|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhiều triển vọng với xuất khẩu trái cây Việt Nam - Bài 1: Vẫn sản xuất nhỏ lẻ

07:32 | 25/12/2017
Chia sẻ
Trái cây của Việt Nam thâm nhập mạnh mẽ vào các thị trường thế giới đó là nhờ người trồng trái cây trong nước đã đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu.
nhieu trien vong voi xuat khau trai cay viet nam bai 1 van san xuat nho le Thị trường trái cây Việt Nam đang rất rộng mở
nhieu trien vong voi xuat khau trai cay viet nam bai 1 van san xuat nho le Xuất khẩu trái cây Việt Nam: Tiềm năng lớn nhưng cũng không ít rào cản

Năm 2017, xuất khẩu trái cây của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh, nhiều thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia... đều có mức tăng trưởng cao và nhiều loại trái cây như thanh long, xoài, nhãn, vải thiều, cam, quýt... đã xuất hiện trên kệ các siêu thị lớn ở Mỹ, Nhật Bản. Trái cây của Việt Nam thâm nhập mạnh mẽ vào các thị trường thế giới đó là nhờ người trồng trái cây trong nước đã đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu.

Nhiều vùng sản xuất trái cây theo chuỗi giá trị liên kết, sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế đã được triển khai đúng hướng. Không chỉ dừng lại ở đó, ngành xuất khẩu trái cây và rau củ quả nói riêng được các chuyên gia đánh giá vẫn còn nhiều dư địa, thị trường thế giới vẫn còn nhu cầu rất lớn trong việc bổ sung dinh dưỡng và các loại vitamin hàng ngày. Tuy nhiên, để làm được điều này, ngành xuất khẩu trái cây phải có hướng khắc phục những nhược điểm còn vướng và có giải pháp cụ thể để mở rộng lối đi cho ngành này trong tương lai.

nhieu trien vong voi xuat khau trai cay viet nam bai 1 van san xuat nho le

Trong ảnh: Thu mua thanh long tại xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành (Long An). Ảnh: Bùi Như Trường Giang - TTXVN

Bài 1- Vẫn sản xuất nhỏ lẻ

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, ước tính xuất khẩu trái cây Việt Nam cả năm 2017 đạt 3,5 tỷ USD, tăng 43% so với năm 2016. Các cơ quan chức năng đánh giá, xuất khẩu trái cây đến thời điểm này đã vượt qua cả lúa gạo, làm tăng giá trị sản xuất cho người dân Việt Nam. Thế nhưng, bên cạnh việc tăng giá trị, ngành sản xuất, chế biến và xuất khẩu trái cây vẫn còn nhiều khó khăn, chưa xây dựng được nhiều vùng chuyên canh trái cây lớn.

Sản xuất theo nông hộ đặc trưng

Với đặc điểm sản xuất tự túc từ nhiều năm qua, người sản xuất trái cây Việt Nam nói chung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng chủ yếu tự gây dựng vườn trên đất nhà đang có. Và dường như rất ít nông dân có tầm nhìn chiến lược là phải mở rộng vườn cây, tạo vùng sản xuất lớn hơn và theo chủng loại riêng để cung ứng cho thị trường.

Bên cạnh đó, diện tích sản xuất cây ăn trái của Việt Nam lại chủ yếu là vườn tạp, có rất ít vườn chuyên canh cây trái với diện tích lớn. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có 875.000 ha cây ăn trái, trồng chủ lực 15 loại trái phục vụ cho chế biến và xuất khẩu; trong đó, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 38% diện tích cây ăn trái cả nước, nhưng sản lượng cung ứng chiếm hơn 50%.

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay các tỉnh đã tiến hành quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp theo tái cơ cấu nông nghiệp. Tuy nhiên, những quy hoạch này vẫn chưa có trọng tâm, chưa tập trung tối ưu để tạo ra những vùng sản xuất có tính cạnh tranh. Đây là nguyên nhân khiến cho xuất khẩu trái cây thiếu ổn định. Số vùng chuyên canh còn ít nên không đủ lượng hàng cung ứng cho khách hàng đặt hàng lớn và thời gian ngắn.

Cho đến nay, một số tỉnh cũng đã hình thành được nhiều vùng tập trung như: xoài cát Hòa Lộc ở Tiền Giang, thanh long Bình Thuận, vải thiều Bắc Giang, Hải Dương, nho Ninh Thuận, bưởi năm roi Vĩnh Long… nhưng nguồn nguyên liệu phục vụ cho xuất khẩu vẫn còn thiếu.

Bên cạnh đó, nguồn giống và quy trình chăm sóc cũng không đồng đều, không ổn định để tạo thuận lợi cho sản xuất. Không những vậy, các thị trường nhập khẩu trái cây Việt Nam cũng đặt ra nhiều rào cản kỹ thuật trong kiểm dịch thực vật thay cho hàng rào thuế quan trước đây, làm cho người sản xuất phải chuyển đổi kỹ thuật sản xuất và chăm sóc, chế biến mới đủ năng lực đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Khi chính doanh nghiệp đến với thực tiễn sản xuất cây ăn trái các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long mới thấy được nguồn cung nguyên liệu vốn đã thiếu, mà nguồn nguyên liệu đạt chất lượng cao theo yêu cầu của các thị trường "khó tính" lại càng hiếm hơn.

Cho đến nay, vùng chuyên canh cây ăn trái được chứng nhận các tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP chưa nhiều. Điều này dẫn đến đa số trái cây vùng Đồng bằng sông Cửu Long chỉ bán được cho các thương lái. Sau khi tuyển chọn từ nhiều vườn khác nhau mới có thể cung ứng cho doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu. Số còn lại thì cung ứng cho thị trường nội địa.

Điển hình như tại tỉnh Tiền Giang, hiện nay 98% sản lượng trái cây của tỉnh phải bán cho các thương lái thu gom, thay vì bán trực tiếp cho doanh nghiệp để rút ngắn khoảng cách giao thương như mong muốn, ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang chia sẻ.

Cũng chính vì hình thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún này đã làm cho việc ứng dụng công nghệ vào thu hoạch và chế biến gặp nhiều khó khăn.

nhieu trien vong voi xuat khau trai cay viet nam bai 1 van san xuat nho le

Thất thoát chiếm tỷ lệ cao

Theo đánh giá của nhiều nhà khoa học, với diện tích sản xuất nhỏ, rời rạc từ các vườn cây khác nhau, thì các khâu chăm sóc, bón tưới, thu hoạch cũng chỉ có thể thực hiện rời rạc, nhỏ lẻ. Bởi, nếu muốn đưa công cụ, máy móc vào sản xuất và thu hoạch trái cây, cần phải áp dụng trong một khu vực rộng lớn.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện cây ăn quả Miền Nam nhấn mạnh, với việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất trái cây của vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay vẫn còn yếu, làm cho khâu thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch chiếm tỷ lệ rất cao, lên đến 30%. Thêm vào đó, hình thức sản xuất nhỏ lẻ làm tăng thêm các chi phí sản xuất khi tưới, bón phân, chăm sóc. Từ đó làm cho giá thành sản xuất cũng tăng cao, người sản xuất cũng không thu được lợi nhuận nhiều như mong muốn, gây khó khăn cho người thu mua, tuyển chọn vườn cây cũng như chất lượng sản phẩm.

Khi qua nhiều khâu như vậy, chất lượng sản phẩm cho dù tốt nhất, cũng khó có thể giữ được như ban đầu với điều kiện bảo quản ở nhiệt độ bình thường như hiện nay. Khâu bảo quản sản phẩm của ngành trái cây cũng chưa được chú trọng ở nhiều nơi. Trong khi các doanh nghiệp tham gia vào khâu sản xuất, xuất khẩu chưa nhiều, thì chính người sản xuất phải biết bảo quản sản phẩm của mình trước tiên mới có thu nhập cao.

Thêm vào đó, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp lại chủ yếu xuất khẩu trái cây tươi nên giá trị còn thấp, dễ bị tác động của các rào cản kỹ thuật như kiểm dịch thực vật, chất lượng giảm nhanh, thời gian bảo quản ngắn vì chưa có công nghệ bảo quản tiên tiến và các vấn đề an toàn thực phẩm…

Cùng với những điểm yếu trong khâu chế biến và bảo quản sau thu hoạch, thì hạ tầng giao thông và logistics cũng là mấu chốt làm cho ngành sản xuất và xuất khẩu trái cây giảm uy lực của đôi cánh.

Qua những lần khảo sát thực tế tại các vùng sản xuất cây ăn trái của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có những vườn bưởi da xanh, nhãn… rất lớn, cho chất lượng cao và được doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm với giá cao, nhưng hầu hết lại gặp khó bởi giao thông không thuận lợi, hạ tầng không đủ sức để phục vụ cho việc vận chuyển hàng hóa lớn.

Hầu như sản phẩm thu hoạch tại vườn phải vận chuyển nhiều lần để đến xe hàng lớn. Từ đó mới chuyển về khu vực tập trung. Với sản phẩm trái cây, chỉ cần việc bốc dỡ được thực hiện nhiều lần cũng đã làm giảm chất lượng sản phẩm, xấu mẫu mã, từ đó sẽ giảm giá thu mua, thiệt hại cho người sản xuất.

Tại Diễn đàn “Phát triển thị trường quốc tế cho ngành rau, củ, quả và giải pháp phát triển hệ thống logistics phục vụ nông nghiệp, nông thôn” diễn ra tại Đồng Tháp, ngày 18/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, Việt Nam còn nhiều bất cập về hạ tầng giao thông, logistics nên ngành rau củ quả giảm khả năng cạnh tranh với các nước khác ngay tại thị trường nội địa cũng như thị trường nước ngoài.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chi phí logistics của Việt Nam tính theo tỷ trọng GDP, chiếm khoảng từ 18-20%, cao gấp đôi so với phí vận chuyển của các nền kinh tế phát triển và hơn 4% so với bình quân phí vận chuyển toàn cầu. Chính vì điều này mà chỉ trong 2 năm, từ 2014 đến 2016, năng lực logistics của Việt Nam giảm 16 bậc, từ vị trí 48 xuống vị trí 64 trên thế giới.

Từ những vướng mắc này, ngành trái cây Việt Nam phải xác định rằng, tự chuyển mình, nâng chất lượng từ những vườn cây đến chất lượng sản phẩm cùng những dịch vụ kèm theo, thì mới có hi vọng phát triển mạnh mẽ.

Hồng Nhung

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.