Nhiều nước khẳng định sẽ tiếp tục đưa TPP đến đích cuối cùng
Ngay sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhiều nước thành viên TPP đã lên tiếng khẳng định tiếp tục đưa hiệp định này đến đích cuối cùng.
Phát biểu với báo giới ngày 22/11, Ngoại trưởng Chile Heraldo Munoz nhấn mạnh dù Mỹ có tham gia TPP hay không, các nước thành viên vẫn nhất trí sẽ đưa hiệp định thương mại lớn nhất thế giới này đến thành công với quyết tâm và thiện chí cao.
Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Peru Eduardo Ferreyros đã lập tức nêu đề xuất điều chỉnh TPP nhằm cứu vãn hiệp định này sau những tuyên bố "tẩy chay" TPP của ông Trump.
Ông cho rằng mặc dù tuyên bố rút khỏi TPP của Tổng thống đắc cử Mỹ Trump đã thay đổi hoàn toàn cục diện, song điều này không đồng nghĩa với việc TPP sẽ bị "khai tử."
Trái lại, theo Bộ trưởng Ferreyros , các nước thành viên vẫn có thể hợp tác để điều chỉnh các điều khoản TPP và sửa đổi một số chi tiết để phù hợp với các nước còn lại.
Còn theo phóng viên TTXVN tại Malaysia, một trong những nước tham gia TPP, nước này cũng nhấn mạnh nếu tiến hành sửa đổi một số điều khoản của TPP, hiệp định này vẫn có thể tiếp tục mà không có sự có mặt của Mỹ.
Theo Bộ trưởng Công nghiệp và ngoại thương Malaysia, ông Ong Ka Chuan, ý định rút khỏi TPP của Tổng thống đắc cử Trump chỉ là tầm nhìn tạm thời, và có thể vị doanh nhân này sẽ nhận ra những lợi ích hữu hình của TPP và thay đổi quyết định của mình.
Malaysia cũng khẳng định cho dù TPP có tiếp tục hay không Malaysia cam kết vẫn thúc đẩy quan hệ với Mỹ và 10 nước thành viên còn lại trong TPP.
Đã có nhiều ý kiến quan ngại về tương lai của TPP khi tỷ phú bất động sản Trump chủ trương thúc đẩy chính sách bảo hộ thương mại và phản đối các hiệp định thương mại tự do.
Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao lần thứ 24 Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) mới đây ở thủ đô Lima của Peru, các nước cũng đã thảo luận về việc thúc đẩy một TPP không có sự tham gia của Mỹ.
Giới phân tích nhận định Trung Quốc nhìn nhận viễn cảnh ảm đạm của TPP là thời cơ để nước này thúc đẩy Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) do Trung Quốc dẫn đầu.
Hiện Bắc Kinh đang thương lượng RCEP với 16 nước châu Á, trong đó có 7 nước thành viên TPP gồm Nhật Bản, Australia, New Zealand, Việt Nam, Malaysia, Singapore và Brunei.
Chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Barack Obama cảnh báo nếu TPP thất bại, Trung Quốc sẽ chiếm vai trò lãnh đạo kinh tế tại châu Á và hạ thấp các quy định giao thương trong khu vực này.
TPP có sự tham gia của Australia, Brunei, Canada, Chile, Japan, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam.
Thỏa thuận này đã chính thức được các bộ trưởng từ 12 quốc gia trên ký kết hồi tháng 2/2016 sau hơn 5 năm đàm phán.
TPP hiện đang ở trong giai đoạn 2 năm chờ đợi Quốc hội các nước thành viên phê chuẩn.
Nếu có hiệu lực, hiệp định này sẽ giúp xóa bỏ hàng nghìn rào cản thuế quan và đảm bảo tốt hơn các quyền của người lao động tại các quốc gia tham gia.
Theo các nhà kinh tế, TPP chiếm 40% kinh tế toàn cầu và bổ sung cho tổng sản phẩm quốc nội của thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm./.