|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhiều doanh nghiệp nếm 'trái đắng' khi làm ăn ở thị trường châu Phi

21:13 | 10/09/2019
Chia sẻ
Hàng hóa mang sang bao nhiêu, bán hết bấy nhiêu, thế nhưng lại không thể thu về được ngoại tệ.

Đây là thực trạng mà không ít doanh nghiệp Việt đã trải qua khi đầu tư làm ăn tại thị trường châu Phi.

 Ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hapro chia sẻ, là một trong những doanh nghiệp đầu tiên làm ăn với thị trường châu Phi và hiện nay vẫn đang tìm cách đầu tư vào thị trường này, doanh nghiệp đã không ít lần gặp khó khăn trong việc thanh toán các giao dịch thương mại.

Nhiều doanh nghiệp nếm 'trái đắng' khi làm ăn ở thị trường châu Phi - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đi thăm một số gian hàng của doanh nghiệp bên lề hội nghị "Gặp mặt đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi".

“Chúng tôi làm ăn tại thị trường Trung Đông - châu Phi cũng tương đối lâu và hiện tại vẫn đang có định hướng đầu tư tại khu vực này. Tuy nhiên, tiền tồn đọng tại thị trường này, nhất là tại châu Phi cũng không ít. Hàng hóa mang sang bao nhiêu, “đi” hết bấy nhiêu mà lại không thể thu hồi được ngoại tệ để đem về”, ông Sơn cho biết.

“Nguyên do là ngân hàng không có đủ ngoại tệ để chuyển đổi cho chúng tôi. Đã có những đơn hàng, Hapro đã phải thanh toán bằng cách dùng hàng đổi hàng như là đổi gạo lấy hạt điều. Tuy nhiên, đó là vào đúng vụ mùa và đối tác làm ăn cùng có đúng loại hàng mình cần”, Tổng Giám đốc Hapro cho biết thêm.

Cùng trải qua tình cảnh tương tự, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) khi đầu tư tại một số nước thuộc châu Phi tuy thực chất có lãi nhưng vì biến động tỷ giá mà kết cục lại thành “thua lỗ” nặng.

Ông Nguyễn Cao Lợi, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần đầu tư Quốc tế Viettel (trực thuộc Viettel) cho biết, việc biến động tỷ giá tại các quốc gia khu vực châu Phi gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của công ty mình cũng như công ty mẹ Viettel.

“Chúng tôi đầu tư ra nước ngoài là bằng USD và thu về nộp lại cho công ty mẹ Viettel cũng phải bằng USD. Biến động tỷ giá tới 70% quả thực rủi ro cực lớn cho các doanh nghiệp đầu tư tại đây bất chấp việc làm ăn tại bản địa có lãi”, ông Lợi nói.

Nhiều doanh nghiệp nếm 'trái đắng' khi làm ăn ở thị trường châu Phi - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Cao Lợi, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần đầu tư Quốc tế Viettel.

“Chúng tôi bỏ 1 USD đầu tư, sinh lãi ước tính thành 1,2 USD (tiền bản địa) nhưng khi đổi ngược lại ra USD để thu hồi về thì phải mất tới 1,7 USD do biến động tỷ giá. Trong trường hợp ở một số quốc gia, đến ngân hàng trung ương cũng không đủ nguồn ngoại tệ dự trữ để thanh toán thì nguồn USD thu về không có. Tức là chúng tôi đầu tư ra mà không thu về được đồng nào cả”.

Để giải quyết thực trạng này, giới doanh nghiệp và nhiều chuyên gia cho rằng cần có sự tham gia của ngân hàng, cơ quan chức năng và chính phủ hai bên hỗ trợ trong thanh toán giao dịch thương mại – đầu tư.

Bà Phan Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Trung tâm tác nghiệp tài trợ thương mại ngân hàng BIDV cho rằng, với kinh nghiệm liên kết thanh toán ở nhiều quốc gia trên thế giới, BIDV không ngại hỗ trợ các vấn đề liên quan đến giao dịch thương mại – đầu tư tại khu vực Trung Đông – châu Phi.

Tuy nhiên, bà Nhàn cũng thừa nhận việc không chỉ BIDV mà rất nhiều ngân hàng “ngại” mở rộng thêm các chi nhánh tại khu vực châu Phi, mặc dù tỷ lệ khách hàng gặp tranh chấp với đối tác châu Phi ở mức cao so với các thị trường khác.

“Thực tế là các ngân hàng tại thị trường châu Phi có mức đánh giá, xếp hạng uy tín rất thấp làm bất cứ ngân hàng nào muốn mở rộng hợp tác đều khá e ngại. Ngoài ra, năng lực tài chính khó khăn khiến Ngân hàng trung ương một số nước tại châu Phi cũng không có khả năng thanh toán ngoại tệ”, bà Nhàn lý giải.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, cần có nhiều diễn đàn kết nối giữa Việt Nam và các nước Trung Đông – châu Phi để hiểu lẫn nhau hơn nữa.

“Quả thực thị trường châu Âu, châu Á, Bắc Mỹ và các nước khác, sự hợp tác cũng như thông tin đối với Việt Nam nhiều hơn. Trong khi khu vực Trung Đông – châu Phi còn khá hạn chế thông tin. 

Tôi cho rằng cần có sự hợp tác giữa Ngân hàng Trung ương các nước khu vực này với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để tạo cơ chế, chính sách cho việc phát triển hệ thống thanh toán mỗi quốc gia có sự thống nhất”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay.

“Trong thời gian tới, về phía Ngân hàng Nhà nước quy định rõ các phương thức thanh toán theo thông lệ quốc tế và đảm bảo tuân thủ theo pháp luật Việt Nam. Đối với khu vực Trung Đông - châu Phi có thể cần có chính sách cởi mở hơn để phù hợp với đặc thù của thị trường này”, ông Tú nhấn mạnh.

Cân đối giữa việc “quá” thận trọng trong thanh toán và “hồ hởi” chấp nhận rủi ro để mở rộng thị trường bằng cách giảm thiểu khoảng cách thông tin giữa các bên. Từ đó, nhận biết chính xác rủi ro, nhận thức được đối tác làm ăn. 

Để làm được vậy cần vai trò rất lớn của cơ quan ngoại giao, cơ quan quản lý nhà nước trong việc thiết lập mạng lưới kết nối, thu thập thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp trong phát triển, tìm hiểu thị trường.

Vân Anh - Hồng Anh