'Nhiều người từng nói không cần cứu bất động sản, để 'chết' mua nhà cho rẻ'
Tọa đàm Thăng trầm bất động sản 2010-2020 và những xu hướng sắp tới diễn ra chiều nay (6/6) do Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, CLB doanh nhân Sao Đỏ tổ chức có sự góp mặt của nhiều chuyên gia, doanh nhân trong lĩnh vực bất động sản.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định thị trường bất động sản đang gặp những khó khăn hậu Covid-19.
Thậm chí, ông Hà cho rằng, thị trường hiện nay khó khăn không khác gì thời điểm cách đây 10 năm, chỉ khác một điểm là trước kia gặp khủng hoảng thừa, còn nay thì nguồn cung đang khan hiếm.
Kể lại về thời điểm thị trường bất động sản giai đoạn năm 2009-2010, ông Hà cho biết: Lúc đó rất khó khăn. Chính phủ họp rất nhiều lần để bàn giải pháp. Trước đó cũng có rất nhiều tranh cãi, nhiều ý kiến cho rằng bất động sản chỉ là dịch vụ thôi, không cần cứu. Thậm chí có thể để “chết” cho giá nhà xuống, khách hàng có cơ hội mua.
Tuy nhiên theo ông Hà, sau đó Chính phủ đã có nhiều giải pháp tháo gỡ. Đến năm 2013, đã hoàn chỉnh thêm một bước về các luật điều chỉnh thị trường bất động sản. Các doanh nghiệp cũng rất nỗ lực, tìm mọi cách vượt qua khó khăn.
Nhìn lại 10 năm qua, ông Hà dùng từ "vượt khó" cho thị trường bất động sản, những người lạc quan nhất cũng không tưởng tượng được sẽ thành công như hiện nay.
“Trong 10 năm qua, mỗi năm Việt Nam phát triển 60 triệu m2 nhà ở. Đặc biệt thị trường nghỉ dưỡng cũng thay da đổi thịt với hơn 230 dự án đã và đang triển khai, thay đổi bộ mặt các địa phương có dự án", ông Hà nói.
Trước những quan điểm trái chiều về việc có nên “cứu" thị trường bất động sản hay không, ông Hà cho rằng: Bất động sản là ngành kinh tế quan trọng, là đầu kéo nhiều lĩnh vực khác, nó có đóng góp rất lớn cho răng trường. Khi có khó khăn thì người ta lại nghĩ đến việc vực dậy thị trường bất động sản để lôi kéo thị trường khác.
Ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng cho biết bấy lâu nay vẫn coi bất động sản là dịch vụ, phi hàng hoá, coi bất động sản là ngành không thực tiễn. Vì thế các chính sách nhiều khi như “con nuôi" nền kinh tế.
Trong khi đó theo ông Dũng, bất động sản ảnh hưởng đến gần 100 ngành kinh tế khác. Vậy nhưng nhiều chính sách 10-20 năm không thay đổi, rất khó khăn.
“Vị trí vàng, vị trí đẹp đến đâu mà để cả chục năm thì vẫn lỗ vốn", ông Dũng nói khi đề cập tới một số khó khăn trong vấn đề thủ tục, pháp lý thị trường bất động sản hiện nay.
Ông Dũng cũng cho biết, nhiều người nghĩ bất động sản rất lợi nhuận cao, nhưng thực tế không phải như vậy. Ông Dũng cho rằng cơ chế chính sách thủ tục đang kìm hãm sự phát triển thị trường bất động sản.
Bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch Deloitte Việt Nam khi chia sẻ tại toạ đàm cũng nhấn mạnh đến yếu tố pháp lý. Bà Thanh cho rằng nếu pháp lý không theo kịp sẽ khiến thị trường bất động sản mất cơ hội.
“Covid-19 ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, khiến chuỗi cung ứng đứt gãy, sau Covid-19 trật tự được sắp xếp lại. Sẽ có một làn sóng chuyển dịch mới. Điều này đặt ra câu hỏi là liệu ngành bất động sản Việt Nam có đủ thay đổi để đón làn sóng này hay không, nhất là phân khúc bất động sản công nghiệp và văn phòng”, bà Thanh đặt vấn đề.
Bà Thanh cho rằng, khung pháp lý hiện nay dù đang được hoàn thiện nhưng vẫn đi sau hơi thở, dòng chảy, xu thế của thị trường bất động sản.
Ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cũng cho rằng Covid-19 tác động sâu rộng đến kinh tế - xã hội Việt Nam và bất động sản cũng không nằm ngoài làn sóng này.
Việc dịch bệnh bước đầu được kiểm soát là tiền đề tốt cho phục hồi kinh tế, một số phân khúc trong Covid-19 vẫn giữ tốc độ tăng trưởng tốt, sức bán nhanh song theo ông Hồng Anh, cũng vẫn còn nhiều bất lợi khi các doanh nghiệp phần nào bị "tổn thương".
Những thảo luận, kiến nghị của các chuyên gia, doanh nghiệp sẽ được ban tổ chức tổng hợp, gửi lên Chính phủ nhằm đề xuất các biện pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp trước những khó khăn hậu Covid-19.