|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ngành nông nghiệp đang chịu ảnh hưởng của bao nhiêu Hiệp định FTA?

18:29 | 02/03/2017
Chia sẻ
Khi các Hiệp định FTA được ký kết, nông nghiệp được đánh giá là ngành chịu sự ảnh hưởng lớn, bao gồm nhiều thuận lợi lẫn khó khăn trong quá trình thực hiện.

Tại Hội nghị Quản trị chuỗi cung ứng lạnh - mát và chuỗi cung ứng trong nông nghiệp tại Việt Nam do Vietnam Supply Chain tổ chức, ông Dustin Daugherty đến từ công ty Dezan Shira & Associates đã đưa ra cái nhìn tổng quan về mạng lưới các hiệp định thương mại tự do (Free Trade Agreement - FTA) tác động đến ngành nông nghiệp.

nganh nong nghiep dang chiu anh huong cua bao nhieu hiep dinh fta
Ảnh minh họa

Bốn hiệp định FTA trọng điểm tác động tới ngành

Những vấn đề được bàn luận tập trung vào một số FTA trọng điểm như Hiệp định đối tác kinh tế giữa Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Australia/ New Zealand (AANZFTA)… Làm thế nào để những nhà đầu tư Việt Nam có thể tận dụng được những điều khoản có lợi cho sản phẩm nông nghiệp để phát triển thị trường ra nước ngoài?

Theo ông Dustin Daugherty, ngành nông nghiệp có đặc thù rất khó thương lượng trong các Hiệp định bởi bất cứ sự thay đổi nào ảnh hưởng tới chính sách nông nghiệp cũng có thể gây ra ảnh hưởng to lớn đến các vấn đề khác như việc làm, xóa đói giảm nghèo và phát triển vùng nông thôn. Chính vì vậy, các nước đều có xu hướng bảo hộ cho các sản phẩm nông nghiệp.

Hiệp định thương mại tự do lớn nhất thuộc về ACFTA với giá trị tăng trưởng vượt bậc từ 190 tỷ USD năm 2008 lên 345 tỷ USD năm 2016. Theo đó, từ năm 2010 đến năm 2015, Việt Nam sẽ cắt giảm thuế cho hơn 90% mặt hàng Trung Quốc xuống mức 0 - 5% mỗi năm.

Đối với AANZFTA, Việt Nam đã tham gia kí kết từ năm 2009, giá trị giao dịch giữa ASEAN, Australia và New Zealand đã đạt 60,3 tỷ USD trong năm 2015. Theo Hiệp định, hàng rào thuế quan sẽ dần được loại bỏ cho đến năm 2022, một số nông sản nhất định sẽ được giữ mức thuế 5% hoặc cao hơn.

Về VJEPA, đây là hiệp định thương mại tự do song phương đầu tiên được ký kết sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Giá trị giao dịch song phương tăng gấp ba lần từ 9,93 tỷ USD năm 2006 lên mức 28,49 tỷ USD năm 2015 (chiếm 8,7% tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam). Theo kế hoạch, mức thuế quan sẽ được giảm theo từng năm cho đến năm 2026. Xấp xỉ 92% lượng hàng hóa sẽ được miễn thuế ở thị trường các nước.

Ngoài ra, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã kết thúc quá trình đàm phán vào năm 2015, dự kiến có hiệu lực vào năm 2018. Đây là thị trường đứng thứ hai trong thị trường xuất khẩu của Việt Nam trong các mặt hàng như cà phê, hạt điều và tiêu. Giá trị giao dịch nông nghiệp giữa Việt Nam và EU đã đạt được hơn 2,7 tỷ Euro vào 2014, trong đó giá trị hàng hóa của Việt Nam chiếm 1,9 tỷ Euro. Sau khi có hiệu lực, EVFTA sẽ giúp 99% dòng thuế nhập khẩu giữa hai bên được xóa bỏ trong vòng 7 - 10 năm.

Những thành tựu đạt được, thách thức và cơ hội

Số liệu báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cho biết, kim ngạch xuất khẩu ngành nông lâm thủy sản có tổng giá trị xuất khẩu hai tháng đầu năm nay đạt 4,3 tỉ USD, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các sản phẩm trước đây chưa từng xuất khẩu như mặt hàng trái cây nhiệt đới đã được chấp nhận dựa vào nhu cầu thị trường của các nước tham gia. Xuất khẩu sang Nhật Bản cũng gia tăng trong những năm gần đây, đặc biệt là các mặt hàng hải sản, trái cây vùng nhiệt đới, rau củ, mật ong, cà phê và các sản phẩm gỗ.

Việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do đem lại những cơ hội cho Việt Nam như nâng cao tiêu chuẩn và năng lực cạnh tranh; phát triển trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm và ngành giải khát, bao gồm cả quá trình chế biến và nuôi trồng thủy hải sản; phát triển các ngành rượu bia, sữa, thịt, trái cây rau củ, chế biến nông sản, hưởng lợi về mặt thuế suất…

Tuy nhiên bên cạnh đó là những thách thức còn tồn tại: hàng rào thuế quan được dỡ bỏ có nghĩa doanh nghiệp trong nước sẽ gặp cạnh tranh gay gắt so với các mặt hàng nhập khẩu; các yêu cầu khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế; chuỗi cung ứng tại Việt Nam chưa được hoàn thiện, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài xâm nhập chiếm lĩnh thị trường; giá thuê lao động sẽ dần tăng và khả năng đáp ứng cũng sẽ là một vấn đề cần quan tâm.

Ông Dustin Daugherty nhận định, việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do không hẳn chỉ đem tới thuận lợi hay bất lợi các nhà sản xuất nông nghiệp Việt Nam. Điều quan trọng ở đây, Việt Nam phải nhận thức rõ ràng cả hai mặt của vấn đề để tận dụng và phát triển nền kinh tế hiệu quả nhất.

Minh Phương

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.