Nhật Bản cạn kiệt matcha, các nhà cung ứng trở tay không kịp
Matcha, loại trà xanh dạng bột nổi tiếng của Nhật Bản, đã trở thành hiện tượng toàn cầu. Nhiều quán cà phê cho biết matcha còn bán chạy hơn cả thức uống chủ lực của họ là cà phê.
Nhu cầu của thế giới dành cho matcha tăng đều đặn trong một thập kỷ qua. Song, dưới ảnh hưởng của của các trang mạng xã hội như TikTok và Instagram, sự quan tâm và yêu thích đối với loại thức uống này đã bất ngờ bùng nổ trong năm 2024.
Tại Australia, matcha đã trở thành đồ uống được ưa chuộng nhất tại nhiều quán cà phê trên khắp đất nước. Quán Naau Cafe ở Melbourne cho biết loại trà này chiếm tới 80% doanh thu cửa hàng. Chủ quán bánh và cà phê Pantry Story ở vùng ngoại ô Stanmore cho biết mỗi lần họ đưa một món matcha mới vào trong menu, ngay lập tức nó sẽ trở thành món ăn khách nhất.
Cô Taka Kaneko, chủ quán trà Edo Matcha ở Newtown, bình luận: “Tôi thực sự cảm thấy rằng matcha có thể trở nên phổ biến như cà phê”.
Chưa thỏa mãn với matcha được phục vụ bởi các quán đồ uống trong nước, nhiều nhà sáng tạo nội dung ở Mỹ và phương Tây còn lặn lội tới tận Nhật Bản để thưởng thức matcha “chính thống” và giới thiệu cho người theo dõi.
Đáng tiếc, tất cả sự chú ý này lại đang đặt ngành matcha vào tình trạng căng thẳng vì cung không đáp ứng đủ cầu. Và tình trạng khan hàng có nguy cơ kéo dài đến tận năm 2025.
Vì sao matcha khan hàng?
Trang Tokyoweekender cho biết các thương hiệu trà Nhật Bản đang không thể đáp ứng được nhu cầu khổng lồ của khách hàng đối với cả cửa hàng trên phố và trên mạng. Nhiều hãng đã phải ngừng bán mọi sản phẩm matcha.
Hai thương hiệu nổi tiếng có lịch sử hàng trăm năm là Ippodo và Marukyu Koyamaen chứng kiến hàng tồn kho giảm mạnh đến mức phải áp dụng hạn chế về số lượng sản phẩm mỗi khách được phép mua. Chính người tiêu dùng ở Nhật Bản còn bị hạn chế mua hàng, vậy nên các khách quốc tế sẽ còn phải chịu nhiều rắc rối hơn.
Lý do chính khiến Nhật Bản không thể nhanh chóng gia tăng nguồn cung matcha là quá trình sản xuất loại trà này tốn rất nhiều thời gian.
Những lá trà hạng nhất chỉ được thu hoạch một lần trong năm trong khung thời gian rất hạn chế là từ tháng 4 đến tháng 5. Lá trà hạng hai và hạng ba được thu hoạch lần lượt trong giai đoạn tháng 6 - tháng 7 và tháng 9 - tháng 10.
Lá trà hạng nhất thường được sử dụng trong nghi lễ trà đạo, còn hạng hai và hạng ba được dùng để làm thức uống phổ thông như latte hoặc làm bánh.
Ông Arthur Tong, đồng sáng lập nhà cung cấp trà Tea Craft ở Sydney, cho biết tình trạng thiếu hụt chủ yếu ảnh hưởng đến loại matcha do các quán cà phê sử dụng, tức cao cấp hơn matcha làm bánh nhưng kém hơn loại thượng hạng.
Phải đến mùa thu hoạch trà đầu tiên trong năm 2025 (bắt đầu từ tháng 4) thì nguồn cung matcha mới có thể cải thiện phần nào.
Nhưng đến lúc đó, “cơn khát” matcha có thể vẫn sẽ tiếp diễn. Kyoto Prefecture Tea Cooperative, một nhóm các nhà phân phối trà ở Kyoto, giải thích với truyền thông địa phương rằng ngay cả khi nông dân tăng diện tích canh tác thì cũng phải mất từ 3 đến 5 năm để thu hoạch lứa đầu tiên.
Giá đồ uống sắp tăng?
Khi cầu tăng và cung không bắt kịp, dĩ nhiên giá sản phẩm sẽ đi lên. Cô Megumi Kanaike, một quản lý cửa hàng trà, biết biết các nhà sản xuất matcha thượng hạng ở Kyoto gần đây đã tăng mạnh giá bán lên tới 40%. Đây cũng là đợt tăng giá đầu tiên trong nhiều năm qua. Cô lưu ý: “Có lẽ người tiêu dùng sẽ sớm thấy giá đồ uống ở các quán cà phê tăng lên”.
Tuy đã chấp nhận trả giá cao, cô Kanaike thậm chí vẫn thiếu hàng để bán. Cô nói với tờ The Sydney Morning Herald: “Một số nhà cung cấp thông báo với chúng tôi rằng họ đang ngừng sản xuất và tạm dừng mọi đơn đặt hàng cho tương lai”.
Các quán trà, cà phê và siêu thị ở Singapore chia sẻ với The Straits Times rằng họ cũng đang chịu tác động từ tình trạng thiếu hụt, ví dụ như đơn đặt hàng bị giao trễ từ hai tuần đến một tháng. Một số cửa hàng quyết định tăng giá sản phẩm từ 10% đến 15% kể từ giữa tháng 10.
Một số “tín đồ” matcha ở Singapore đang tìm cách mua hàng từ những người bán trên mạng, chấp nhận trả giá gấp vài lần so với thông thường.
Ang Wei Man, một nhà quản lý marketing, cho biết anh đã trả khoảng 40 đôla Singapore cho một lon bột matcha Marukyu Koyamaen Isuzu 40g trên Shopee. Sản phẩm đó trên trang web chính thức có giá 1.250 tương đương 11 đôla Singapore.