VCCI tiếp tục đề xuất bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có góp ý với Bộ Tài chính về hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), trong đó có nội dung bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng.
VCCI cho rằng mặt hàng xăng đang phải chịu cùng lúc hai loại thuế có tính chất hạn chế tiêu dùng là thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường.
VCCI khẳng định xăng không phải mặt hàng xa xỉ, nên việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng cũng là nhằm bảo vệ môi trường. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng. Trong trường hợp cần thiết thì điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp với mục tiêu của loại thuế này.
Trước đó vào tháng 6/2022, cơ quan này đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, đánh giá tác động của việc bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và có văn bản báo cáo Quốc hội.
Phản hồi về đề xuất này, Bộ Tài chính cho biết quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt là chỉ thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, không thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu các loại.
Mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng là 10%, xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%. Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt không quy định giảm thuế đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Bộ Tài chính khẳng định thuế tiêu thụ đặc biệt là sắc thuế gián thu, đánh vào một số hàng hóa, dịch vụ Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng. Xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo cần phải sử dụng tiết kiệm nên theo thông lệ quốc tế luôn thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Cơ quan này cũng dẫn chứng các nước trên thế giới đều thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng và mức thuế suất của Việt Nam hiện ở mức trung bình thấp so với các nước.
Bộ Tài chính khẳng định tại Việt Nam, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã quy định xăng thuộc đối tượng chịu thuế từ năm 1999. Quy định này là phù hợp với mục tiêu thu thuế tiêu thụ đặc biệt và thông lệ quốc tế.