Nhiều áp lực lên chỉ số giá hai tháng cuối năm
Nhiều áp lực lên chỉ số giá tiêu dùng hai tháng cuối năm. Ảnh: Minh Tâm
Từ ngày 1/11, giá gas bán lẻ tăng giá lần thứ ba liên tiếp với mức tăng thêm 19.000 đồng/bình 12kg. Trong khi đó, giá xăng dầu bán lẻ trong nước cũng sẽ có đợt tăng giá thứ sáu liên tiếp nếu cơ quan điều hành giá không tiếp tục cho sử dụng quỹ bình ổn như đang làm.
Đây chỉ là hai trong số nhiều áp lực đã và đang tác động đến CPI trong những tháng cuối năm 2016.
Trước đó, trong tháng 10, giá gas bán lẻ trong nước tăng 15.000 đồng/bình 12kg. Mức tăng này, theo Tổng cục Thống kê là tăng 4,12% so với tháng 9 đã góp phần đẩy chỉ số giá của nhóm nhà ở, điện nước chất đốt tăng 0,31%.
Tương tự, các mặt hàng xăng dầu chỉ tính hai lần tăng giá ngày 5 và ngày 20-10 (xăng tăng tổng cộng 610 đồng/lít; dầu diesel tăng 770 đồng/lít và dầu hỏa tăng 660 đồng/lít), đã đẩy nhóm nhiên liệu tăng 4,14%. Xăng dầu tăng cũng khiến vé ô tô khách tăng 1,02% và cước taxi tăng 0,9%. Tính chung, nhóm giao thông tăng 2,02% so với tháng 9 và làm chỉ số giá chung của tháng tăng 0,17%.
Theo bảng quyền số của các nhóm hàng trong giai đoạn 2015-2020 của Tổng cục Thống kê, nhóm nhà ở điện nước chất đốt mà gas là một trong những mặt hàng quan trọng hiện chiếm quyền số 15,37% trong rổ hàng hóa tính CPI.
Còn quyền số của nhóm giao thông là 9,37%. Mức quyền số này cao hơn 8 nhóm hàng hóa khác trong rổ tính CPI và chỉ xếp sau nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (36,12%).
Điều đó cho thấy, khi giá của xăng, dầu, gas biến động, chỉ số giá chung sẽ bị tác động không nhỏ.
Nhóm thuốc và dịch vụ y tế chỉ chiếm quyền số 5,04% trong rổ tính CPI nhưng khi tăng 10,07% so với tháng 9 (do 15 địa phương tăng giá dịch vụ y tế theo lộ trình) đã đẩy chỉ số giá chung tăng 0,5% trong tháng 10.
Từ nay đến cuối năm, nguy cơ xăng, dầu và gas tăng giá rất hiện hữu. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp với các bộ, ngành liên quan về điều hành giá cũng nhận định, giá xăng dầu bán lẻ sẽ tăng, khi tháng 11 các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ giảm sản lượng khai thác. Điều đó cũng đồng nghĩa giá gas cũng sẽ tăng vì giá khí LPG tỷ lệ thuận với giá dầu thô.
Vấn đề là, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, mặt hàng xăng, dầu và gas phụ thuộc vào giá thế giới. Vì vậy, dù cơ quan điều hành có cho sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu thì chỉ giảm được phần nào mức tăng.
Ngoài lực đẩy của giá xăng, dầu và gas, trong hai tháng cuối năm, CPI còn chịu thêm nhiều áp lực khác.
Tình hình mưa bão còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nguồn cung về thực phẩm ở những nơi chịu ảnh hưởng, tác động đến chỉ số giá của nhóm có quyền số cao nhất là hàng ăn và dịch vụ ăn uống.
Đó là chưa kể nhu cầu mua sắm quần áo, đồ dùng gia đình có thể được gia tăng ở các tỉnh miền Bắc khi bước vào mùa đông.
Đặc biệt, theo chuyên gia Ngô Trí Long, đó còn là nguồn cung tiền tăng khi doanh nghiệp tăng cường sản xuất hàng hóa cuối năm, phục vụ tiêu dùng mùa Tết, cố gắng hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Trong khi đó, dư địa của chỉ số giá tiêu dùng so với mục tiêu tốc độ tăng chỉ số giá mức 5% (lấy theo chỉ số giá của tháng sau so với tháng trước, tính liên hoàn rồi so với tháng 12 năm trước, không lấy theo CPI bình quân so với cùng kỳ năm trước) mà Quốc hội thông qua hiện cũng không còn nhiều.
Tháng 10, CPI tăng 0,83% so với tháng 9, mức cao nhất từ đầu năm. So với tháng 12-2015, CPI tháng 10 đã tăng 4% còn so với cùng kỳ năm 2015, mức tăng là 4,09%.
Nếu tính chỉ số giá bình quân của 10 tháng năm 2016 thì mức tăng là 2,72% so với cùng kỳ.
Do vậy, theo chuyên gia Ngô Trí Long, dù giá điện không tăng trong hai tháng tới; giá dịch vụ y tế có thể sẽ được kéo giãn sang năm 2017 để tránh áp lực lên chỉ số giá… như chỉ đạo của Chính phủ thì chỉ số giá tiêu dùng nhiều khả năng sẽ vượt con số 5%, tác động xấu đến đời sống người dân.
"Trong trong bối cảnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP không đạt 6,3-6,5% như đề ra, đây là biểu hiện cho thấy kinh tế vĩ mô không tốt, đòi hỏi cần nhanh chóng thay đổi mô hình tăng trưởng. Đó là phải dựa vào nội lực thay vì ngoại lực là xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư nước ngoài như lâu nay. Quan trọng nữa là phải tăng được năng suất, hiệu quả lao động… ", chuyên gia Ngô Trí Long nêu ý kiến.