Nhật Bản trở thành 'thiên đường tiền ảo'
Sàn tiền ảo bị mất trộm 400 triệu USD | |
Bất động sản đầu tiên ở Nhật được thanh toán bằng bitcoin |
Các nhà chức trách tại Tokyo đang tiến gần đến việc bảo vệ người giao dịch tiền mã hóa và duy trì danh tiếng của Nhật Bản trong vai trò đổi mới. Nhưng một số ý kiến lo ngại rằng tình hình thắt chặt các quy định kinh doanh bitcoin có thể khiến quốc gia Đông Á gặp phải rủi ro về tài chính.
Chính phủ các nước trên thế giới, đặc biệt là ở châu Á, đang ra sức kiềm chế những đợt biến động giá khó lường từ giao dịch tiền kỹ thuật số có thể gây bất ổn đến hệ thống tài chính quốc gia. Gian lận, trốn thuế, rửa tiền và tài trợ khủng bố cũng là những mối quan tâm xoay quanh việc sử dụng loại tiền này.
So với các nước khác trên thế giới, Nhật Bản là quốc gia chấp nhận sớm nhất các giao dịch tiền kỹ thuật số khi công nhận bitcoin là phương thức thanh toán hợp lệ hồi năm ngoái. Hiện tại dường như Nhật Bản đã là nhà lãnh đạo thế giới trong kinh doanh bitcoin, với các giao dịch yen - bitcoin hiện chiếm 40% tổng giao dịch toàn cầu. Tỷ lệ này có thể sẽ còn tăng thêm nếu nhiều nhà đầu tư khai thác các quy định có phần lỏng lẻo của Nhật Bản, mặc dù Tokyo nhấn mạnh rằng họ chỉ muốn duy trì các biện pháp bảo vệ thích hợp cho nhà đầu tư và người dùng.
Nhật Bản là quốc gia chấp nhận sớm nhất các giao dịch tiền kỹ thuật số. Ảnh: REUTERS |
Ông Takahide Kiuchi, nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu Nomura, người từng là thành viên ban điều hành chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, nói rằng các biện pháp cấm giao dịch tiền số ở nước ngoài “đã khiến người đầu tư chuyển tiền sang Nhật Bản, nơi quy định không bị thắt chặt”. “Chênh lệch pháp lý” là cách mà những người trong ngành đặt tên cho trường hợp này. Nói nôm na nó giống như cách những người giàu có “gửi” tiền ở nước ngoài để trốn thuế.
Không giống như việc chuyển tiền quốc tế giữa các ngân hàng, vốn phải mất chi phí giao dịch cao và tốn một khoảng thời gian đáng kể, khi giao dịch tiền kỹ thuật số các mã token có thể dễ dàng được gửi ngay lập tức như gửi một email. Nếu các nhà đầu tư ở Hàn Quốc muốn trao đổi bitcoin với người quen của họ tại Nhật Bản, họ chỉ cần làm thao tác đơn giản là gửi mã token. Song, mặc dù điều này có khả năng thúc đẩy kinh doanh và đóng góp vào sự phát triển của các nền tảng kỹ thuật số cũng như của các doanh nghiệp liên quan khác tại Nhật Bản, nhưng không thể khẳng định rằng nước này có thể tránh khỏi những rủi ro mà các quốc gia láng giềng đang lo ngại.
Tuy nhiên, hiện tại Tokyo vẫn không muốn thắt chặt các quy tắc của mình. “Tôi không nghĩ rằng chúng tôi nên điều chính bất cứ điều gì”, ông Taro Aso, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản trả lời hôm 12.1 khi được hỏi về ý kiến phê bình cho rằng các quy định quản lý tiền tệ số của Nhật Bản là quá lỏng lẻo.
Trong khi đó, các quốc gia châu Á khác lại rất cứng rắn về quy định giao dịch tiền kỹ thuật số. Trung Quốc là nước đầu tiên hành động khi giữa tháng 9.2017 đã ra lệnh cấm trao đổi bitcoin và ICO, hoạt động doanh nghiệp gọi vốn thông qua phát hành tiền số lần đầu. Cuối tháng 10.2017, chính phủ Việt Nam tuyên bố bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số khác “không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp” trong nước. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng bitcoin cũng như các loại tiền số khác làm phương tiện thanh toán đều là hành vi bị cấm tại Việt Nam. Quy định này chính thức được thực hiện từ ngày 1.1.2018.
Tương tự, ngân hàng trung ương Indonesia vào ngày 7.12.2017 cho biết đã ban hành quy định cấm sử dụng các loại tiền kỹ thuật số trong nước, với lý do muốn ngăn chặn các tác động không mong muốn của loại tiền này đối với nền kinh tế. Hàn Quốc cũng đang xem xét đưa ra một số lệnh cấm giao dịch.
Ủy ban Chứng khoán Mỹ chỉ ra rằng họ không cho phép các quỹ giao dịch mua bán hợp đồng tương lai bitcoin. Nga đang theo dõi chặt chẽ hơn các quy định. Và các chính phủ khác cũng sẽ sớm thảo luận về một khung pháp lý trên toàn thế giới.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire và người đồng cấp Đức Peter Altmaier hồi tuần trước cho biết họ sẽ đệ trình một đề xuất chung để giao dịch bitcoin tại cuộc họp của nhóm G20 được tổ chức vào ngày 19 và 20.3 tới tại Argentina. Nhưng một lần nữa Nhật Bản có thể sẽ là tiếng nói bất đồng. Quốc gia này có khả năng sẽ giữ vững lập trường là không cần phải cấm trao đổi tiền kỹ thuật số vì họ đã áp dụng riêng các biện pháp bảo vệ.