Nhiều điểm mới trong dự thảo lần 8 sửa đổi Nghị định 86 về kinh doanh vận tải
Ngay sau khi Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ dự thảo lần 8 Nghị định sửa đổi Nghị định 86 về kinh doanh vận tải, đại diện Grab đã có văn bản không đồng tình nhiều nội dung. Ảnh minh họa: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN
Dự thảo sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP (Nghị định 86) về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô vừa được Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ.
Đáng chú ý trong dự thảo lần 8 này có một số điểm mới đã được Bộ Giao thông Vận tải bổ sung làm rõ hơn như về định nghĩa kinh doanh vận tải bằng ô tô; quy định việc xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi sử dụng đồng hồ điện tử phải có mào (hộp đèn có chữ “XE HỢP ĐỒNG”…
Cụ thể, dự thảo quy định, “Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi”.
Lý giải về định nghĩa này, đại diện Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho hay, việc quy định như vậy nhằm phân định rõ đơn vị kinh doanh vận tải với đơn vị cung cấp dịch vụ khác có liên quan hoạt động vận tải.
Thể hiện đúng bản chất của hoạt động kinh doanh vận tải trong xu hướng ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ và liên kết phát triển doanh nghiệp giai đoạn hiện nay và thời gian tới. Đặc biệt là tạo sự minh bạch, tránh phát sinh đùn đẩy trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ với nhà nước, với khách hàng trong hoạt động kinh doanh vận tải.
Trong dự thảo lần này, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục quy định rõ hơn trường hợp xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ ngồi sử dụng đồng hồ điện tử có hộp đèn với chữ “XE HỢP ĐÔNG” gắn cố định trên nóc xe, kích thước họp đèn tối thiểu 12x30cm.
Về nội dung này, đại diện Vụ Vận tải cho hay, sau khi tiếp thu ý kiến của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Hiệp hội taxi 3 miền, một số doanh nghiệp taxi và một số Sở Giao thông Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải đã quy định như trên.
Lý giải cụ thể về nội dung này, đại diện Vụ Vận tải cho hay, việc quy định này nhằm đảm bảo quản lý đúng loại hình kinh doanh vận tải, xác định rõ hình thức ứng dụng hợp đồng điện tử với loại hình taxi;
Đồng thời làm rõ nhận diện của các phương tiện kinh doanh loại hình này tránh tình trạng xe cá nhân trá hình để kinh doanh dẫn đến gây khó khăn cho lực lượng tuần tra kiểm soát và tổ chức giao thông đô thị. Ví dụ như đường có biển cấm loại phương tiện này nhưng do không có nhận diện nên vẫn đi vào các tuyến phố cấm dẫn đến ùn tắc giao thông và không công bằng trong hoạt động vận tải.
Một nội dung quan trọng khác được nhiều doanh nghiệp quan tâm đã được Bộ Giao thông Vận tải làm rõ trong dự thảo lần này đó là, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch “Có trên 70% tổng thời gian hoạt động trong một tháng tại địa phương nào thì phải thực hiện cấp phù hiệu địa phương đó; việc xác định tổng thời gian hoạt động được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe”.
Theo đại diện Vụ Vận tải, việc quy định như trên nhằm bảo đảm quản lý đúng loại hình kinh doanh vận tải, tránh đăng ký loại hình xe hợp đồng nhưng hoạt động như xe tuyến cố định, đăng ký kinh doanh tại địa phương này sau đó đưa phương tiện sang địa phương khác hoạt động dẫn đến mất trật tự vận tải, cạnh tranh không lành mạnh với tuyến cố định và xe taxi trên địa bàn. Ngoài ra còn gây khó khăn cho việc quản lý vận tải, tổ chức giao thông và quản lý thuế.
Mặt khác, quy định này cũng tạo sự minh bạch của các đơn vị kinh doanh vận tải khi hoạt động thường xuyên trên địa bàn nào thì phải có sự quản lý và thực hiện nghĩa vụ đối với địa bàn đó.
Ngoài những nội dung quan trọng trên, trong dự thảo lần 8 này, Bộ Giao thông Vận tải đã bổ sung một số nội dung về quy định về bảo đảm an toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô bao gồm:
Hộ kinh doanh vận tải phải xây dựng và thực hiện quy trình bảo đảm an toàn giao thông theo quy định; đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng ô tô tham gia kinh doanh vận tải phải đáp ứng điều kiện tham gia giao thông theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, phải có dây an toàn tại các vị trí ghế ngồi, giường nằm và có hướng dẫn cho hành khách về an toàn giao thông và thoát hiểm khi xảy ra sự cố trên xe theo quy định…
Đánh giá về dự thảo lần 8 sửa đổi Nghị định 86 của Bộ Giao thông Vận tải, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) cho hay, những điểm mới trong dự thảo lần này đã được Bộ Giao thông Vận tải tiếp thu ý kiến của nhiều đơn vị và cũng nhận được sự tán thành của nhiều doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Quyền nhận xét việc Bộ Giao thông Vận tải làm rõ định nghĩa về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô sẽ giúp cho hoạt động quản lý của nhà nước và hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực này được tốt hơn.
Ngoài ra, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng ủng hộ việc Bộ Giao thông Vận tải quy định trong dự thảo đối với xe xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ ngồi sử dụng đồng hồ điện tử có hộp đèn với chữ “XE HỢP ĐỒNG” gắn cố định trên nóc xe, kích thước họp đèn tối thiểu 12x30cm.
Chủ tịch VATA nêu rõ: "Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam luôn luôn ủng hộ việc ứng dụng khoa học công nghệ trong kết nối hỗ trợ cho dịch vụ vận tải nhưng phải tạo ra sự công bằng; cạnh tranh, lành mạnh; thúc đẩy hoạt động kinh doanh vận tải phát triển theo hướng hiện đại".
Ở góc độ người sử dụng, chị Nguyễn Thị Hiền cho rằng, việc quy định “gắn mào” hay phù hiệu cho xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi sử dụng hợp đồng điện tử là cần thiết vì giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết được các xe đang hoạt động dịch vụ vận tải. Mặt khác, trong nhiều trường hợp, khách hàng không phải lên nhầm xe dẫn đến nhiều nguy cơ khác như cướp giật…
Cũng liên quan đến nội dung dự thảo lần 8, Công ty TNHH Grab (Grab) vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải cho rằng định nghĩa kinh doanh vận tải trong dự thảo lần này là chưa rõ ràng.
Đại diện Grab cho rằng, khoản 2, Điều 3 đưa vào khái niệm “trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe” hoặc “quyết định giá cước vận tải” sẽ được coi là kinh doanh vận tải bằng xe ô tô dễ dẫn tới cách hiểu khác nhau trong quá trình thực thi, bất bình đẳng trong áp dụng quy định pháp luật.
“Việc chỉ đưa hai công đoạn nêu trên vào mà bỏ qua những công đoạn cốt lõi khác như sử dụng và quản lý xe ô tô, thuê và quản lý người lái xe, điều khiển phương tiện… là không hợp lý”, Grab nhấn mạnh.
Trong bản góp ý này, một lần nữa Grab khẳng định việc áp dụng quy định gắn hộp đèn trên nóc xe taxi kết nối với hành khách qua ứng dụng và xe sử dụng hợp đồng điện tử như dự thảo là không cần thiết. “Bởi nếu để các cơ quan chức năng nhận diện thì hiện nay đã có niêm yết phù hiệu “XE TAXI” hoặc “XE HỢP ĐỒNG” ở kính trước theo quy định.
Còn khách hàng, thông qua ứng dụng họ đã nhận biết thông tin về xe, lái xe, số điện thoại liên lạc… Các xe này cũng không đón khách vãng lai trên đường nên cần bỏ quy định này”, Grab nêu ý kiến.