Nhiều người hoan nghênh cuộc gặp Biden - Tập, nhưng có chiến lược gia đang tỏ ra hoài nghi
Sự hoài nghi của một chuyên gia
Hôm 14/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc trò chuyện cùng người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây là cuộc gặp được tổ chức bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali (Indonesia).
Mối quan hệ giữa hai siêu cường đã leo thang trong vài năm qua, bao trùm nhiều vấn đề từ thương mại, công nghệ cho đến nhân quyền và gần nhất là đảo Đài Loan. Căng thẳng đã ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức, ông Biden đã ngồi xuống thảo luận cùng ông Tập trong hơn ba giờ đồng hồ - một động thái mang tính biểu tượng được nhiều người ca ngợi là một dấu hiệu khả quan.
Tuy nhiên, chia sẻ với CNBC, một chiến lược gia cho biết cuộc gặp được quan tâm này là một tín hiệu tích cực cho tương lai của mối quan hệ, nhưng không tạo ra nhiều thay đổi đối với thương mai hai bên.
Cụ thể, ông Yung-yu Ma - chiến lược gia đầu tư cấp cao của công ty tư vấn BMO Wealth Management, chưa chắc căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ sớm cải thiện.
Ông Ma nhấn mạnh: “Tôi không nghĩ quan hệ thương mại giữa hai nước sẽ thực sự dịu lại”. Ông nói thêm rằng các liên kết thương mại giữa hai bên thực chất đang có khả năng xấu đi.
Vị chiến lược gia dự đoán Mỹ sẽ công bố thêm nhiều biện pháp khác sau các hạn chế xuất khẩu chất bán dẫn sang Trung Quốc gần đây.
“Tôi nghĩ tương lai hai bên sẽ tăng cường các biện pháp kiểm soát về công nghệ và xuất khẩu, đây sẽ là xu hướng thực sự [cho mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc]”, ông nói.
Các hạn chế xuất khẩu chất bán dẫn được Bộ Thương mại Mỹ ban hành và công bố hồi đầu tháng 10. Theo Washington, những con chip tiên tiến của Mỹ có thể được Trung Quốc sử dụng để nâng cao năng lực quân sự của nước này.
“Tôi cho rằng quan hệ Mỹ - Trung sẽ tiếp tục gập ghềnh trong một thời gian nữa”, ông Ma nhận định. “Đây sẽ vẫn là một mối quan hệ đầy thử thách”.
Theo vị chiến lược gia, nếu chính quyền ông Biden đi chệch khỏi con đường hiện tại (tức là không tiếp tục áp thêm các hạn chế mới đối với Trung Quốc) thì họ có thể sẽ vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ công chúng Mỹ.
“Tôi nghĩ dù bất kỳ đảng nào trong Quốc hội hay Tổng thống Biden kêu gọi nới lỏng các biện pháp hạn chế với Trung Quốc, họ sẽ phải hứng chịu một số phản ứng dữ dội từ người dân trong nước”, ông Ma nói rõ hơn.
Một cuộc thăm dò gần đây của Pew Research cho thấy phần lớn người Mỹ coi sức mạnh quân sự của Trung Quốc là một vấn đề đối với Mỹ. Khoảng một nửa người tham gia khảo sát coi đó là “vấn đề rất nghiêm trọng”.
“Dù sao cũng đỡ hơn là không chuyện trò”
Dù vậy, cuộc hội đàm giữa ông Biden và người đồng cấp Trung Quốc nhìn chung vẫn được đón nhận với tâm thế lạc quan. Hai bên đã nhất trí sẽ tiếp tục đối thoại thông qua kế hoạch đến thăm Bắc Kinh của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong thời gian tới.
Chiến lược gia John Rutledge của công ty đầu tư Sanafad cho hay: “Cuộc họp diễn ra thực sự tốt đẹp hơn nhiều so với những gì tôi và nhiều người kỳ vọng trước đó”.
Ông Craig Allen - Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung, nhấn mạnh rằng hai bên có chuyện trò với nhau vẫn tốt hơn là không có bất kỳ giao tiếp nào.
Vị lãnh đạo bày tỏ: “Chúng tôi đã kêu gọi hai nước đối thoại nâng cao trong một thời gian dài và cuộc trò chuyện ba tiếng rưỡi vừa qua là một khởi đầu tuyệt vời. Dù sao cũng đỡ hơn là không chuyện trò gì”.
Ông Allen cũng nhấn mạnh rằng chính phủ hai nước cũng nên công khai đưa ra phản ứng về cuộc họp.
“Họ cần cân nhắc một số yếu tố chính trị trong nước. Cả hai nhà lãnh đạo đã trò chuyện với nhau nhưng họ cũng cần tương tác với khán giả trong nước”, ông gợi ý.