|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhật Bản tăng mạnh dự trữ khí đốt khiến tình trạng dư dôi toàn cầu thêm trầm trọng

23:00 | 26/02/2024
Chia sẻ
Lượng khí đốt dự trữ của Nhật Bản đang cao vượt mức bình thường vào thời điểm này trong năm, như một phần của tình trạng dự trữ năng lượng cao trên toàn thế giới nhằm đối phó với giai đoạn giá tăng phi mã sau khi xung đột tại Ukraine bùng phát hồi năm 2022.

Theo dữ liệu chính thức được cấp cho Sáng kiến Dữ liệu Tổ chức chung (JODI), lượng lưu trữ khí đốt của Nhật Bản lên tới 7,6 tỷ m3 tính tới cuối năm 2023, chỉ thấp hơn một chút so với cuối năm 2022.

Con số trên cao hơn gần 1,7 tỷ m3 (tương đương 29%) so với mức trung bình theo mùa giai đoạn 10 năm từ 2012-2021.

Mùa đông ở Nhật Bản đang ôn hòa hơn bình thường một chút, với nhiệt độ cao hơn mức trung bình dài hạn trong 65/114 ngày kể từ đầu tháng 11/2023. Nhiệt độ đã vượt quá mức trung bình khoảng 0,8 độ C tính đến thời điểm hiện tại trong mùa Đông 2023-2024 tại Nhật Bản.

Tuy nhiên, mức tiêu thụ khí đốt đã giảm mạnh do nước này đã khởi động lại các tổ máy điện hạt nhân và triển khai thêm nhiều máy phát điện năng lượng Mặt Trời.

Cụ thể, sản lượng điện chạy bằng khí đốt thấp hơn 16% trong 11 tháng đầu của năm 2023 so với cùng kỳ năm 2020, từ mức 314 tỷ kWh giảm xuống 262 tỷ kWh. Cùng giai đoạn này, sản lượng điện hạt nhân tăng 30 tỷ kWh và điện Mặt Trời tăng 26 tỷ kWh.

Vì vậy, lượng nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nhật Bản đã giảm 18% xuống 87,9 tỷ m3 vào năm 2023 từ mức 107,3 tỷ m3 hồi năm 2020.

Hầu hết LNG được nhập khẩu theo hợp đồng dài hạn và gắn liền với giá dầu, nhưng giá LNG giao ngay đã giảm mạnh kể từ giữa năm 2022. Sự sụt giảm này phản ánh mức tồn kho trong nước cao, nhưng chủ yếu được thúc đẩy bởi tình hình dự trữ tăng mạnh ở Bắc Mỹ và châu Âu.

Nhìn chung, Nhật Bản đang được hưởng lợi từ tình trạng dư thừa dự trữ khí đốt trên toàn thế giới. Diễn biến này vốn tạo sức ép giảm giá để hạn chế sản xuất khí đốt ở Bắc Mỹ, đồng thời khuyến khích việc sử dụng khí đốt trong hoạt động công nghiệp và sản xuất điện trên khắp châu Âu và Đông Bắc Á.

H.Thủy (Theo Reuters)

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.