Nhật Bản, Trung Quốc tháo chạy khỏi trái phiếu Mỹ
Theo Bloomberg, các vị khách trên là một trong những nguồn nhu cầu trái phiếu chính phủ Mỹ đáng tin cậy nhất. Song thời gian gần đây, nhiều ngân hàng trung ương nước ngoài trở thành mối lo cho giới đầu tư trên thị trường trái phiếu quan trọng nhất thế giới.
Các nước nắm giữ trái phiếu Mỹ như Trung Quốc và Nhật Bản giảm lượng trái phiếu Kho bạc Mỹ trong ba quý liên tiếp, đợt giảm lớn nhất trong lịch sử. Mức giảm tăng tốc trong ba tháng qua.
Chuyên gia Jim Leaviss tại hãng M&G Investments ở London (Anh) cho hay đây là vấn đề cần quan tâm. Đợt giảm liên tiếp có thể dẫn đến thiệt hại nặng cho một thị trường mà một số người cho rằng đã quá đắt. Nghiêm trọng hơn thế, nó để lại hậu quả cho tình hình tài chính Mỹ. Khi Mỹ đối mặt với thâm hụt sẵn sàng phình to gánh nặng nợ công 10.000 tỉ USD trong thập niên tới, nhu cầu nước ngoài là quan trọng trong việc đặt trần chi phí đi vay, đặc biệt là khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tiếp tục tăng lãi suất lên cao hơn.
Áp lực bán đến từ các nhà băng trung ương là “điều bạn nên lưu ý”, Leaviss, người công tác ở doanh nghiệp quản lý 374 tỉ USD, cho biết. Ông nói thêm: “Điều này và cả Fed đều có nghĩa là chúng ta đang đến gần hơn với cái kết của môi trường lợi suất thấp”.
Chủ nợ nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong việc tài trợ nợ Mỹ, vì nền kinh tế số một thế giới vay mượn nhiều từ hậu khủng hoảng tài chính để vực dậy kinh tế nước nhà. Từ năm 2008, người nước ngoài tăng gấp đôi lượng đầu tư vào trái phiếu Kho bạc Mỹ, hiện sở hữu khoảng 6.250 tỉ USD. Các ngân hàng trung ương dẫn đầu trong xu hướng này. Trung Quốc từng đổ hàng trăm tỉ USD vào nợ Mỹ khi nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của họ bùng nổ.
Song giờ đây, mọi thứ đang đi ngược lại. Nhiều chủ nợ lớn nhất của Mỹ đang bán ra vì một loạt lý do, song tất cả đều gắn liền với sức khỏe kinh tế của từng nước. Ở Trung Quốc, Ngân hàng Trung ương bán nợ chính phủ Mỹ để cứu nhân dân tệ, khi tăng trưởng chậm khiến dòng vốn thoái tăng. Tại Nhật Bản, Ngân hàng Trung ương hoán đổi trái phiếu thành tiền mặt và tín phiếu vì lãi suất âm kéo dài thúc đẩy nhu cầu USD ở các ngân hàng nội địa.
Một số quốc gia sản xuất dầu mỏ khác như Ả Rập Xê Út thì thanh lý trái phiếu Mỹ để xoay sở thâm hụt ngân sách. Lượng trái phiếu mà quốc gia Trung Đông nắm giữ giảm sáu tháng liên tiếp xuống còn 96,5 tỉ USD, mức thấp nhất kể từ tháng 11.2014.
Theo Thu Thảo
Thanh niên