|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nhiều động lực cho doanh nghiệp bán lẻ bứt tốc

14:20 | 02/09/2023
Chia sẻ
Cùng với các hoạt động kích cầu, việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) xuống 8% từ tháng 7 vừa qua được giới phân tích đánh giá là động lực tăng trưởng cho doanh nghiệp bán lẻ những tháng cuối năm.
Theo Công ty Chứng khoán Ngân hàng ACB (ACBS), triển vọng ngành được kỳ vọng cải thiện về cuối năm với dự báo chi tiêu tiêu dùng được cải thiện nhờ lãi suất đã có điều chỉnh giảm. Cùng với đó, thuế VAT giảm và các biện pháp của Chính phủ nhằm giải quyết một số vấn đề của lĩnh vực bất động sản và tài chính…, từ đó khôi phục hoạt động tài chính tiêu dùng của người dân.

Trên cơ sở Chính phủ chính thức giảm thuế VAT xuống 8% từ 1/7/2023 góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp bán lẻ như Công ty Thế giới di động (MWG) tiếp tục hỗ trợ các giải pháp tài chính cho khách hàng để kích cầu tiêu dùng.

Theo đó, từ giữa tháng 8, MWG và Home Credit đã ký kết hợp tác chiến lược hỗ trợ tài chính đặc biệt dành cho khách hàng thuộc hệ sinh thái của Thế giới di động gồm các chuỗi thegioididong.com, Điện máy Xanh và TopZone, hướng tới doanh số 2 tỷ USD.

Trước đó, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tín hiệu đáng mừng đối với ngành bán lẻ. Tháng 7, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 512,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 7 tháng năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.529,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Ngay từ đầu năm, Bộ Công Thương ước tính, ngành bán lẻ Việt Nam hiện có quy mô thị trường 142 tỷ USD, dự báo tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% tổng ngân sách quốc nội GDP.

Về dài hạn, giới phân tích đánh giá, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ tài chính từ Chính phủ, sự phục hồi của khách du lịch quốc tế sẽ là điểm nhấn đóng góp vào tăng trưởng của ngành bán lẻ.

Từ ngày 15/8 vừa qua, Việt Nam chính thức miễn visa 45 ngày cho công dân một số nước được nhập cảnh Việt Nam theo quy chế miễn thị thực.Theo đó, công dân Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy, Đan Mạch, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italy và Belarus có cơ hội lưu trú lâu hơn tại Việt Nam mà không cần thị thực.

Theo Trưởng tiểu ban Du lịch Martin Koerner của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), quy định mới về thị thực, nhất là đối với những thị trường trọng điểm, có nhu cầu đi lại cao và khả năng chi tiêu cao như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ khuyến khích họ ở lại lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn.

Cùng với đó, Việt Nam nâng thời hạn thị thực điện tử (e-visa) từ 30 lên 90 ngày, với danh sách các quốc gia được cấp thị thực điện tử gồm nhiều thị trường tiềm năng mới nổi như Ấn Độ, Brazil, Mexico và Argentina, từ đó đóng góp vào doanh thu du lịch và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Thời gian tới, giới phân tích dự báo, tiêu dùng trong nước sẽ tiếp tục được thúc đẩy bởi nền kinh tế đang phát triển, dân số lớn, quá trình đô thị hoá, thu nhập gia tăng và mức sống cao hơn.

Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Maybank (MSVN) cũng cho rằng, bất chấp suy thoái kinh tế đang diễn ra, mẫu hình tiêu dùng có tính mùa vụ vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm nay, giúp củng cố sự phục hồi kinh tế trong nửa cuối năm 2023. Chi tiêu cao hơn làm tăng thu nhập, từ đó nâng cao chi tiêu hơn nữa.

Đáng chú ý, mùa cao điểm sắp tới với nhu cầu mua sắm máy tính xách tay cho mùa tựu trường, iPhone mới và sự phục hồi tiêu thụ các sản phẩm trong phân khúc phổ thông dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho các nhà bán lẻ trong mảng này.

Nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng nội địa cũng như dự báo tốc độ tăng trưởng của ngành bán lẻ trong nước, các doanh nghiệp đã đa dạng hoá chiến lược bán hàng.

Như Công ty Thế giới số (Digiworld) có thế mạnh trong việc phân phối các sản phẩm công nghệ thông tin và đang trong quá trình mở rộng theo chiều ngang sang các phân khúc tiềm năng khác là thiết bị gia dụng, hàng tiêu dùng và chăm sóc sức khỏe, thiết bị công nghiệp. Việc mở rộng này được kỳ vọng mang lại dư địa và các động lực bền vững cho tăng trưởng dài hạn của Digiworld, bên cạnh việc hưởng lợi từ nhu cầu ngày càng tăng và chuyển đổi số đối với mảng công nghệ.

Với động thái này của doanh nghiệp, Công ty Chứng khoán Vietcap (VCSC) đánh giá việc Digiworld tiếp tục hợp tác kinh doanh hoặc M&A gia tăng giá trị giúp mở rộng danh mục sản phẩm đặc biệt trong lĩnh vực thiết bị gia dụng và hàng tiêu dùng. Trong khi rủi ro có thể là việc mất hợp đồng các thương hiệu lớn, chi tiêu của người tiêu dùng yếu hơn dự kiến đối với hàng hoá công nghệ thông tin.

Thực tế, đối với Công ty Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FRT Retail), động lực tăng trưởng chính đang đến từ chuỗi nhà thuốc Long Châu.

Riêng quý II vừa qua, chuỗi nhà thuốc này tiếp tục mở mới gần 190 cửa hàng, trong khi FPT Shop đã phải đóng cửa 7 cửa hàng. Doanh thu chuỗi Long Châu quý này nhờ đó tăng trưởng gấp đôi so với cùng kỳ đạt 3.615 tỷ đồng, giúp Long Châu lần đầu tiên vượt doanh thu của chuỗi FPT Shop với doanh thu ghi nhận 3.605 tỷ đồng.

Trên thị trường niêm yết, tại thời điểm đóng cửa phiên cuối tháng 8 (31/8), nhóm cổ phiếu ngành bán lẻ đều ghi nhận tăng trưởng ở mức trung bình trên 35% trong 6 tháng qua. Cổ phiếu DGW có giá 57.900 đồng, cổ phiếu MWG có giá 53.800 đồng và FRT của FPT Retail có giá 83.500 đồng/đơn vị.

Diệp Anh