "computer", chỉ giữ lại Apple như hiện tại và cùng năm đó, chiếc iPhone đầu tiên ra đời. Nhà sáng lập Steve Jobs giải thích rằng Apple đã phát triển đến giai đoạn mới, không còn là một công ty máy tính đơn thuần. Động thái đổi tên nhằm nhấn mạnh Apple đang tăng cường tập trung vào các dòng sản phẩm khác. 

Kể từ thời điểm chiếc iPhone đầu tiên xuất hiện, giá trị của Apple đã tăng vọt, giá cổ phiếu tăng gần 1.200% trong thập kỷ qua, mang lại cho Táo khyết mức định giá hơn 2,4 nghìn tỷ USD. Một thay đổi mang đến tương lai rực rỡ cho Apple và đây là những gì mà Facebook kỳ vọng khi đổi tên thành Meta, theo CNBC nhận định.

Dunkin bỏ Donuts 

Vào năm 2018, Dunkin 'Donuts chính thức loại bỏ từ "Donuts" khỏi tên thương hiệu của mình. Tương tự Google, hãng đồ ăn nhanh này mong muốn nhấn mạnh Dunkin còn nhiều món ăn, thức uống khác trong menu, thay vì chỉ mỗi bánh Donut. Đây là động thái cạnh tranh với các chuỗi F&B khác như Starbucks...

Vào thời điểm đó, công ty cho biết khách hàng đã phản ứng tích cực với cái tên rút gọn. Tuy nhiên, vào năm ngoái, doanh số bán hàng của Dunkin đã giảm do đại dịch COVID-19 ập tới. Tháng 10/2020, Dunkin cùng thương hiệu "chị em" Baskin-Robbins đã được mua lại bởi Inspire Brands, công ty sở hữu Arby's và Buffalo Wild Wings với giá 11,3 tỷ USD.

KFC không còn "Fried" 

Xuất phát điểm ban đầu của thương hiệu KFC là một quán gà rán có tên Kentucky Fried Chicken. Sau khi chuỗi này phát triển mạnh mẽ, họ bắt đầu nghĩ tới việc xây dựng một hình ảnh "lành mạnh" hơn cho công ty.

Năm 1991, Kentucky Fried Chicken rút gọn lại thành KFC, không còn sự xuất hiện của "Fried" (tạm dịch: rán) - hình thức chế biến đồ ăn có nhiều dầu mỡ, được khuyến cáo không nên lạm dụng.

Ngày nay, KFC là một trong những chuỗi chuỗi thức ăn nhanh lớn nhất thế giới. Chuỗi đồ ăn nhanh này thuộc Yum! Brands, công ty sở hữu Pizza Hut và Taco Bell, và doanh thu hàng năm của KFC đã tăng lên hơn 26,2 tỷ USD vào năm ngoái, tăng từ 6 tỷ USD vào năm 1991.