|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhiều cơ hội cho nông, thủy sản, thực phẩm Việt tăng xuất khẩu sang Thượng Hải sau dịch

08:00 | 29/08/2020
Chia sẻ
Ngày 28/8, Bộ Công Thương phối hợp với Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam và Ủy ban Thương hiệu Tư nhân Thượng Hải tổ chức Phiên toàn thể trong khuôn khổ Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm tiêu dùng Việt Nam – Trung Quốc (Thượng Hải) 2020.

Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam có quan hệ thương mại chặt chẽ và trực tiếp với nhiều tỉnh, thành của Trung Quốc. Trong đó Thượng Hải (thành phố lớn nhất Trung Quốc về dân số với hơn 24 triệu dân) là đối tác thương mại hết sức quan trọng.

Tuy nhiên, thương mại giữa Việt Nam với thành phố Thượng Hải vẫn còn nhiều dư địa bỏ ngỏ, cần sự tích cực hơn nữa của các cơ quan và doanh nghiệp hai bên.

Khẳng định tiềm năng thị trường Trung Quốc đối với hàng nông sản, thủy sản, thực phẩm của Việt Nam, bà Lê Phương Lan, đại diện Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải nhấn mạnh, Trung Quốc hiện đang tăng cường nhập khẩu nông sản, thực phẩm trong bối cảnh hồi phục nhu cầu tiêu dùng lớn sau dịch. 

Đây là thời điểm tốt để các doanh nghiệp Việt Nam khai thác thị trường này. Thượng Hải, Chiết Giang, An Huy… được đánh giá là nhóm thị trường hứa hẹn tiềm năng lớn cho hàng hóa Việt Nam như thủy sản, gạo cùng nhiều nông sản, thực phẩm khác.

Nhiều cơ hội cho nông, thủy sản, thực phẩm Việt tăng xuất khẩu sang Thượng Hải sau dịch - Ảnh 1.

Trung Quốc vẫn có nhu cầu lớn với những mặt hàng Việt Nam có lợi thế xuất khẩu như nông sản, thủy sản, thực phẩm. Ảnh: Như Huỳnh.

Đồng quan điểm, ông Herry Luo, Phó Tổng thư kí Ủy ban Thương hiệu Tư nhân Thượng Hải (PLSC) cho biết, ủy ban này đã hỗ trợ các nhà bán buôn và bán lẻ Trung Quốc đưa hàng nước ngoài vào thị trường này để tiêu thụ, giao dịch. Đến nay, PLSC đã giúp đỡ cho hơn 500 doanh nghiệp Trung Quốc tiếp xúc, làm việc với các doanh nghiệp nước ngoài.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 chưa chấm dứt, trước mắt, PLSC sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình giao thương trực tuyến, sau đó, sẽ mời các doanh nghiệp Việt Nam giao lưu với nhà nhập khẩu Trung Quốc và đưa nhà nhập khẩu Trung Quốc sang thăm, giao lưu với các công ty, đơn vị sản xuất Việt Nam để hướng tới hợp tác trong tương lai.

Giới thiệu về tiềm năng hàng xuất khẩu của Việt Nam, bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư kí Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, đến nay, thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu đến 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó chủ yếu là thị trường Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Anh Quốc…

Đây là những thị trường đòi hỏi sự quản lí cao nhất về vệ sinh an toàn thực phẩm và khả năng truy xuất nguồn gốc.

Cũng theo vị đại diện này, Chính phủ Việt Nam đã triển khai hiệu quả, có hệ thống các chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm, dư lượng kháng sinh trong nuôi trồng và truy xuất nguồn gốc.

"Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp, các doanh nghiệp Việt Nam đã áp dụng công nghệ thông tin trong tiếp thị và bán hàng hóa để phù hợp với sự thay đổi hành vi tiêu dùng trên thế giới, chuyển dịch sang các kênh bán lẻ online, đáp ứng các đơn hàng nhỏ hơn phù hợp với nhu cầu tiêu dùng tại nhà của người tiêu dùng", Phó Tổng thư kí VASEP  chia sẻ.

Nhiều cơ hội cho nông, thủy sản, thực phẩm Việt tăng xuất khẩu sang Thượng Hải sau dịch - Ảnh 2.

Phiên hội nghị toàn thể trong khuôn khổ Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm tiêu dùng Việt Nam – Trung Quốc (Thượng Hải) 2020 diễn ra ngày 28/8. Aảnh: Bộ Công Thương.

Phía nhà nhập khẩu Trung Quốc cũng đánh giá cao các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời cho biết, Trung Quốc vẫn có nhu cầu lớn về những mặt hàng Việt Nam có lợi thế xuất khẩu.

Bà Chen Chen, Trưởng phòng Thu mua, Công ty TNHH Chuỗi cung ứng Thực phẩm Nhập khẩu Bailian Youan Thượng Hải cho biết, đơn vị này chuyên cung cấp sản phẩm thực phẩm cho các siêu thị ở Trung Quốc, đang có nhu cầu nhập khẩu cá basa, tôm sú đen, chuối, thanh long, bánh qui, hạt điều, hoa quả sấy khô, cà phê, đồ uống, các sản phẩm từ sữa... 

Đặc biệt, mặt hàng sữa Việt Nam đã đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) nên được người tiêu dùng Trung Quốc tin tưởng.

Còn theo ông Herry Luo, các quán cà phê và người dùng cà phê ở Trung Quốc ngày càng nhiều, Trung Quốc đang hình thành văn hóa uống cà phê. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp cà phê Việt Nam có thể thâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Quốc. 

Tuy nhiên, thương hiệu cà phê nước ngoài ở Trung Quốc hiện cũng nhiều nên doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý đến khẩu vị uống cà phê của người Trung Quốc và hợp tác với các nhà nhập khẩu để họ đưa sản phẩm vào siêu thị và chuỗi bán lẻ của nước này.

Còn với thủy sản, nhu cầu thủy hải sản ở Trung Quốc rất lớn. Người tiêu dùng Trung Quốc thích sử dụng những sản phẩm thủy sản của nước ngoài. Do đó, PLSC sẽ giới thiệu các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam có sản phẩm tốt gặp gỡ và làm việc với nhà nhập khẩu của Trung Quốc để hai bên trao đổi, tìm cơ hội hợp tác.

Để doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thành công sang Trung Quốc, ông Herry Luo lưu ý, doanh nghiệp nên tìm đại lý tại Trung Quốc để đưa sản phẩm vào thị trường này. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần tham dự các hội chợ, triển lãm, các đoàn giao dịch Xúc tiến thương mại tại Trung Quốc để thuận tiện trong việc tìm được đối tác mua sản phẩm. 

Đồng thời, ông đề nghị Cục Xúc tiến thương mại, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải, VASEP sẽ tiếp tục phối hợp với PLSC tổ chức nhiều hơn nữa những sự kiện giao thương trực tuyến trong thời gian tới để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp hai nước Việt Nam – Trung Quốc tăng cường tiếp xúc, giao thương.

Như Huỳnh