|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhật Bản là đối tác thương mại, đầu tư, du lịch lớn của Việt Nam

21:50 | 03/11/2018
Chia sẻ
Trong khuôn khổ sự kiện Lễ hội giao lưu văn hóa, thương mại Việt Nam-Nhật Bản lần thứ IV diễn ra tại Cần Thơ từ ngày 2 – 4/11, ngày 3/11 đã diễn ra Hội thảo Quốc tế “Giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản”.

Hội thảo xoay quanh các chủ đề chính: “Lịch sử, chính trị, ngoại giao”, “Văn hóa, giáo dụ, đào tạo” và “Hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch”.

nhat ban la doi tac thuong mai dau tu du lich lon cua viet nam

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN

Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ nhận định, Nhật Bản là đối tác thương mại, đầu tư, du lịch lớn của Việt Nam nói chung và Cần Thơ nói riêng. Trên thực tế, việc thu hút khách du lịch cũng như nhà đầu tư từ Nhật Bản đến Cần Thơ vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng, thế mạnh của cả hai phía.

Từ thực trạng đó, lãnh đạo thành phố Cần Thơ đã và đang chỉ đạo các sở, ngành…huy động mọi nguồn lực hoàn thiện thể chế, thông thoáng môi trường đầu tư nhằm thắt chặt quan hệ hữu nghị, cũng như đẩy mạnh hợp tác với Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực.

Trong đó chú trọng đầu tư cho ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm lúa gạo; xây dựng các mô hình du lịch nghỉ dưỡng phù hợp với nhu cầu và đặc điểm văn hóa của người Nhật.

Minh chứng cho nhận định của Phó Chủ tịc UBND thành phố Trương Quang Hoài Nam, GS. TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho biết, thời gian qua, thành phố Cần Thơ, cụ thể là Đại học Cần Thơ có rất nhiều dự án hợp tác với các cá nhân, doanh nghiệp Nhật Bản trong nghiên cứu đổi mới công nghệ, máy móc nông nghiệp.

Các mô hình như “Viện nghiên cứu nông nghiệp Yanmar”, “Trung tâm nghiên cứu đổi mới khoa học công nghệ tiên tiến Việt Nam - Nhật Bản”… đã và đang phát huy vai trò là động lực đổi mới công nghệ, gia tăng năng suất, giảm thiểu chi phí, sức lao động và thất thoát sau thu hoạch cho ngành nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

GS. TS. Tsunoda Manabu, Cố vấn trưởng dự án “Hợp tác kỹ thuật” và “Nâng cấp trường Đại học Cần Thơ” cho biết, đối với dự án “Nâng cấp Đại học Cần Thơ”, Nhật Bản hỗ trợ Đại học Cần Thơ phát triển ở 3 lĩnh vực: đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; trong 3 chuyên ngành: nông nghiệp, thủy sản, môi trường.

Đối với dự án “Hỗ trợ kỹ thuật”, Đại học Cần Thơ nhận được lợi ích từ 3 hợp phần: tăng cường tập huấn nghiên cứu với 19 lớp tập huấn do chuyên gia Nhật Bản đứng lớp; tăng cường năng lực đào tạo trong 3 ngành: nông nghiệp, môi trường, biến đổi khí hậu; tăng cường quản lý, quản trị đại học với 18 suất tập huấn về quản trị tại các trường đại học hàng đầu ở Nhật Bản.

TS. Phạm Thị Bạch Tuyết (Đại học Sài Gòn) đề cập đến cơ hội và thách thức đối với xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản sang thị trường Nhật Bản, trong bối cảnh Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) được ký kết.

Theo đó, việc thực thi hiệp định với mức thuế của các dòng hàng hóa giảm dần, cùng nhiều ưu đãi khác là cơ hội lớn cho hàng nông sản và thủy sản của Việt Nam thâm nhập vào thị trường Nhật Bản.

Tuy nhiên, Nhật Bản là một thị trường nổi tiếng khó tính với những quy định khắt khe tiêu chuẩn kỹ thuật, nguồn gốc xuất xứ, quy trình sản xuất… Đó là những khó khăn mà doanh nghiệp Việt phải luôn nỗ lực nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm để đứng vững và mở rộng trong thị trường này.

Trong lĩnh vực du lịch, Thạc sĩ Nguyễn Nguyên Phong (Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh) đề cập đến mô hình “Farmtrip” (hình thức du lịch tìm hiểu, làm quen, tiếp thị). Đây là một mô hình hiện đang rất được ưu chuộng, đặc biệt đối với khách du lịch Nhật Bản, là nhóm đối tượng thích các hình thức du lịch “hữu ích”, vừa thân thiện với tự nhiên, vừa vẫn có thể làm việc trong suốt chuyến du lịch.

Xem thêm

Ánh Tuyết