Nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc vẫn tăng dù nhu cầu thép yếu
Ngành thép và quặng sắt của Trung Quốc dường như đang trong tình trạng mất kết nối. Theo đó, sản lượng thép có xu hướng yếu hơn nhưng lượng nhập khẩu quặng sắt vẫn ổn định.
Theo số liệu do Cục Thống kê Quốc gia công bố hôm thứ Bảy tuần trước (14/9), sản lượng thép thô trong tháng 8 giảm 6,1% so với tháng 7, xuống còn 77,92 triệu tấn.
Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 12 và cũng giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung trong 8 tháng đầu năm, sản lượng giảm 3,3% xuống 691 triệu tấn.
Trung Quốc, quốc gia sản xuất hơn một nửa lượng thép của thế giới, đang phải vật lộn để thúc đẩy nhu cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản. Hiện đã có một loạt biện pháp kích thích lĩnh vực này nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả.
Dữ liệu gây thất vọng gần đây nhất là tăng trưởng tín dụng trong tháng 8 vẫn chưa đạt kỳ vọng, sau khi chạm mức thất nhất trong 15 năm vào tháng 7. Trong khi đó, giá nhà mới trong tháng 8 giảm 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái - mức giảm nhanh nhất trong hơn 9 năm.
Nhu cầu thép chậm chạp đã khiến nhiều nhà máy ghi nhận thua lỗ vì họ vẫn duy trì sản lượng ngay cả khi giá cả giảm.
Hợp đồng thép thanh tại Thượng Hải giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020 vào ngày 9/9, đóng cửa ở mức 3.032 nhân dân tệ (427,64 USD/tấn).
Giá đã phục hồi nhẹ và đóng cửa ở mức 3.196 nhân dân tệ/tấn vào thứ Sáu tuần trước (13/9). Tính chung từ đầu năm đến nay, giá thép giảm 26%.
Mặc dù ngành thép vẫn suy yếu, Trung Quốc vẫn duy trì nhập khẩu quặng sắt đều đặn. Hiện nước này mua khoảng 75% khối lượng quặng sắt vận chuyển bằng đường biển toàn cầu.
Trung Quốc đã chứng kiến lượng nhập khẩu là 101,39 triệu tấn vào tháng 8, giảm 1,4% so với mức 102,81 triệu tấn của tháng 7.
Nhập khẩu quặng sắt vẫn ổn định dù nhu cầu thép yếu
Lượng quặng sắt nhập khẩu hàng tháng của Trung Quốc giữ ở mức trên 100 triệu tấn trong 6 trên 8 tháng của năm nay và một trong những tháng giảm xuống dưới mức đó là tháng Hai, bởi chỉ có 29 ngày.
Trong 8 tháng đầu năm, lượng quặng sắt nhập khẩu là 814,95 triệu tấn, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Do sản lượng thép giảm nên lượng quặng sắt còn lại được lưu trong kho dự trữ.
Lượng hàng tồn kho tại các cảng được công ty tư vấn SteelHome giám sát đã tăng từ mức thấp nhất trong 7 năm là 104,9 triệu tấn vào cuối tháng 10 lên mức cao nhất trong 27 tháng là 151,8 triệu tấn vào tuần kết thúc vào ngày 26/7.
Tuy nhiên, kể từ đó, sản lượng đã giảm nhẹ, dừng ở mức 149,4 triệu tấn trong bảy ngày kết thúc vào ngày 13/9. Điều này ngụ ý rằng quá trình tích trữ hàng tồn kho đã hoàn tất, ít nhất là đối với các kho tại cảng.
Các nhà máy thép vẫn có thể tăng lượng hàng tồn kho, đặc biệt là khi kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng sắp tới bắt đầu vào ngày 1/10.
Bên cạnh đó, việc giá quặng sắt liên tục giảm trong thời gian qua càng thôi thúc các nhà máy thép tích trữ mặt hàng nguyên liệu này.
Trong phiên giao dịch hôm 17/9, giá quặng sắt trên sàn Singapore kết thúc ở mức 91,7 USD/tấn, chỉ cao hơn một chút so với mức đáy gần 2 năm là 91 USD/tấn thiết lập hôm 10/9. Tính từ đầu năm đến nay, giá quặng sắt giảm khoảng 36%.
Câu hỏi đặt ra là ngay cả khi giá quặng sắt vẫn thấp, các nhà máy sẽ còn kéo dài việc nhập khẩu mặt hàng nguyên liệu này trong bao lâu trong bối cảnh nhu cầu thép vẫn yếu?
Các nhà phân tích hàng hoá của Kpler ước tính lượng nhập khẩu quặng sắt trong tháng 9 vẫn trên 100 triệu tấn, ở mức khoảng 105 triệu tấn.
Nhưng với lượng hàng tồn kho rõ ràng ở mức cao và sản lượng thép vẫn trì trệ, nguy cơ là việc nhập khẩu quặng sắt sẽ bắt đầu giảm bớt trong thời gian tới.