Chuyên gia FIDT đưa ra ba kịch bản hút tiền của NHNN
Nhận định về động thái hút tiền thông qua phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong thời gian gần đây, ông Huỳnh Minh Tuấn - Tổng Giám đốc FIDT Research đánh giá đây là phương án hiệu quả nhất đối với NHNN nhằm nâng lãi suất liên ngân hàng và giảm bớt áp lực đầu cơ tỷ giá.
Cụ thể, trong ngắn hạn, NHNN sẽ đồng thời cả hai nhiệm vụ, một mặt hút bớt thanh khoản thị trường 2 để giảm áp lực đầu cơ tỷ giá của các ngân hàng, mặt khác tiếp tục ban hành các chính sách giúp lãi suất thị trường 1 giảm và tín dụng khơi thông. Lượng hút vào là vừa đủ để cân bằng tỷ giá bước đầu và không gây ra căng thẳng thanh khoản trên liên ngân hàng.
"Hành động này của NHNN có thể kéo dài đến cuối năm trước khi có những dấu hiệu mới đối với nền kinh tế", ông Huỳnh Minh Tuấn dự báo.
Chuyên gia FIDT cho rằng dòng ngoại hối đầu cơ, chủ yếu từ hoạt động găm giữ USD, thực hiện arbitrage lãi suất ngắn hạn từ hệ thống ngân hàng, hưởng lợi chênh lệch lãi suất USD - VND là hiện tượng gây áp lực tỷ giá ngắn hạn chủ yếu, tạo động lượng xu hướng tăng gần đây lên tỷ giá.
Đồng thời, trong bài toán tìm điểm cân bằng, đánh đổi lãi suất - áp lực tỷ giá, NHNN đã lựa chọn chiến thuật hút thanh khoản quá dư thừa trong hệ thống ngân hàng, làm giảm tối đa động cơ đầu cơ tỷ giá trong những thời điểm áp lực nhất.
FIDT cho rằng NHNN sẽ tiếp tục hút thanh khoản đến khi chạm mục tiêu về tỷ giá hoặc chạm giới hạn về ưu tiên nền thanh khoản hỗ trợ kinh tế.
Hiện tại, mức tỷ giá 24.500 VND/USD đang được NHNN bảo vệ kể từ cuộc họp Fed. Còn giới hạn về ưu tiên được xác định bởi các yếu tố như lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm – 2 tuần chạm vùng 2%; các kỳ hạn dài hơn 3 tuần – 1 tháng – 2 tháng chạm vùng 2,5% - 3%.
Với tổng thanh khoản ngắn hạn của hệ thống ngân hàng ước khoảng 440.000 tỷ, mức dự trữ bắt buộc ước tính từ 270.000 - 280.000 tỷ, mức đầu cơ ngắn hạn tỷ giá (trạng thái USD hệ thống ngân hàng) vào khoảng 25.000 - 30.000 tỷ (khoảng 1 tỷ USD).
FIDT cho rằng thanh khoản dư thừa không cần thiết sẽ là mức NHNN cần phải hút, có thể rơi vào hai kịch bản nhằm kéo lãi suất rất ngắn hạn dưới 3 tháng cao lên, thu hẹp chênh lệch lãi suất với USD, nhưng không ảnh hưởng đến lãi suất tiền gửi – cho vay cho hoạt động kinh tế.
Cụ thể, ở kịch bản đầu tiên, NHNN hút 70.000 – 100.000 tỷ, trung bình 10.000 tỷ/ngày, kéo dài trong 2 tuần, nền thanh khoản dư thừa dự kiến rơi vào vùng dự trữ bắt buộc hệ thống 40.000 - 70.000 tỷ dư thừa.
Tại kịch bản 2, mức hút thanh khoản dự kiến tiệm cận 130.000 - 140.000 tỷ với tốc độ nhanh hơn, khi áp lực ngoại hối trong ngắn hạn tăng mạnh. Có thể NHNN sẽ kết hợp vừa tăng tốc độ hút vừa tăng kỳ hạn hút để hiệu quả phòng ngừa tỷ giá, nhưng xác suất kịch bản này không cao.
Bên cạnh đó, cũng có thể NHNN sẽ điều chỉnh mức độ hút thanh khoản tăng lên 20.000 tỷ/ngày, kỳ hạn 2 tháng trở lên, thay vì 1 tháng hiện tại.