|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhiều quốc gia áp dụng 'thẻ xanh vắc xin' để mở cửa nền kinh tế

06:42 | 16/09/2021
Chia sẻ
Với nỗ lực mở cửa nền kinh tế vốn bị ảnh hưởng nặng nề do các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch COVID-19, "thẻ xanh vắc xin" trở thành tấm thẻ quyền lực giúp các quốc gia vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa từng bước mở lại nền kinh tế.

Tại nhiều quốc gia, "thẻ xanh vắc xin" được định nghĩa là một chứng nhận cho thấy một người đã được tiêm phòng vắc xin COVID-19 đầy đủ, hoặc những người được chứng nhận đã khỏi COVID-19 hay ghi nhận tình trạng xét nghiệm âm tính còn hiệu lực.

Đa số các quốc gia trên thế giới đều phát hành thẻ xanh vắc xin dựa trên nền tảng điện tử, truy cập thông qua mã QR trên điện thoại thông minh. Khi đã chứng minh được một trong những điều kiện trên, tấm thẻ này sẽ cho phép người dân tham gia vào các hoạt động, sự kiện đông người hay tới những địa điểm công công như trung tâm thương mại nhà hàng,...

Liên minh châu Âu

Nhiều quốc gia đang hướng tới việc phát triển chứng nhận tiêm chủng số đồng nhất phục vụ cho hoạt động đi lại trong và ngoài nước. Điển hình như "Chứng chỉ COVID kỹ thuật số" - EUDCC của Liên minh châu Âu (EU) được áp dụng vào hồi tháng 7.

Theo Euro News, chứng chỉ điện tử này được triển khai trên toàn bộ 27 quốc gia thành viên cùng Thụy Sĩ, Iceland, Na Uy và Liechtenstein.

Nhiều quốc gia áp dụng 'thẻ xanh vắc xin' để mở cửa nền kinh tế - Ảnh 1.

Chứng chỉ COVID kỹ thuật số của Liên minh Châu Âu. (Ảnh: Europe Direct)

Công dân tại các quốc gia này cùng những người cư trú hợp pháp có thể in ra giấy hoặc xuất trình bản điện tử của giấy thông hành quá ứng dụng. Trên giấy thông hành sẽ có một mã QR duy nhất lưu trữ thông tin cá nhân về tiêm chủng, xét nghiệm hoặc khỏi bệnh.

Đối tượng được cấp bao gồm những người đã tiêm chủng đầy đủ, gần đây nhiễm COVID-19 và bình phục hoặc vừa có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19. Song, chỉ có những người đã tiêm các vắc xin được Cơ quan Dược phẩm châu Âu phê duyệt mới được cấp chứng nhận.

Bất cứ ai sở hữu chứng chỉ này đều được miễn xét nghiệm và cách ly khi di chuyển qua biên giới trong nội bộ EU hoặc 4 nước châu Âu khác cùng nằm trong chương trình.

Israel

Theo ABC News, Israel là một trong những nước triển khai chương trình tiêm chủng thành công nhất thế giới, lần đầu giới thiệu hệ thống thẻ xanh tạm thời vào đầu năm nay.

Đây là một mã QR mà người dân có thể xuất trình thông qua ứng dụng trên điện thoại, hoặc in ra để chứng minh tình trạng tiêm chủng của họ, trở thành khuôn mẫu cho hệ thống của hầu hết quốc gia khác.

Nhiều quốc gia áp dụng 'thẻ xanh vắc xin' để mở cửa nền kinh tế - Ảnh 2.

Người dân phải cung cấp "thẻ xanh" của mình để được tham dự một buổi hòa nhạc ở Tel Aviv, Israel. (Ảnh: The New York Times).

Thẻ xanh tại Israel được cấp cho những người đã tiêm chủng hoặc bình phục sau khi nhiễm virus. Những người có kết quả âm tính với COVID-19 cũng có thể được cấp thẻ tạm thời, hiệu lực trong 72h.

Với thẻ xanh, người dân được phép tham gia vào các sự kiện lớn, những địa điểm công cộng như phòng tập thể dục, khách sạn, nhà hát, nhà hàng, quán bar,...

Nhằm nới lỏng giãn cách xã hội hơn nữa, khi đã có khoảng 60% dân số được tiêm đủ liều, Israel đã tạm dừng chương trình này hồi tháng 6. Tuy nhiên, đợt bùng phát nghiêm trọng mới vì biến chủng Delta thúc đẩy chính phủ nước này tái áp dụng quy định thẻ xanh từ cuối tháng 7.

Trung Quốc

Theo New York Times, Trung Quốc từ năm 2020 đã ban hành hệ thống mã QR, trong đó phân loại từng cá nhân theo màu sắc. Hệ thống mã theo dõi y tế có tên Health Code, sử dụng dữ liệu lớn (Big Data) để xác định và đánh giá rủi ro của từng người dân thông qua phân tích dữ liệu lịch sử di chuyển.

Nhiều quốc gia áp dụng 'thẻ xanh vắc xin' để mở cửa nền kinh tế - Ảnh 3.

Chứng chỉ y tế kỹ thuật số mới của Trung Quốc. (Ảnh: France 24).

Những người được xếp vào màu xanh lá sẽ được phép di chuyển mà không phải chịu các hạn chế, trong khi đó người mang mã màu vàng được yêu cầu tự các ly tại nhà trong 7 ngày.

Nhiều địa điểm công cộng như ga tàu, nhà hàng,... tại Trung Quốc đều yêu cầu người dân trình mã QR hợp lệ. Đến tháng 3, Trung Quốc phát hành chứng nhận y tế điện tử có tên "hộ chiếu virus" thể hiện tình trạng tiêm chủng và kết quả xét nghiệm còn hiệu lực của mỗi cá nhân.

Giấy chứng nhận y tế điện tử bao gồm "mã QR y tế" cho phép các quốc gia khác có được thông tin sức khỏe của công dân Trung Quốc, theo Tân Hoa xã. Bên cạnh đó, giấy chứng nhận y tế cũng có phiên bản dạng giấy, được xem là “hộ chiếu virus” hay “hộ chiếu vắc xin COVID-19” đầu tiên trên thế giới.

Mỹ

Từ tháng 4, Nhà Trắng đã bác bỏ việc ban hành chứng nhận COVID liên bang, vì cho rằng quyền tự do và riêng tư của người dân cần phải được bảo vệ. Tuy nhiên, có 7 tiểu bang đã tự phát triển ứng dụng vắc xin điện tử, với California và New York là hai nơi áp dụng "thẻ xanh vắc xin", BBC đưa tin.

California đã ra yêu cầu mọi nhân viên và công nhân viên y tế phải có chứng nhận vắc xin, hoặc xét nghiệm định kỳ hàng tuần. Thành phố New York cũng áp dụng quy định tương tự vào giữa tháng 9.

Nhiều quốc gia áp dụng 'thẻ xanh vắc xin' để mở cửa nền kinh tế - Ảnh 4.

Người dân New York xếp hàng để khai báo y tế trước khi tham gia buổi diễn tại City Winery. (Ảnh: The New York Times).

Cụ thể, theo The New York Times, tại New York, nơi đây được coi là bang ứng dụng chứng nhận vắc xin điện tử rộng rãi nhất tại Mỹ với ứng dụng Excelsior Pass được công bố hồi tháng 3 năm nay. Hiện, đã có khoảng 3,5 triệu người dân sử dụng ứng dụng này.

Bang California cũng đã công bố một ứng dụng Hồ sơ Vắc xin số vào tháng 6 năm nay. Kể từ ngày 20/9, người dân sẽ được yêu cầu cung cấp chứng nhận tiêm chủng (bản giấy hoặc điện tử) để tham gia các sự kiện có trên 1.000 người tham dự. Chứng nhận tiêm chủng cũng là bắt buộc để vào các địa điểm giải trí trong nhà tại TP San Francisco.

Có thể thấy, "thẻ xanh COVID-19" giờ đã trở thành một phần trong số những giấy tờ tùy thân mà bất cứ người dân nào tại hầu hết các quốc gia đang mở cửa, nới lỏng giãn cách cũng cần mang theo mình mỗi khi muốn tham gia vào cách hoạt động, dịch vụ nơi công cộng.

Thậm chí, những trường hợp khai báo sai hay đưa thẻ giả tại Italy sẽ bị phạt lên đến 1.000 euro (khoảng 27 triệu VNĐ). Hay tại Pháp, những nhà hàng nếu không thực hiện kiểm tra thông tin về giấy chứng nhận tiêm chủng, khỏi bệnh sau khi mắc virus hay xét nghiệm âm tính của khách hàng có nguy cơ phạt tới 10.600 USD (khoảng hơn 241 triệu VNĐ) và một năm tù.

Phương Trang