|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhiều cổ phiếu ngân hàng hồi phục, VIB mất gần 20% sau 3 phiên

17:31 | 21/06/2022
Chia sẻ
Mã VIB gây chú ý với 3 phiên giảm trên 6,7% và suýt chạm giá sàn. Khác với tình trạng trắng bên mua trong hai phiên trước đó, hôm nay cổ phiếu này đã xuất hiện lực cầu mua vào với khối lượng giao dịch gần 3,5 triệu đơn vị.

Dư âm từ phiên lao dốc hôm qua khiến thị trường mở cửa phiên giao dịch sáng ngày 21/6 chìm trong sắc đỏ, VN-Index lùi sâu về ngưỡng 1.260 điểm. Sau đó, lực cầu bắt đáy giúp chỉ số chính vượt mốc tham chiếu nhưng tâm lý cầm chừng khiến VN-Index một lần nữa bị nhấn chìm và đóng cửa phiên giảm gần 8 điểm.

Nhóm cổ phiếu vua thể hiện khá tốt vai trò nâng đỡ thị trường và đóng góp 0,26 điểm phần trăm cho VN-Index. Sắc xanh đã xuất hiện nhiều hơn so với phiên giao dịch hôm qua, đáng kể nhất là cổ phiếu KLB với tỷ lệ 8,9%. Tính chung hai phiên gần nhất, mã này đã tăng gần 25% nhưng khối lượng giao dịch chỉ vỏn vẹn vài nghìn đơn vị.

Theo sau là hàng loạt bluechip ngành ngân hàng như BID (2,7%), TPB (2,4%), VCB (2,2%), CTG (2%) và STB (1,9%) và là các mã ảnh hưởng tích cực nhất đến chỉ số. Một số mã khác ghi nhận đà tăng không đáng kể còn có LPB, ACB, VPB và EIB.

Ngược lại, mã VIB gây chú ý với 3 phiên giảm trên 6,7% và suýt chạm giá sàn. Khác với tình trạng trắng bên mua trong hai phiên trước đó, hôm nay cổ phiếu này đã xuất hiện lực cầu mua vào với khối lượng giao dịch gần 3,5 triệu đơn vị.

Trước đà giảm sâu của cổ phiếu, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam đã thông báo bà giao dịch của Phạm Thị Kim Ngọc, vợ ông Trần Nhất Minh, Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối dịch vụ công nghệ ngân hàng VIB. Cụ thể, bà Ngọc đăng ký bán ra 355.000 cổ phiếu từ ngày 23/6/2022 đến 22/7/2022 theo phương thức khớp lệnh hoặc thoả thuận.

Giao dịch thoả thuận của ngành ngân hàng tăng đột biến lên hơn 13.200 tỷ đồng. Tính chung 3 phiên gần nhất, giá trị giao dịch qua kênh này đã lên tới gần 30.000 tỷ đồng. 

Khối ngoại tiếp tục xu hướng mua ròng cổ phiếu nhóm này với tổng quy mô gần 111 tỷ đồng. Dòng tiền tập trung vào các mã CTG (48 tỷ đồng), TPB (32 tỷ đồng), STB (20 tỷ đồng)... và chỉ bán ròng khối lượng không đáng kể cổ phiếu VCB.

 

Bảo Ngọc