|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nông sản, thực phẩm Việt tiến sâu vào thị trường Sơn Đông, Trung Quốc

17:28 | 18/06/2020
Chia sẻ
21 doanh nghiệp nông sả‌n, thực phẩm, đồ uống của Việt Nam đã giới thiệu tới các nhà nhập khẩu Sơn Đông (Trung Quốc) nhiều sả‌n phẩm chất lượng, phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của Sơn Đông nói riêng và thị trường Trung Quốc nói chung.

Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Ủy ban Xúc tiến thương mại tỉnh Sơn Đông - CCPIT Sơn Đông (Trung Quốc) tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến nông sản, thực phẩm Việt Nam - Trung Quốc (Sơn Đông) 2020 trong hai ngày 16 - 17/6.

Hội nghị đã thu hút sự tham gia của trên 60 doanh nghiệp Việt Nam và tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm. 

Trong đó, phía Việt Nam có 21 doanh nghiệp nông sản, thực phẩm, đồ uống giới thiệu tới các nhà nhập khẩu Sơn Đông nhiều sản phẩm chất lượng, phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của các nhà máy sản xuất, người tiêu dùng Sơn Đông nói riêng và thị trường Trung Quốc nói chung.

Những sản phẩm được giới thiệu tại hội nghị gồm hàng nông sản (rau, củ, quả tươi, sấy khô, các loại hạt, gia vị…); các loại thực phẩm chế biến; bánh kẹo và đồ uống như cà phê, sữa, nước ép trái cây...

Nông sản, thực phẩm Việt tiến sâu vào thị trường Sơn Đông, Trung Quốc - Ảnh 1.

Nông sản như rau, củ, quả tươi, sấy khô, các loại hạt, gia vị...là những mặt hàng xuất khẩu thường xuyên của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: Như Huỳnh.

Đại diện phía các địa phương của Việt Nam, bà Trần Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên đã giới thiệu tới các nhà nhập khẩu Trung Quốc về quả nhãn lồng cùng nhiều hàng nông sản khác của tỉnh.

Bà Trần Thị Hồng Hạnh bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp Sơn Đông sẽ tới khảo sát đặc sản nhãn lồng và những mặt hàng nông sản nổi tiếng của tỉnh. Đồng thời cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Sơn Đông tới địa phương này tìm hiểu, làm việc và hợp tác kinh doanh.

Theo đó, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại nhấn mạnh, việc tăng cường giao thương giữa Việt Nam với tỉnh Sơn Đông nói riêng và mở rộng ra là thị trường các tỉnh miền Đông Trung Quốc không chỉ bằng phương thức truyền thống mà còn trực tuyến sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại hữu hảo cho doanh nghiệp hai bên.

Đồng thời góp phần củng cố quan hệ thương mại đã được xây dựng trên những nền tảng bền vững giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lưu Hiểu Giang, Phó Hội trưởng CCPIT Sơn Đông cho rằng Việt Nam có quan hệ thương mại chặt chẽ và trực tiếp với nhiều tỉnh, thành của Trung Quốc. Trong đó, tỉnh Sơn Đông là đối tác thương mại hết sức quan trọng nhờ dung lượng thị trường lớn với hơn 107 triệu dân, có nhiều đặc điểm văn hóa, kinh doanh tương đồng với Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng Tài, thương mại giữa Việt Nam với tỉnh Sơn Đông vẫn còn nhiều dư địa bỏ ngỏ, cần sự tích cực hơn nữa của các cơ quan và doanh nghiệp hai bên.

Sơn Đông là tỉnh có nền kinh tế phát triển, dân cư đông đúc. GDP của tỉnh này đứng thứ 3 ở Trung Quốc trong năm 2019 tạo ra nhu cầu tiêu dùng lớn.

Thời gian qua, Việt Nam đã liên tiếp 4 năm là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.

Tính riêng quí I/2020, ASEAN đã vượt Liên minh châu Âu (EU) trở thành đối tác thương mại số 1 của Trung Quốc. Đáng chú ý, Việt Nam đã phát huy vai trò chủ đạo trong thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc.

Do đó, để thúc đẩy hợp tác thương mại giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Sơn Đông nói riêng và doanh nghiệp Trung Quốc nói chung, ông Lê Hoàng Tài đề nghị CCPIT Sơn Đông sẽ giúp đề xuất tới các cơ quan chính quyền liên quan tại Trung Quốc đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động thông thương hàng hóa, đặc biệt là nông sản, thủy sản, thực phẩm Việt Nam sang thị trường này, tiến tới giảm dần thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc.

Ông Lê Hoàng Tài cũng đề nghị phía Trung Quốc đẩy nhanh tiến trình mở cửa thị trường cho một số mặt hàng nông sản Việt Nam như thạch đen, tổ yến, khoai lang, sầu riêng, chanh leo, bơ, bưởi, dừa, na, roi...; đưa sản phẩm nông sản Việt Nam xuất khẩu và giao dịch theo phương thức chính qui.

Ngoài ra, đại diện Cục Xúc tiến thương mại cũng đề nghị CCPIT Sơn Đông tăng cường phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại thực hiện đa dạng các hoạt động kết nối giao thương doanh nghiệp hai bên, khuyến khích doanh nghiệp hai bên giao lưu và đầu tư sang nhau.


Như Huỳnh