|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chuyên gia FIDT dự báo chứng khoán tăng trưởng khả quan trong 2024, điểm tên 6 nhóm cổ phiếu tiềm năng

07:55 | 26/12/2023
Chia sẻ
Ông Huỳnh Hoàng Phương, Giám đốc khối Phân tích Công ty Tư vấn và Quản lý gia sản FIDT dự báo trong kịch bản cơ sở, VN-Index năm 2024 sẽ tăng trưởng 15%. Một số nhóm ngành đang có triển vọng sáng cửa gồm xây lắp điện, thủy sản, dầu khí, chứng khoán...

Ông Huỳnh Hoàng Phương đánh giá 2024 là năm bản lề cho sự phục hồi của nền kinh tế nhưng vẫn còn nhiều rủi ro, nên thị trường chứng khoán (TTCK) vẫn sẽ có những dao động với biên độ lớn. Do đó, nhà đầu tư nên điều chỉnh chiến lược đầu tư cho phù hợp.

Xin ông chia sẻ góc nhìn về định giá của thị trường hiện nay?

Ông Huỳnh Hoàng Phương: Về định giá, P/B thị trường hiện tại  (giữa tháng 12) đang được đánh giá tương đối rẻ.

Thứ nhất, khi phân tách ngành, những nhóm phi tài chính đang có định giá cao so với lịch sử, trong khi nhóm ngân hàng và bất động sản (BĐS) đang được thị trường định giá thấp, tương quan hợp lý với rủi ro cao của nhóm này. Đây là những nhóm ngành có tỷ trọng vốn hóa cao. Vậy nên, tôi cho rằng định giá hiện tại ở mức khá rẻ so với lịch sử nhưng hợp lý trong bối cảnh nền kinh tế và rủi ro hiện tại.

Thứ hai, từ tháng 8 trở đi, nhiều tổ chức liên tục điều chỉnh dự báo về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam không đạt như kỳ vọng ban đầu. Dữ liệu xuất nhập khẩu cũng không mấy khả quan và chỉ bắt đầu phục hồi từ tháng 10. Điều này dẫn đến triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết thu hẹp.

Tăng trưởng EPS trong 12 tháng gần nhất của VN-Index giảm 14,92%, mức giảm sâu so với các thị trường phát triển ở châu Á và Mỹ. Đó là lý do hiện nay chúng ta thấy các chỉ số chứng khoán ở các nước phát triển đang cho hiệu suất tốt hơn nhiều so với các nước đang phát triển và cận biên, trong đó có Việt Nam.

Thứ ba, dòng tiền trong năm 2023 chuyển từ các nhóm ngành truyền thống như ngân hàng và BĐS sang nhóm công nghệ, là điểm mạnh của các thị trường phát triển như Mỹ và Đông Á. Điều này tạo ra sự chênh lệch giữa các thị trường mới nổi và các thị trường đã phát triển.

Tuy nhiên, nếu so sánh với các thị trường mới nổi khác trong khu vực, hiệu suất của VN-Index không phải là quá tệ, vượt trội so với nhiều thị trường khác như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia.

Nguồn: FIDT.

Đâu sẽ là động lực và thách thức lớn nhất của TTCK năm 2024, thưa ông?

Ông Huỳnh Hoàng Phương: VN-Index năm 2024 sẽ tiếp tục đi sát với kỳ vọng tăng trưởng nền kinh tế. Theo đó, thị trường cũng sẽ được trao những động lực lớn và cũng phải đương đầu với các thách thức. Tôi đặc biệt lưu ý tới một số yếu tố như sau.

Động lực từ quốc tế, theo nhiều bên phân tích đánh giá Mỹ sẽ hạ cánh mềm, tăng trưởng kinh tế toàn cầu không quá cao nhưng cũng tốt hơn kịch bản suy thoái. Chính sách tiền tệ của Mỹ đang mở ra nhiều cơ hội hơn khi lãi suất Fed đã đạt đỉnh và khả năng cao sẽ giảm lãi suất từ giữa năm 2024. Trong khi đó, vấn đề lạm phát không còn được coi là yếu tố quan trọng trong năm sau khi dự báo lạm phát sẽ giảm và không còn là mối lo ngại lớn của các ngân hàng trung ương.

Đối với thị trường trong nước, dự phóng GDP năm 2024 sẽ trở nên tích cực hơn với dự báo tăng trưởng 6-6,5%. Lợi nhuận thị trường (EPS) năm sau kỳ vọng tăng trưởng tốt với sự thẩm thấu của chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa mở rộng đã được áp dụng năm 2023 và duy trì xuyên suốt năm.

Ngoài ra, tôi cũng đưa ra hai thách thức mà NĐT vẫn phải theo dõi trong năm 2024. Thứ nhất, tình hình địa chính trị là rủi ro khó đoán trong năm 2024 và cần phải lưu ý.

Thứ hai, yếu tố thị trường BĐS cũng như trái phiếu doanh nghiệp đến hạn sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên TTCK. Nếu các vấn đề này vẫn gặp nhiều khó khăn và không được giải quyết một cách gọn gàng, nguy cơ về một giai đoạn khó khăn kéo dài cho toàn thị trường là điều có thể hình dung được. Giai đoạn khó khăn nhất của trái phiếu doanh nghiệp đã qua đi, nhưng lượng trái phiếu đáo hạn còn lớn và vẫn là dấu hỏi của thị trường.

Các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến TTCK 2024. Nguồn: FIDT.

Liệu lộ trình nâng hạng TTCK đã sáng tỏ, thưa ông?

Ông Huỳnh Hoàng Phương: Tôi cho rằng với quyết tâm cao từ Chính phủ và sự vào cuộc quyết liệt của Ủy ban Chứng khoán thì Việt Nam sẽ giải quyết được các tồn tại và thị trường Việt Nam xác suất cao được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE trong kỳ review tháng 9/2024 chứ không tiếp tục “trễ hẹn” như những lần trước.

Ông đánh giá triển vọng đầu tư chứng khoán khi so sánh với các kênh khác như thế nào trong 2024?

Ông Huỳnh Hoàng Phương: Nhìn tổng thể các lớp tài sản, tôi thấy rằng BĐS vẫn đang thiết lập vùng đáy và khó có thể hồi phục mạnh. Kênh vàng theo dự phóng trong Báo cáo Triển vọng Vàng 2024 của Hiệp hội Vàng Thế giới vừa mới phát hành cho rằng giá vàng sẽ đi ngang hoặc chỉ tăng nhẹ nếu kinh tế Mỹ hạ cánh mềm.

Trái phiếu doanh nghiệp cần nhiều thời gian hơn nữa để phục hồi và áp lực đến hạn trái phiếu kèm rủi ro chậm thanh toán vẫn sẽ hiện hữu trong năm sau. Trong bối cảnh lãi suất thấp, lợi suất kênh trái phiếu và tiền gửi tiết kiệm cũng không hấp dẫn.

Và như vậy, chứng khoán tiếp tục là kênh đầu tư có triển vọng nhất trong tầm nhìn một hoặc thậm chí hai năm tới. Tôi cho rằng, chứng khoán có thể đạt lợi suất trên 15% trong năm 2024 theo kịch bản cơ sở của FIDT.

Sau những biến động trong 2023, dự báo diễn biến TTCK năm 2024 có thể theo kịch bản nào?

Ông Huỳnh Hoàng Phương: Với những nhận định trên, tôi đưa ra 3 kịch bản cho TTCK năm 2024. Kịch bản cơ sở,VN-Index sẽ đạt 1.300 điểm (+/-20 điểm). Kịch bản tích cực, VN-Index có thể đạt 1.420 điểm (+/-30 điểm) và cuối cùng, tại kịch bản tiêu cực, chỉ số ở mức 1.150 điểm (+/-20 điểm).

Nguồn: FIDT.

Ông có cho rằng xu hướng bán ròng của khối ngoại sẽ tiếp diễn?

Ông Huỳnh Hoàng Phương: Việc khối ngoại bán ròng mạnh đã tạo ra tác động tiêu cực lên chỉ số gần đây. Điều này theo tôi nên tiếp tục được theo dõi cẩn thận. Tuy nhiên, trong năm 2024, với nền tảng là định giá rẻ hiện tại của thị trường, chính sách đảo chiều của Fed và bức tranh tăng trưởng EPS của VN-Index sáng cửa hơn có thể thu hút dòng vốn ngoại quay trở lại. 

Ông dự báo những ngành nào sẽ có câu chuyện và sức hút về tăng trưởng lợi nhuận trong 2024?

Ông Huỳnh Hoàng Phương: Các nhóm ngành được FIDT chú ý trong năm sau trước hết đến từ các nhóm phục hồi và tăng trưởng với mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng trong năm 2024 như xây lắp điện, dầu khí thượng nguồn và thủy sản.

3 nhóm ngành được dự báo tăng trưởng EPS khả quan năm 2024. Nguồn: FIDT.

Ngoài ra, các nhóm đầu tư công và bất động sản công nghiệp dự kiến tiếp tục được hưởng lợi trung hạn và nhóm chứng khoán với kỳ vọng nâng hạng thị trường cũng là các nhóm ngành có câu chuyện để theo dõi trong năm 2024.

Nhiều NĐT nhận thấy hiệu quả danh mục của họ chưa đạt kỳ vọng, một số trường hợp còn bị “kẹp” do lỡ mua cổ phiếu giá cao. Lời khuyên nào giúp nhóm NĐT này xoay chuyển tình hình đầu tư trong 2024, thưa ông?

Ông Huỳnh Hoàng Phương: Một vấn đề dễ nhận thấy ở các NĐT cá nhân là họ không có chiến lược đầu tư, hoặc có chiến lược, kế hoạch đầu tư nhưng lại không có sự điều chỉnh theo các giai đoạn thị trường khác nhau.

Với thực tế như vậy nên nhiều NĐT vẫn giao dịch như những giai đoạn thị trường trong uptrend lớn như 2021 bằng cách mua gia tăng thậm chí full margin (tối đa sức mua đòn bẩy nợ vay ký quỹ) khi VN-Index tăng và thị trường hưng phấn, đến khi thị trường điều chỉnh thì lại không dám hành động. Đây chính là nguyên nhân chính dẫn đến việc dù thị trường tăng nhưng nhiều nhà đầu tư lại bị “kẹp hàng” khi thị trường đã vào giai đoạn sideways-up (đi ngang, tích lũy hướng lên) và biến động trong các biên độ lớn.

Tôi cho rằng năm 2024 TTCK sẽ tích cực hơn năm 2023, là cơ hội để NĐT “sửa sai” và xoay chuyển tình thế. 2024 là năm bản lề cho sự phục hồi của nền kinh tế nhưng vẫn còn nhiều rủi ro nên thị trường sideways-up nhưng vẫn sẽ dao động mạnh trong các biên độ lớn. NĐT nên điều chỉnh chiến lược đầu tư cho phù hợp theo xu hướng thị trường trong giai đoạn này.

 Ông Huỳnh Hoàng Phương, Giám đốc khối Phân tích của FIDT. Ảnh: NVCC.

Với việc trading (giao dịch ngắn hạn), NĐT có thể trading trong biên độ dao động, không nên mua đuổi trong các đợt chỉ số tăng mạnh, ngược lại nên mạnh dạn giải ngân khi thị trường điều chỉnh về vùng dưới của biên.

Với các nhà đầu tư trung dài hạn, nửa đầu 2024 vẫn là giai đoạn tích lũy tài sản phù hợp nhưng cần có sự đa dạng nhất định trong danh mục khi nhiều nhóm cổ phiếu đã tăng giá mạnh và phân hóa định giá giữa các nhóm ngành đã tương đối lớn. Những nhà đầu tư kiên nhẫn chắc chắn sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng trong năm 2025 và 2026.

Quan điểm của tôi cho rằng Việt Nam đang đứng trước một thập kỷ với hàng loạt cơ hội mới, một phần là do định giá của nhiều tài sản vẫn đang ở mức thấp so với tiềm năng thực sự.

NĐT kiên nhẫn sẽ gặt hái những quả ngọt dài hạn như những gì thị trường đã trải qua trong những chu kỳ trước. Chúc cho mỗi NĐT có thể chủ động và linh hoạt trong định hình chiến lược của mình để tận dụng tối đa cơ hội trong một môi trường biến động nhưng cũng đầy tiềm năng.

Xin cảm ơn ông trả lời phỏng vấn!

Xuân Nghĩa