|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nhấp nhổm với trần chi phí lãi vay

14:38 | 29/10/2018
Chia sẻ
Nếu tất cả các khoản "cho vay lại” của công ty mẹ với các công ty con trong cùng một tập đoàn bị khống chế chi phí lãi vay sẽ không khuyến khích được các DN lớn gia tăng vay vốn bên ngoài, đồng thời cũng làm giảm khả năng điều tiết sức mạnh chung của một tập đoàn.
nhap nhom voi tran chi phi lai vay Quý I, lãi ròng Cao su Hòa Bình chỉ bằng 76% kế hoạch, chi phí lãi vay tăng gấp đôi cùng kỳ
nhap nhom voi tran chi phi lai vay Bộ Tài chính đề xuất thuế mới chặn doanh nghiệp 'vốn ít, nợ nhiều'

Kết thúc quý III/2018 nhiều tập đoàn lớn trong nước bắt đầu tỏ ra lo ngại về tình hình tài chính khi phải nộp thêm hàng trăm tỷ đồng tiền thuế nếu chấp hành đúng các quy định về chi phí hợp lý đối với các giao dịch liên kết - một trong những quy định vốn được ban hành để hạn chế và ngăn chặn tình trạng chuyển giá diễn ra phổ biến ở khối DN có vốn nước ngoài.

nhap nhom voi tran chi phi lai vay
Ảnh minh họa

Sốt ruột vì tăng thuế hàng trăm tỷ

Sự kiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) một lần nữa gửi kiến nghị đến Bộ Tài chính hy vọng được tháo gỡ những khó khăn mà tập đoàn này gặp phải khi tuân thủ đúng các quy định của Nghị định 20/2017/NĐ-CP (Nghị định 20) về quản lý thuế đối với các công ty có giao dịch liên kết với mục tiêu chống chuyển giá.

Giống như bản kiến nghị trước đó, EVN cho rằng việc khống chế lãi vay và chi phí lãi vay theo những quy định của Nghị định 20 sẽ khiến nhiều đơn vị của tập đoàn gặp khó khăn trong cân đối vốn. Bởi hiện nay, EVN thường xuyên ký các hợp đồng cam kết vay với các đơn vị thành viên. Bản chất của giao dịch liên kết này giữa EVN và các thành viên là “cho vay lại” và được Chính phủ cho phép thực hiện theo những quy định của Nghị định 10/2017/NĐ-CP về quy chế quản lý tài chính của Tập đoàn EVN.

Nay nếu phải thực hiện khống chế tổng chi phí lãi vay theo các quy định của Nghị định 20/2017 thì các tổng công ty phát điện trực thuộc sẽ phải nộp thêm các khoản thuế thu nhập DN rất lớn (từ 100 tỷ đồng đến vài trăm tỷ đồng) gây khó khăn trong việc cân đối vốn để thực hiện đầu tư các dự án điện theo quy hoạch của Chính phủ.

Không chỉ EVN, hàng loạt các tập đoàn, tổng công ty khác như: Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama), Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (Vinacomin)… cũng đều đang gặp những trở ngại tương tự khi thực hiện cách tính chi phí lãi vay mới theo Nghị định 20.

Đại diện Lilama cho rằng, hiện nay tất cả các đơn vị có quan hệ liên kết với tổng công ty này đều hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, cùng chịu một mức thuế thu nhập DN giống nhau nên hoàn toàn không có động cơ chuyển giá để né thuế.

Tất cả các chi phí lãi vay của đơn vị đều phát sinh từ việc vay vốn tại các TCTD trong nước. Vì thế đều có hồ sơ, chứng từ hợp lệ theo những quy định hiện hành của Luật thuế Thu nhập DN. Nay nếu buộc phải thực hiện quy định khống chế chi phí lãi vay “không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế” như quy định tại Điều 8 của Nghị định 20 thì các đơn vị trong tổng công ty sẽ gặp khó khăn trong việc huy động vốn và không tận dụng được ưu thế của các đơn vị thành viên. Từ đó tốn kém thêm chi phí giá vốn và làm giảm sức cạnh tranh của các tập đoàn kinh tế trong nước.

Cởi mở để tận dụng vốn vay ngoài

Theo nhận định của một số chuyên gia đầu tư - tài chính, ngay từ khi Nghị định 20 có hiệu lực vào giữa năm ngoái, hàng loạt các DN lớn đã phản ánh những bất cập trong việc khống chế chi phí lãi vay ở mức trần 20%. Bởi cụm từ “chi phí lãi vay” được hiểu trong văn bản pháp lý này chưa có sự rõ ràng và có thể được diễn giải theo nhiều cách khác nhau.

Cụ thể, nếu hiểu chi phí lãi vay là phần lãi đi vay thuần túy, không được cấn trừ với thu nhập cho vay thì các khoản vay trả chậm, trả góp và các khoản cấn trừ sẽ không thống nhất trong cách xử lý thu nhập tính thuế. Bên cạnh đó, Nghị định 20 cũng không quy định rõ ràng phạm vi ngưỡng 20% là chỉ áp dụng riêng với các khoản vay từ bên liên kết hay tất cả các khoản vay của DN. Nên khi áp dụng những cách hiểu khác nhau thì số thuế phải nộp của các DN cũng sẽ có sự chênh lệch lớn.

Chưa kể, đối với các khoản vay mà công ty mẹ vay về và cho công ty con vay lại thì chi phí lãi vay phát sinh tại cả công ty tính trên cùng một khoản vay và sẽ bị áp trần 2 lần. Phần chi phí lãi vay vượt trần sẽ bị tính thuế 2 lần tại 2 công ty. Tất cả những điều này gây ra tranh cãi và xử lý không thống nhất ở các cơ quan thuế tại các địa phương.

Phân tích trên thực tiễn thị trường, các chuyên gia tại Hội Kế toán – Kiểm toán Việt Nam (VAA) cho rằng, hiện nay Chính phủ đang khuyến khích phát triển khối kinh tế tư nhân và phong trào khởi nghiệp ở các địa phương đều đang phát triển mạnh và cần kêu gọi nhiều vốn đầu tư cả trong và ngoài nước.

Thực tế thời gian vừa qua, xu hướng vay vốn ngoại của các DN tư nhân lớn đã lan rộng và trở nên phổ biến. Đa số các tập đoàn tư nhân trong nước hình thành và phát triển mô hình tập đoàn công ty mẹ con. Trong đó, công ty mẹ là đầu mối huy động vốn vay từ các nguồn vốn trong nước và nước ngoài để cho vay lại các đơn vị thành viên. Khi vay vốn từ các đối tác nước ngoài, các quỹ tài chính quốc tế sẽ đánh giá tiềm lực tài chính của cả tập đoàn và thực hiện cho vay vốn đối với công ty mẹ thay vì cho vay trực tiếp vào công ty con.

Chính vì vậy, nếu tất cả các khoản “cho vay lại” của công ty mẹ với các công ty con trong cùng một tập đoàn bị khống chế chi phí lãi vay sẽ không khuyến khích được các DN lớn gia tăng vay vốn bên ngoài, đồng thời cũng làm giảm khả năng điều tiết sức mạnh chung của một tập đoàn.

Ở góc độ khởi nghiệp, đại diện một DN đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao tại TP.HCM cũng phân tích tương tự khi cho rằng, một DN đầu tư vào nông nghiệp công nghệ hiện nay phần lớn nguồn vốn đầu tư đều dựa trên những hợp đồng hợp tác chiến lược với các tập đoàn trong nước hoặc các nhà đầu tư nước ngoài. Nếu những ý tưởng khởi nghiệp “sống được” và trở thành thành viên của các tập đoàn lớn trong nước sau khi mua bán, sáp nhập thì có nhiều cơ hội để phát triển. Vì vậy, việc hạn chế trần chi phí lãi vay theo Nghị định 20 về mục đích là hướng đến ngăn chặn các gian lận chuyển giá và trốn thuế của các DN FDI nhưng lại đang cản trở khá lớn đến việc huy động nguồn vốn đầu tư của các DN lớn đến cộng đồng khởi nghiệp.

Xem thêm

Thạch Bình

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.