Nhập siêu có trở lại?
Có thể cân bằng hoặc thâm hụt nhẹ
Không còn là dự báo, đến nay sự chững dần lại của tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đã ngày càng rõ nét hơn. Kéo theo đó là khả năng nhập siêu quay trở lại trong các tháng cuối năm làm đảo chiều cán cân thương mại từ mức thặng dư trở lại thế cân bằng, thậm chí là thâm hụt cho cả năm 2018.
Nhập siêu từ Trung Quốc có thể tăng mạnh trở lạ |
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu quý I/2018 có thể sẽ là đỉnh cao của năm nay, với mức tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Kể từ quý I trở đi, tăng trưởng xuất khẩu đã ghi nhận mức giảm dần xuống 19% tính đến hết tháng 4, và xuống 16% tính đến hết quý II/2018. Số liệu mới nhất cho thấy tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 7 tháng tiếp tục giảm xuống còn 15,3% so với cùng kỳ năm 2017.
TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế đánh giá, diễn biến của xuất khẩu năm 2018 sẽ tương đồng với diễn biến của tăng trưởng kinh tế. Như vậy có nghĩa là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt đỉnh ở quý đầu năm rồi sau đó giảm dần.
Cùng với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu giảm, cán cân thương mại đang dần đảo chiều. Theo dõi chuỗi số liệu 7 tháng vừa qua có thể thấy mức xuất siêu 2,26 tỷ USD trong tháng 3 nhiều khả năng sẽ là đỉnh cao của năm nay và khó có thể lặp lại trong các tháng còn lại của năm. Cùng với đó, nhập siêu đã quay lại vào tháng 5 với mức 950 triệu USD, kết thúc chuỗi 4 tháng liên tục xuất siêu.
Cụ thể, sau khi thặng dư thương mại đạt đỉnh ở mức 3,89 tỷ USD vào cuối tháng 4, tính đến hết tháng 7, mức thặng dư đã giảm xuống chỉ còn 2,85 tỷ USD. Mặc dù trong suốt 7 tháng vừa qua, nhập siêu chỉ xảy ra vào tháng 5 với mức 960 triệu USD, và tháng 7 với mức 630 triệu USD, song đã có nhiều dự báo lo ngại tình trạng này sẽ lặp lại nhiều hơn trong các tháng còn lại của năm, khiến mức thặng dư thương mại giảm dần.
TS. Võ Trí Thành phân tích, nhập siêu trở lại trước hết là do Samsung đã dồn lực xuất khẩu vào quý I với dòng sản phẩm điện thoại thông minh mới. Từ quý II trở đi, sản lượng của tập đoàn này giảm đã kéo theo xuất khẩu giảm xuống. “Ở đây chúng ta thấy xuất khẩu có sự phụ thuộc rất lớn vào một tập đoàn là Samsung, vì cứ hơn 4 USD kim ngạch xuất khẩu thì có 1 USD là của Samsung”, ông Thành nhấn mạnh. Bên cạnh đó, một nhóm sản phẩm khác mà Chính phủ rất quan tâm là nông sản đang đối diện nhiều khó khăn hơn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Ông Thành cũng dự báo cán cân thương mại năm nay sẽ ở mức cân bằng hoặc thâm hụt nhẹ. Điều đó có nghĩa chuỗi 2 năm xuất siêu liên tiếp 2016-2017 có lẽ sẽ kết thúc.
Lo ngại hơn với tác động dài hạn
Tuy nhiên các chuyên gia trấn an, đó không hẳn là biểu hiện đáng lo ngại bởi cán cân thanh toán quốc tế tổng thể vẫn dương nhờ tác động từ dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, đến thời điểm này tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vẫn cao hơn mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra là tăng trưởng xuất khẩu cả năm 2018 ở mức 10-12%. Như vậy thì kể cả tốc độ tăng trưởng xuất khẩu giảm dần trong các tháng còn lại của năm 2018, song nhiều khả năng vẫn đạt được mục tiêu cuối cùng đã đặt ra.
Phân tích sâu hơn về bức tranh thương mại quốc tế thấy vẫn tồn tại những vấn đề cần quan tâm hơn trong dài hạn. Đó là lâu nay thương mại hàng hoá tuy có năm đạt thặng dư, song riêng thương mại dịch vụ vẫn liên tục thâm hụt lớn và chưa có cơ hội để đảo chiều. Ví dụ, tính chung cả năm 2017 thương mại hàng hoá đạt mức xuất siêu 2,7 tỷ USD, song thương mại dịch vụ lại nhập siêu tới 3,9 tỷ USD, tổng thể cán cân thương mại thâm hụt 1,2 tỷ USD. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, nhập siêu dịch vụ đang ở mức 1,3 tỷ USD. Vì vậy, “nếu cộng cả xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ thì trên tổng thể trước đây Việt Nam vẫn âm và năm nay chắc chắn cũng vẫn âm”, TS. Võ Trí Thành cảnh báo.
Hơn nữa xung đột thương mại, bất ổn địa chính trị đang nổi lên và có nguy cơ lan rộng đang đe dọa dòng thương mại quốc tế, trong đó có xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, bởi đây đều là những thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Cần lưu ý rằng trong vài năm trở lại đây thị trường Trung Quốc đã tăng nhập khẩu từ Việt Nam, nhờ đó kéo giảm nhập siêu từ thị trường này. Tuy nhiên với các diễn biến khó lường từ chiến tranh thương mại, xu hướng này có thể cũng sẽ bị đẩy lùi, khiến nhập siêu từ Trung Quốc tăng mạnh trở lại. Cùng với đó, nhập siêu hoàn toàn có khả năng trở lại mạnh mẽ hơn trong vài năm tới.
TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới của Trung tâm Thông tin và Dự báo xã hội quốc gia (NCIF) nhận định, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động mạnh tới kinh tế thế giới trong khoảng 3-5 năm tới. Riêng kinh tế Việt Nam ngấm sâu nhất tác động xấu từ chiến tranh thương mại trong giai đoạn 2021-2023.
Kéo theo đó, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ có giá rẻ dần đi do 2 yếu tố. Một là Trung Quốc phá giá đồng tiền, hai là nguồn cung của Trung Quốc lớn lên, làm cho giá nhập khẩu rẻ đi, từ đó thay đổi cơ cấu sản xuất trong nước. Ông Thắng nhấn mạnh, điều này sẽ tác động đến sản xuất, kéo theo tác động đến tăng trưởng lớn hơn rất nhiều. Bởi lẽ khi giá nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc rẻ đi, các DN FDI sẽ tăng nhập khẩu lên, mục tiêu tăng cường liên kết giữa trong nước và ngoài nước rất khó để đạt được. Như vậy, phát triển mạng lưới công nghiệp hỗ trợ khó khăn hơn, sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng dài hạn.
Xem thêm |