|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhiều góp ý quanh việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường

22:45 | 05/07/2023
Chia sẻ
Ngày 5/7 tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo “Góp ý đề nghị xây dựng Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)".

Sự kiện nhằm tạo diễn đàn thảo luận giải pháp tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp cũng như bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước. Hội thảo có sự tham gia của đại diện các cơ quan bộ, ngành, hiệp hội và đông đảo các doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế.

 Ảnh: VCCI.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu ghi nhận, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) năm 2008 đã qua 4 lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2014, 2015 và năm 2022 để phù hợp với thực tế và yêu cầu quản lý thuế trong từng giai đoạn. Qua thực tiễn triển khai, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã phát sinh nhiều nội dung không còn phù hợp, nhất là liên quan tới chủ trương khuyến khích chuyển đổi nhập khẩu, sản xuất, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Từ yêu cầu đặt ra của thực tiễn, nhiều đại biểu đề nghị xây dựng, sửa đổi và bổ sung luật hiện hành, tập trung vào những nội dung có tác động lớn đến các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, kinh doanh; trong đó, đáng chú ý có nhiều ý kiến xung quanh việc bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm giảm thiểu rủi ro đối với bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là bệnh thừa cân béo phì. Một số đại biểu bày tỏ lo ngại về tính hiệu quả của công cụ thuế trong việc phòng tránh nguy cơ bệnh tật và nâng cao sức khỏe người dân nhưng lại có thể gây ra những tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp nước giải khát và cả nền kinh tế.

Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành, Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN, chia sẻ về thực tiễn tại một số quốc gia sau một thời gian áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt lên mặt hàng nước giải khát có đường; tỷ lệ thừa cân béo phì đã không giảm mà lại tăng qua các năm, như ở Chile, Bỉ, Mexico, Đan Mạch và Nauy..

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, cần xem xét các tác động của chính sách thuế này đối với không chỉ ngành nước giải khát mà còn ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan như ngành mía đường, bán lẻ, bao bì và hậu cần.

Theo một báo cáo được CIEM thực hiện vào năm 2018-2021, nếu bổ sung mặt hàng này vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất 10% và nâng thuế giá trị gia tăng thêm 2% với mặt hàng này, sẽ khiến doanh thu của ngành sản xuất nước giải khát thiệt hại khoảng 3.791,4 tỷ đồng. Trong khi đó mức doanh thu thuế tăng thêm cho ngân sách nhà nước chỉ đạt 2.722,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, chính sách thuế này nếu được áp dụng sẽ kéo theo hàng loạt tác động lan tỏa đối với tất cả các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị theo chiều dọc như các doanh nghiệp bao bì, vận chuyển, bán lẻ, mía đường, … và cả nền kinh tế. Xét tổng thể, giá trị tăng thêm của cả nền kinh tế giảm 0,135%, GDP giảm 0,115%, thu nhập của người lao động từ sản xuất của cả nền kinh tế giảm 0,155%, thặng dư sản xuất giảm 0,083%, lao động giảm 0,092%; thu ngân sách qua thuế gián thu giảm khoảng từ 0,065% – 0,085%.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Rượu – Bia – Nước giải khát, dẫn chứng số liệu của Tổng cục Thống kê  về tình hình kinh tế nửa đầu năm. Theo đó, GDP quý II/2023 ước tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý II/2020, giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng năm 2023 tăng 3,29% trong khi lạm phát cơ bản tăng 4,74%. Thêm vào đó, các doanh nghiệp chỉ mới phục hồi sau đại dịch nhưng cùng lúc chịu sức ép trách nhiệm tài chính từ các chính sách khác như thực hiện trách nhiệm tái chế bao bì theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực từ 01/01/2024. Nếu cải cách các loại thuế nếu không phù hợp sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phục hồi của doanh nghiệp và mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ.

Hay như đại diện Tiểu ban Pháp luật, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội, ông Trần Ngọc Trung cho rằng, đường là một mặt hàng đặc biệt khi đang được hưởng những chính sách bảo hộ để hỗ trợ phát triển, như hạn ngạch thuế quan, thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp.

Việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt cho các sản phẩm có đường sẽ tạo sự thiếu nhất quán về mặt lập pháp trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành đường bằng cách gián tiếp hạn chế lượng tiêu thụ đường. Ngoài ra, mục tiêu thu ngân sách cũng khó đạt được do sự tương quan trong việc giảm thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp của các nhà sản xuất đồ uống, tạo sự sụt giảm theo chuỗi cung ứng khi các doanh nghiệp cung cấp đầu vào khác cũng chịu sự sụt giảm theo. 

Ông Trung cũng lo ngại công cụ thuế khó có thể điều chỉnh hành vi người tiêu dùng do đồ uống là một loại thực phẩm, là nhu cầu cơ bản; thay vào đó, cần nghiên cứu đưa ra các giải pháp phù hợp hơn như Quy chuẩn kỹ thuật về hàm lượng đường tối đa trong thực phẩm.

Trước những luận điểm đưa ra tại hội thảo, đại diện Bộ Tài chính đã tiếp thu ý kiến để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, với mục tiêu hướng tới nhằm cải thiện những vấn đề bất cập nội tại, tạo hành lang và khung khổ pháp lý cho các doanh nghiệp ngành này được hoạt động đúng hướng, phát huy được lợi ích cùng các giá trị tích cực đối với đời sống xã hội.

Ngọc Quỳnh