|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhìn lại những đợt khối ngoại xả cổ phiếu Việt hàng chục phiên liên tiếp

15:00 | 26/12/2023
Chia sẻ
Nhà đầu tư nước ngoài đang có chuỗi rút ròng 19 phiên liên tiếp trên HOSE. Hiện tượng không hiếm gặp năm 2021 một lần nữa lặp lại trong năm nay.

Những đợt khối ngoại rút ròng liên tục khỏi thị trường. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Năm 2022, chứng khoán Việt Nam không ghi nhận chuỗi bán ròng trên 10 phiên giao dịch. Thậm chí, sự gia nhập của dòng tiền Đài Loan vào cuối năm 2022 khiến vốn ngoại tại Việt Nam đảo ngược xu thế với tổng giá trị mua vào hơn 29.100 tỷ đồng.

Trước đó, trong năm 2021 vốn ngoại rút kỷ lục, sàn HOSE chứng kiến 4 đợt rút ròng với thời gian trên 10 phiên. Chuỗi rút ròng dài nhất ghi nhận trong tháng 2 và 3 với tổng cộng 24 phiên.

Năm 2020 có 3 chuỗi bán ròng, đều trên 20 ngày giao dịch. Đỉnh điểm cuối năm, nhà đầu tư ngoại xả 30 phiên liên tiếp, kéo dài từ ngày 20/9 đến 4/11. Trước đó, trong năm 2018, khối ngoại bán ròng 10 phiên trên sàn HOSE vào đầu tháng 8.

Tổng cộng trong 6 năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến 9 lần khối ngoại bán ra với thời lượng trên 10 phiên giao dịch.

 Giá trị mua/bán của khối ngoại trong những đợt rút ròng liên tục. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Nếu nhìn lại những lần rút vốn của nhà đầu tư ngoại, có thể thấy rằng cường độ bán có xu hướng gia tăng. Điều này không mấy khó hiểu bởi quy mô thanh khoản của thị trường đã được nâng lên đáng kể trong 6 năm qua.

Cùng số lượng 10 phiên, nhưng khối ngoại đã rút ròng tới 8.351 tỷ đồng trên sàn HOSE trong tháng 8/2021, gấp 5 lần những gì diễn ra đúng 3 năm trước đó.

Đỉnh điểm trong năm 2021, khi VN-Index liên tiếp lập đỉnh lịch sử mới với thanh khoản toàn thị trường đạt hàng tỷ USD mỗi phiên, khối ngoại nâng quy mô bán ròng bình quân mỗi phiên lên hơn hai 2.000 tỷ đồng. Thị trường chịu áp lực bán xối xả thời điểm đó và bên hấp thụ là những nhà đầu tư cá nhân trong nước.

Trong đợt bán mạnh tay nhất lịch sử 22 năm hoạt động của chứng khoán Việt Nam, nhà đầu tư ngoại có chuỗi xả 24 phiên liên tiếp từ ngày 19/2/2021 đến 24/3/2021. Tổng giá trị hai chiều mua và bán lần lượt là 30.216 tỷ đồng và 43.749 tỷ đồng, chênh lệch 13.532 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhà đầu tư ngoại chủ yếu là những tổ chức. Do đó, mỗi đợt rút ròng kéo dài có thể đến từ động thái cơ cấu lại danh mục đầu tư hoặc thay đổi khu vực đầu tư. Một lý do khác ít xảy ra hơn đó là một tổ chức hết thời gian đầu tư, buộc phải đóng quỹ, bán cổ phiếu Việt Nam để hoàn vốn lại cho các cổ đông của họ. Song, số lượng tổ chức rơi vào trường hợp cuối không nhiều.

Kịch bản phổ biến nhất đó là tổ chức nước ngoài cơ cấu lại danh mục đầu tư, họ bán ra liên tiếp nhưng lại mua vào ngay sau đó. Dễ thấy nhất khi thị trường biến động mạnh do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tổ chức quy mô lớn nhất thị trường - Dragon Capital bán ra cổ phiếu, nâng cao tỷ trọng tiền mặt để phòng vệ rủi ro và giải ngân trở lại ít phiên sau.

Với động thái trên, không ít lần đại diện cơ quan quản lý thị trường chia sẻ góc nhìn với nhà đầu tư đại ý rằng khối ngoại bán ròng nhưng không rút vốn khỏi Việt Nam, họ chờ thời điểm để mua vào trở lại.

 Giao dịch cổ phiếu, ETF của khối ngoại. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Trở lại với diễn biến dòng tiền ngoại trong năm 2023, các tổ chức bắt đầu bán ra đầu tháng 4, cường độ có phần gia tăng vào cuối năm. Tổng giá trị bán ròng trên sàn HOSE kể từ đầu tháng 4 cho tới ngày 25/12 là 31.336 tỷ đồng, trong đó cổ phiếu chiếm 80,2%, ETF nội chiếm 19,2%, còn lại tỷ trọng rất nhỏ là các sản phẩm khác như trái phiếu, chứng quyền.

Tính riêng trong chuỗi 19 phiên lần này (29/11 – 25/12), dòng tiền ngoại rút khỏi sàn HOSE là 11.042 tỷ đồng, gồm 9.543 tỷ đồng cổ phiếu và 1.493 tỷ đồng ETF nội. Diễn biến này khác biệt với hai đợt bán vào tháng 10/2020 và tháng 3/2021, song tương đồng với diễn biến ba đợt gần đây. Tiền ngoại đồng loạt rút khỏi cổ phiếu niêm yết trên HOSE và những chứng chỉ quỹ ETF nội.

Không chỉ bán ròng trên thị trường thứ cấp, nhiều ETF nội như DCVFMVN Diamond ETF, SSIAM VNFin Lead ETF, DCVFMVN30 ETF bị rút quỹ trong những tháng gần đây khiến quy mô sụt giảm sâu.

Điểm khác biệt thứ hai là trạng thái của thị trường. Năm 2020 - 2021 được xem như nhịp chốt lời của khối ngoại khi chứng khoán Việt Nam thăng hoa. Còn ở hiện tại, thị trường lình xình trong vùng 1.100 - 1.200 điểm, cộng thêm áp lực xả từ khối ngoại khiến chỉ số không thể bứt phá.

Bàn luận về diễn biến dòng tiền ngoại, chuyên gia từ SSIAM cho rằng dòng tiền rời khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam một phần liên quan đến nhóm nhà đầu tư Thái Lan khi quốc gia này áp dụng chính sách thuế thu nhập mới từ đầu năm 2024. Sang năm tới, chuyên gia SSIAM kì vọng nhóm nhà đầu tư này sẽ giải ngân trở lại.

Tuy vậy, kỳ vọng trên không mấy dễ dàng đạt được bởi xu hướng dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển từ các thị trường mới nổi về thị trường phát triển. Không riêng Việt Nam, vốn ngoại rút khỏi các thị trường khác trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và giải ngân mạnh ở các nước Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc.

Thu Thảo

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.