Nhiều nhân sự cấp cao Việt Nam 'ảo tưởng sức mạnh'
'Xáo trộn' nhân sự cấp cao tại Facebook Việt Nam |
Chia sẻ tại buổi tọa đàm với chủ đề “Xây dựng năng lực cho chuyên viên cao cấp Việt Nam” do Công ty tuyển dụng nhân sự cấp cao Michael Page Việt Nam tổ chức hôm 6/11, bà Đinh Kim Nhung, Giám đốc Nhân sự, tập đoàn Masan chia sẻ, sự thiếu hụt nhân sự cấp cao ở nhiều ngành khi nhu cầu tuyển dụng từ các công ty trong nước cũng như nước ngoài tại Việt Nam tăng cao đã khiến nhiều người lao động “ảo tưởng về sức mạnh bản thân”, yêu cầu mức lương cao hơn giá trị mang lại.
Cũng vì được săn đón quá nhiều, các ứng viên khó mở lòng để lắng nghe, khó chấp nhận khi gặp khó khăn, ít khả năng học hỏi, tính khiêm tốn…
“Những khảo sát gần đây cho thấy, thời gian bình quân mà nhân sự cấp cao đổi việc là 2 năm. Với những người làm nhân sự như chúng tôi thì đây là thời gian quá ngắn vì như vậy chưa đủ để họ hiểu về văn hóa, việc kinh doanh cũng như đóng góp cho doanh nghiệp”, bà Nhung nói thêm.
Nhu cầu tuyển dụng ở nhiều ngành hiện rất cao, chẳng hạn như ngành thương mại điện tử. Trong ảnh: Bộ phận thu mua của Vin - Ecomerce trao đổi với các nhà sản xuất. |
Quan trọng hơn, tình hình này gây sức ép lớn lên các doanh nghiệp sử dụng lao động khi phải trả chi phí quá cao (so với năng lực thực sự) để có người. Đây còn được coi là “cuộc chiến lâu dài” của doanh nghiệp.
Hiện tượng này cũng không tốt cho thị trường vì có thể tạo ra nguy cơ doanh nghiệp dịch chuyển để có lao động giá rẻ hơn.
Ông Trần Xuân Thủy, giám đốc thị trường Việt Nam của tập đoàn Alibaba, cho biết, xu hướng của các tập đoàn khi đầu tư vào Việt Nam là tìm được những người bản địa. Tuy nhiên, tùy vào tình hình thị trường có sẵn có hay không mà xử lý. Như với Alibaba, khi đầu tư mạnh vào Lazada và tham gia điều hành thì Alibaba phải mang chuyên gia từ nước ngoài vào vận hành do không có nhân sự địa phương đáp ứng yêu cầu.
Giảm đốc Thủy cũng thổ lộ rằng nhu cầu của các nhà tuyển dụng không chỉ là người có thể làm được việc, tức là có kỹ năng, mà còn phải có ngoại ngữ tốt để có thể hiểu, giao tiếp với lãnh đạo tập đoàn. Bên cạnh đó họ cần hiểu biết về văn hóa, con người, nhu cầu thị trường cũng như tư duy quốc tế.
“Thực tế hiện nay là những người giỏi ngoại ngữ lại thiếu kinh nghiệm. Những người giỏi về chuyên môn thì lại thiếu ngoại ngữ. Tôi nghĩ trong 5 đến 10 năm tới thì tình hình này mới có thể thay đổi”, ông Thủy nhận định.
Bà Tamara Boonstra, Giám đốc Michael Page Việt Nam nhận xét, hiện một số lĩnh vực như chuỗi cung ứng, điện tử, Việt Nam không có nhân sự cao cấp. Đó là lý do trong nhiều trường hợp, các doanh nghiệp sử dụng lao động phải đưa người từ nước ngoài về và đào tạo, chuyển giao dần dần.
Nhìn chung về thị trường, theo bà Tamara Boonstra, bốn ngành, lĩnh vực hiện có nhu cầu tuyển dụng cao ở Việt Nam là quản lý chuỗi cung ứng - bán lẻ; kiểm soát kinh doanh - tài chính; nhân sự và cuối cùng là kỹ thuật số - quản lý doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, có bốn ngành đang phát triển và nhu cầu nhân sự cũng tăng mạnh là bất động sản; sản xuất; kỹ thuật số - công nghệ tài chính (fintech) và hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).
Nhu cầu cao khiến các ứng viên nhân sự cao cấp chấp nhận chuyển việc khi lương tăng từ 15 đến 20% so với hiện tại.
Xem thêm |