Nhiều doanh nghiệp giao thông vẫn 'né' lên sàn chứng khoán
Nhiều doanh nghiệp hậu cổ phần hoá né lên sàn. |
“Thất hứa” lên sàn Hai “ông lớn” lỗi hẹn lên sàn thu hút sự quan tâm của công chúng đầu tư ngành giao thông đó là Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) và Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4). Đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp này vẫn “án binh bất động” với việc tuân thủ quy định lên sàn. Cienco 1 thành lập năm 1964, là một trong những doanh nghiệp hàng đầu về xây dựng cơ sở hạ tầng của Việt Nam. Ngày 29/4/2014, Cienco 1 tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất. Tồng công ty chuyển sang mô hình hoạt động của công ty cổ phần theo Luật Doanh nghiệp. Suốt gần 3 năm hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, cùng với 3 lần lên kế hoạch nhưng đến nay Cienco 1 vẫn thất hứa với cổ đông về việc lên sàn chứng khoán. Cụ thể, tại đại hội cổ đông thường niên hai năm 2014 và năm 2015, Cienco 1 đều thông qua phương án niêm yết 70 triệu cổ phiếu của Cienco 1 trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Bất thành, tại đại hội cổ đông năm 2016, báo cáo hoạt động của Hội đồng quản trị Cienco 1 nêu rõ chủ trương sẽ niêm yết cổ phiếu trên HNX từ tháng 6/2016, trong trường hợp không đủ điều kiện niêm yết thì chuyển sang đăng ký giao dịch trên UPCoM. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại Cienco 1 vẫn chưa thể lên sàn. Theo kế hoạch, ngày 20/4 tới đây, Cienco sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2017. Khi nào chính thức lên sàn vẫn là một câu hỏi lớn của cổ đông dành cho doanh nghiệp này. Giống như Cienco 1, nội dung niêm yết cổ phiếu của Tổng công ty Xây dựng Công trình giao thông 4 (Cienco 4) cũng đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2016. Khi đó, ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Chủ tịch hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Cienco 4, cho biết, Tổng công ty có kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) dự kiến quý 3/2016. Kế hoạch niêm yết nhằm tăng cường tính thanh khoản của cổ phiếu, nâng cao vị thế và thương hiệu của Tổng công ty, nâng cao tính minh bạch trong hoạt động quản trị điều hành. Tuy nhiên, hiện nay gần hết quý 1/2017, doanh nghiệp này vẫn chưa thấy xuất hiện trên sàn. Lý giải về việc thất hẹn lên sàn, ông Nguyễn Tuấn Huỳnh cho hay, việc doanh nghiệp chậm cổ phần hoá lên sàn là do công ty còn vướng mắc nhiều thủ tục, kế hoạch đầu tư… Ngày 14/12/2016, Cienco 4 đã đăng ký lưu ký chứng khoán với Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD). Dự kiến, trong tháng 4 này, đại hội cổ đông sẽ tiếp tục quyết định việc niêm yết tại HOSE. “Chắc chắn năm nay Cienco 4 sẽ lên sàn”, ông Huỳnh khẳng định với VnEconomy. Một tên tuổi lớn khác nằm trong nhóm doanh nghiệp họ giao thông chậm lên sàn là Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI). Ngay tại đại hội cổ đông lần đầu diễn ra năm 2014, Ban chỉ đạo cổ phần hóa TEDI đã trình đại hội cổ đông thông qua chủ trương niêm yết 12,5 triệu cổ phiếu trên HNX, nhưng đến nay đường lên sàn của TEDI vẫn… mờ mịt. Chậm lên sàn, phải xử phạt Hàng loạt doanh nghiệp chậm đăng ký công ty đại chúng và đưa cổ phiếu vào lưu ký, giao dịch tập trung, khiến cho cổ phiếu “tắc” thanh khoản và làm nhà đầu tư bức xúc. Để giải quyết sự đã rồi trên, nhiều cơ chế đã được đưa ra, khởi đầu là Quyết định 51/2014/QĐ-TTg (có hiệu lực từ ngày 1/11/2014) của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, đối với doanh nghiệp chuyển thành công ty cổ phần sau ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành, trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, công ty cổ phần hóa phải hoàn tất thủ tục đăng ký công ty đại chúng, đăng ký cổ phiếu để lưu ký tập trung tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) và đăng ký giao dịch trên UPCoM... Trao đổi với VnEconomy, bà Phạm Thị Thanh Hương - Phó chánh Thanh tra Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, cho hay, theo quy định, các doanh nghiệp chậm niêm yết, đăng ký giao dịch sẽ bị phạt theo Nghị định 145 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 108/2013 về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán. “Theo quy định là xử phạt nhưng phải xem xét như thế nào vì còn nhiều yếu tố, nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan ra làm sao”, bà Hương nói. Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho hay, trong giai đoạn 2011-2016, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành cổ phần hoá 12 công ty mẹ - Tổng công ty gồm Cienco 1, 4, 5, 6, 8, Vận tải thủy, Xây dựng đường thủy, Vinamotor, TEDI, Thăng Long, Vietnam Airlines, ACV. Đối với Cienco 1, 4, 6, Vận tải thuỷ, TEDI, Vinamotor, Bộ đã hoàn thành thoái toàn bộ vốn. Sau khi hoàn thành công tác cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo, đôn đốc các doanh nghiệp khẩn trương triển khai thủ tục đăng ký lưu ký, đăng ký giao dịch, niêm yết cổ phần theo quy định. Đến nay, số lượng doanh nghiệp đã thực hiện giao dịch, niêm yết 73 công ty, còn 39 công ty chưa triển khai đăng ký giao dịch, niêm yết. Như vậy, các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa thuộc Bộ Giao thông Vận tải đã cơ bản hoàn thành việc đăng ký giao dịch chứng khoán theo quy định. “Đối với các đơn vị mà Bộ đã thoái toàn bộ vốn như Cienco 1, Cienco 4 và TEDI, nếu đủ điều kiện là công ty đại chúng thì việc đăng ký giao dịch chứng khoán phải thực hiện đúng theo quy định của Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Đồng thời theo quy định, công ty đại chúng chịu sự quản lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về vấn đề này”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nói với VnEconomy.