|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Liệu ông già Noel có phát quà cho NĐT chứng khoán Việt Nam năm nay?

07:30 | 25/12/2023
Chia sẻ
Hiện tượng thị trường chứng khoán tăng điểm sau ngày lễ Giáng sinh thường xuất hiện trên thị trường chứng khoán Mỹ. Việt Nam không phải ngoại lệ.

Thống kê từ dữ liệu lịch sử cho thấy, Thị trường chứng khoán Mỹ thường tăng điểm vào nửa cuối của tháng 12, đặc biệt là tuần cuối cùng sau kỳ nghỉ Giáng sinh. Lý do cụ thể của đợt tăng điểm có tính chu kỳ này vẫn là chủ đề gây tranh cãi. Tuy nhiên, các nhà đầu tư đã quen gọi đây là việc “ông già Noel phát quà” dịp cuối năm.

Theo Stock Trader's Almanac, S&P 500 đi lên trung bình 1,3% trong các đợt “tăng điểm Giáng sinh” kể từ năm 1969. Dữ liệu của LPL Financial từ năm 1950 cho thấy năm nào không có đợt “tăng điểm Giáng sinh” thì năm sau đó thị trường cũng diễn biến tiêu cực hơn thường lệ.

Ngoài ra, S&P 500 thường chỉ tăng trung bình 0,3% vào tháng 1 sau khi ông già Noel không phát quà, so với mức đi lên bình quân 1,3% vào tháng 1 sau đợt tăng điểm Giáng sinh.

Ở thời điểm hiện tại, trên thị trường chứng khoán Mỹ, có thể nói rằng “ông già Noel đã phát quà” trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh khi chỉ số Dow Jones ở trên vùng đỉnh lịch sử. Đóng cửa phiên cuối tuần này, chỉ số giảm nhẹ và dừng ở 37.385,97 điểm. Ngược lại, S&P 500 tăng nhẹ lên 4.754,63 điểm.

 Hiệu suất của VN-Index sau các mùa Giáng sinh. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, VN-Index đang nghiêng về kịch bản tăng điểm khi quan sát 7 phiên sau lễ Giáng sinh. Thống kê trong giai đoạn 2005 – 2022, chỉ số tăng điểm 14/18 năm với hiệu suất bình quân là 2,13%.

Hiệu ứng “ông già Noel phát quà” xuất hiện trong cả giai đoạn thị trường chứng khoán Việt Nam tăng giá (uptrend) và giảm giá (downtrend). Mức tăng cao nhất ghi nhận trong năm 2009 với 11,15%. Chỉ số tăng từ 479,1 điểm lên 532,5 điểm.

Mức giảm mạnh nhất ghi nhận vào mùa lễ Giáng sinh năm 2018 với tỷ lệ giảm 3,04%. Thời điểm đó, thị trường đang trong giai đoạn điều chỉnh mạnh khi VN-Index trở lại vùng đỉnh lịch sử trên 1.200 điểm đầu tháng 4/2018.

Mặc dù cũng trong nhịp giảm sâu sau khi thị trường tạo đỉnh lịch sử trên 1.500 điểm đầu năm 2022, nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam vẫn được “phát quà” trong mùa lễ Giáng sinh. Thị trường đi từ 1.020,34 điểm lên 1.046,53 điểm 7 phiên sau đó, tương ứng với tỷ lệ tăng 2,55%.

Diễn biến VN-Index trong từng giai đoạn loại bỏ khả năng biến động đồng pha với xu hướng chung của thị trường. Ngay cả trong thời điểm chứng khoán tăng điểm mạnh, thị trường có thể giảm điểm sau lễ Giáng sinh. Ngược lại, khi thị trường “con gấu”, nhà đầu tư chứng khoán vẫn có thể đạt được lợi nhuận khi giao dịch cổ phiếu.

Lý giải về hiện tượng khởi sắc sau lễ Giáng sinh trên thị trường chứng khoán Việt Nam, hai lý do được chuyên gia chứng khoán đưa ra.

Thứ nhất, đó là thời điểm kết thúc năm tài chính của các quỹ đầu tư, công ty chứng khoán. Cùng với câu chuyện “ông già Noel phát quà”, hiệu ứng “chốt NAV” cũng thường xuất hiện trong giai đoạn chốt sổ báo cáo tài chính. Thị trường chứng khoán thường tăng điểm với sự dẫn dắt của các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn để các tổ chức, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán đạt được kết quả tốt nhất trong năm tài chính.

Hiệu suất của VN-Index trong tháng Giêng các năm. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp). 

Thứ hai, hiệu ứng tháng Giêng cũng thường xảy ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam. VN-Index mở màn năm mới trong sắc xanh. Thống kê cho thấy chỉ số tăng 11/18 năm trong tháng 1 giai đoạn 2005 – 2023. Mức tăng bình quân là 4,94%.

Có 5 năm chỉ số tăng hai con số trong tháng đầu năm là 2007, 2012, 2013, 2014 và 2023. Mức tăng cao nhất ghi nhận vào tháng đầu năm 2007 khi VN-Index tăng từ 751,77 điểm lên 1.041,33 điểm, tương ứng tỷ lệ 38,52%. Tháng đầu năm nay, chỉ số tăng 10,34%.

Với thống kê trên, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam có cơ sở để kỳ vọng sự khởi sắc xảy ra trong thời gian tới. Cùng với dữ liệu lịch sử, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích của Chứng khoán VNDirect kỳ vọng áp lực bán của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam có thể hạ nhiệt sắp tới.

Trên thị trường, khối ngoại đã có chuỗi bán ròng 18 phiên liên tiếp. Áp lực bán gia tăng về cuối năm đang là yếu tố gây ra tâm lý thận trọng đối với dòng tiền nội và là tác nhân chính cản trở đà phục hồi của chỉ số. VN-Index “năm lần, bảy lượt” lình xình quanh ngưỡng 1.100 điểm.

Hệ quả là, thị trường chứng khoán Việt Nam lệch pha với đà đi lên của các thị trường như Mỹ, Nhật Bản. Khi áp lực rút ròng từ khối ngoại suy giảm, nhà đầu tư có cơ sở để kỳ vọng vào sự khởi sắc của thị trường thời gian tới.

Thu Thảo