|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhiều địa phương đã xác định được sản phẩm chủ lực

17:37 | 22/10/2018
Chia sẻ
Một số địa phương đã xác định được những sản phẩm chủ lực, dần hình thành những vùng chuyên canh cây trồng có giá trị kinh tế cao theo mô hình cánh đồng lớn.

Sản xuất theo chuỗi giá trị

Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Chính phủ có báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết số 32/2016/QH14 về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp

Liên quan đến đổi mới cơ cấu sản xuất, gắn kết chặt chẽ với quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp cho thấy đến nay, báo cáo cho hay, các địa phương đã phát triển được khoảng 21.000 mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trên diện rộng; trong đó, hình thành và tiếp tục củng cố 1.028 chuỗi nông sản an toàn, tăng 284 chuỗi so với năm 2017.

Theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành Quyết định phê duyệt danh mục dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị đến năm 2020 gồm Tuyên Quang, Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Thừa Thiên Huế, Bình Thuận, Đắk Nông, Kon Tum, Bình Phước, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang.

Sản phẩm chủ lực của các địa phương

Một số địa phương đã xác định được những sản phẩm chủ lực, dần hình thành những vùng chuyên canh cây trồng có giá trị kinh tế cao theo mô hình cánh đồng lớn.

nhieu dia phuong da xac dinh duoc san pham chu luc

Điển hình như tỉnh Đồng Nai hiện có khoảng 11.000 ha xoài, hơn 3.800 ha bưởi da xanh; Bình Thuận có 22.000 ha chuyên thanh long; huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang có 15.300 ha vải thiều; Lâm Đồng có 17.070 ha chuyên canh rau và 3.520 ha trồng hoa; Đồng Tháp có 9.400 ha xoài; Sơn La có 7.828 ha nhãn; Hưng Yên có khoảng 4.000 ha nhãn; huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình có khoảng 2.800 ha trồng cây có múi, trong đó diện tích trồng cam hơn 1.650 ha...);

Mô hình cây vụ đông có giá trị cao đạt 300 - 400 triệu đồng/ha (Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Ninh Bình,...); phát triển các mô hình Nông thôn mới gắn với sản xuất nông nghiệp sạch theo quy trình chuẩn, hình thành chuỗi liên kết (Hà Nam, Hà Nội, Bắc Giang, Hòa Bình, Lâm Đồng, Vĩnh Long,...);

Mô hình nông thôn mới gắn với du lịch sinh thái (Quảng Ninh, Ninh Bình, Cần Thơ, Sơn La, Lào Cai, Lai Châu, Thừa Thiên Huế,...) mô hình liên kết trồng cây dược liệu (Nam Định, Hưng Yên, Thanh Hóa,...), mô hình làng hoa, làng nghề gắn với du lịch Homestay (Hà Giang, Thái Bình, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đồng Tháp, Cần Thơ...).

Ngành nông nghiệp phát triển chuỗi giá trị ở 3 cấp độ

Cũng theo báo cáo của Thủ tướng, chương trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp hiện nay, đang tập trung phát triển theo chuỗi giá trị ở 3 cấp độ (nhóm sản phẩm quy mô quốc gia, nhóm sản phẩm quy mô cấp tỉnh và những nhóm sản phẩm đặc sản mang tính chấp làng xã).

Trong đó, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018) tập trung phát triển những nhóm sản phẩm đặc sản mang tính chất “làng xã” cho khoảng 4.823 sản phẩm lợi thế thuộc 6 nhóm sản phẩm

Cụ thể, nhóm Thực phẩm có 2.584 sản phẩm; nhóm Đồ uống có 1.041 sản phẩm; nhóm Thảo dược có 231 sản phẩm; nhóm Vải và may mặc có 186 sản phẩm; nhóm Lưu niệm - nội thất - trang trí có 580 sản phẩm; nhóm Dịch vụ du lịch nông thôn có 201 sản phẩm với 413 làng bản Văn hóa gắn liền với du lịch…

Sau Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm hồi tháng 7, đến nay, đã có 10 địa phương phê duyệt Đề án và Kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện (Hà Giang, Bắc Kạn, Quảng Nam, Bắc Giang, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Hải Phòng, Lào Cai), các địa phương khác đang tập trung hoàn thiện để phấn đấu phê duyệt trong năm 2018.

Để tạo môi trường thuận lợi phát triển các Hợp tác xã, nhất là những Hợp tác xã nông nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 193/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã; đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 461/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020, làm cơ sở để các Bộ, ngành Trung ương và địa phương thực hiện.

Đến nay, cả nước có khoảng 39 liên hiệp HTX nông nghiệp và 12.596 HTX nông nghiệp (so với năm ngoái tăng 17 liên hiệp HTX và 908 HTX). Trong 6 tháng đầu năm nay đã thành lập mới 1.143 HTX nông nghiệp (tốc độ tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ).

Doanh thu bình quân khoảng 980 triệu đồng/HTX, lợi nhuận bình quân khoảng 200 triệu đồng/HTX, thu nhập bình quân của thành viên và người lao động là 1,5 triệu đồng/tháng; Số lượng HTX tham gia dịch vụ tiêu thụ nông sản cho xã cũng tăng lên từ dưới 10% trước đây lên 20,5%.

Một số doanh nghiệp Chợ đầu mối, Trung tâm tiêu thụ nông sản lớn đang dần phát triển hệ thống chuỗi liên kết cung ứng nông sản từ theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm (Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - SATRA, Công ty TNHH MTV PROTON, Liên hiệp HTX tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam - UCAmart...).

Mô hình “Hội quán” của tỉnh Đồng Tháp dù mới bước đầu hoạt động, nhưng mô hình đã phát huy được hiệu quả và có sức lan tỏa trong cộng đồng, báo cáo nhận định.

Đến tháng 9/2018, cả nước có 62,7% số xã đạt tiêu chí số 10 về Thu nhập; 59,3% số xã đạt chuẩn tiêu chí Hộ nghèo; 95% số xã đạt tiêu chí Lao động có việc làm; riêng tiêu chí số 13 về Tổ chức sản xuất có 72,2% số xã đạt.

Xem thêm

Phương Nam