Nhân viên kinh doanh trở thành đối thủ: Nỗi lo của chủ doanh nghiệp
Hiểm họa khi chủ doanh nghiệp là kẻ thông minh nhất trong công ty |
Khi nhân viên kinh doanh nuôi chí lớn
Vũ Thái Song vốn là một cử nhân kế toán, nhưng sau khi tốt nghiệp đại học, anh không tìm công việc đúng chuyên môn mà đầu quân vào một công ty thiết bị y tế ở Hà Nội để làm nhân viên kinh doanh. Công việc hàng ngày của Song là thu thập thông tin, xây dựng mối quan hệ với các bệnh viện, cơ sở y tế, thẩm mỹ viện rồi thuyết phục họ mua thiết bị y tế.
Nhờ chịu khó, sáng tạo và giao tiếp khéo, sau 4 năm, Song trở thành trường phỏng kinh doanh. Anh có mối quan hệ khá mật thiết với vài chục khách hàng lớn, có kiến thức sâu về nhiều loại máy móc y tế hiện đại, đồng thời nắm rõ mọi thủ thuật trong nghề. Một hôm, một người bạn cùng nghề rủ anh góp vốn để lập công ty riêng về thiết bị y tế, anh đồng ý.
Rất nhiều bạn trẻ gia nhập các doanh nghiệp với tinh thần lăn xả để học hỏi kinh nghiệm, tích lũy quan hệ trong thời gian ngắn nhất rồi khởi nghệp. Ảnh: hardwareretailing.com |
Khi Song thôi việc, công ty thuê anh không chỉ mất một trưởng phòng kinh doanh giỏi, mà còn mất vài chục khách hàng lớn và gần chục nhân viên kinh doanh vì Song kéo họ sang công ty của anh. Chàng cử nhân kế toán bán thiết bị cho khách hàng cũ với giá thấp hơn so với công ty, đồng thời trả hoa hồng hậu hĩnh hơn cho nhân viên kinh doanh mà anh kéo sang. Vì thế, công ty của Song phát triển thuận lợi ngay từ đầu, trong khi công ty cũ của anh lao đao trong hơn một năm.
Câu chuyện của Song là trường hợp khá phổ biến trong giới kinh doanh, đặc biệt là ở những doanh nghiệp không sản xuất, mà chỉ làm thương mại. Trong nhiều nhóm khởi nghiệp trên Facebook, các doanh nhân và người làm thuê thường xuyên đề cập tới một vấn đề: Người làm thuê xin làm nhân viên kinh doanh cho các doanh nghiệp để học hỏi kinh nghiệm, tích lũy quan hệ và chờ thời để làm riêng.
Chu Vĩnh Tâm là nhân viên kinh doanh 23 tuổi của một công ty vệ sinh công nghiệp ở TP Hồ Chí Minh. Công việc hàng ngày của Tâm là tìm những doanh nghiệp có nhu cầu vệ sinh công nghiệp rồi thuyết phục họ ký hợp đồng với công ty. Mức lương không cao, công việc khá vất vả nhưng Tâm luôn cảm thấy hào hứng.
"Ngay từ khi tìm việc, tôi đã xác định làm nhân viên kinh doanh để học hỏi kinh nghiệm và kỹ năng. Với mức lương hiện tại cộng hoa hồng kinh doanh, tôi chi tiêu không thoải mái, nhưng lại tích lũy kinh nghiệm và quan hệ rất nhanh. Mục tiêu của tôi là thành lập công ty riêng sau 3 năm nữa vì ngành vệ sinh công nghiệp rất tiềm năng và mô hình kinh doanh đó cũng dễ bắt chước", Tâm tiết lộ.
Nỗi lo của chủ doanh nghiệp
"Đó là vấn đề nhức đầu của nhiều chủ doanh nghiệp", Nguyễn Thị Lệ bình luận như vậy về tình trạng nhân viên, đối tác lấy quan hệ với khách hàng của công ty để lập doanh nghiệp riêng. Chị Lệ là giám đốc, công ty TNHH Đầu tư Phát triển Giáo dục & Thương mại Dịch vụ y tế Hạnh Phúc, hợp tác với Bệnh viện Mắt Việt Nhật cùng thực hiện dự án "Mắt sáng Việt Nam".
Lệ kể rằng mới đây, một đại lý của chị tách ra để làm riêng, rồi lôi kéo người của chị làm cùng bằng những chính sách hấp dẫn.
"Bạn ấy vẫn liên hệ với tôi để nhờ tôi giúp đỡ khi gặp khó khăn. Điều lạ lùng là bạn ấy muốn tôi giúp đỡ không công", chị Lệ thổ lộ.
Giám đốc Nguyễn Thị Lệ với máy đo sàng lọc tật khúc xạ mắt. Ảnh: Kim Cương |
Nữ giám đốc trả lời rằng đại lý không nên xâm phạm địa bàn và nhân sự của chị, và chị cũng không giúp đỡ.
"Nếu bạn ấy vẫn tiếp tục tìm cách tác động tới hoạt động kinh doanh và nhân viên của tôi, đương nhiên tôi sẽ phải có biện pháp để tự vệ", chị nhận định.
Đối với nhân viên bị lôi kéo, Lệ trao đổi thẳng thắn để xem người đó muốn tiếp tục làm việc với chị hay hợp tác với đại lý cũ.
"Trong trường hợp nhân viên ấy muốn rời khỏi công ty, tôi sẽ phải yêu cầu bạn đó bàn giao lại khách hàng", chị nói.
Quy tắc ứng xử khi làm việc và thôi việc là nội dung mà chị Lệ sẽ đưa vào chương trình giáo dục đạo đức cho nhân viên của chị trong thời gian tới.
"Bản thân tôi không phản đối việc nhân viên thành lập công ty để tự kinh doanh. Song tôi không đồng tình nếu họ xâm phạm quyền lợi của công ty cũ, hoặc lợi dụng các nguồn lực của công ty cũ để trục lợi cá nhân", Lệ nói.
Dương Xuân Lộc là chủ một doanh nghiệp cung cấp vật dụng buồng tắm (như xà phòng, khăn tắm, bàn chải đánh răng, dầu gội) cho khách sạn, nhà nghỉ ở TP Biên Hòa, Đồng Nai. Công việc kinh doanh thuận lợi nên anh khá hào phóng với đội nhân viên bán hàng. Ngoài mức lương cao và hoa hồng "sâu", anh còn hay tổ chức các chuyến du lịch cho nhân viên. Mặc dù vậy, nỗi lo nhân viên kinh doanh lấy thông tin khách hàng rồi thôi việc luôn ám ảnh Lộc.
"Mô hình kinh doanh của tôi là thứ dễ sao chép. Vũ khí lợi hại nhất của tôi là nhân viên bán hàng và dữ liệu khách hàng. Nếu một nhân viên bán hàng thôi việc rồi chuyển sang công ty đối thủ hoặc tự kinh doanh, tôi sẽ mất cả hai vũ khí lợi hại", Lộc giải thích.
Bùi Quốc Việt, giám đốc công ty Semitech ở TP Hồ Chí Minh, nhận định rằng, chuyện một nhân viên thôi việc rồi lôi kéo thành công nhiều người khác rời bỏ công ty cho thấy văn hóa doanh nghiệp hoặc chế độ đãi ngộ có vấn đề.
"Nhân viên sẽ không bao giờ bỏ việc hàng loạt để theo một người khác nếu văn hóa doanh nghiệp lành mạnh và chế độ đãi ngộ của công ty hợp lý", Việt bình luận.
Chủ doanh nghiệp nên tự chăm sóc khách hàng quan trọng
Nguyễn Thanh Tú - chuyên gia tư vấn, đào tạo chủ doanh nghiệp và giữ chức giám đốc công ty SAGI - cho rằng để ngăn ngừa tình trạng tổn thất về khách hàng và nhân sự khi nhân viên kinh doanh rời công ty, chủ doanh nghiệp phải có những giải pháp bài bản ngay từ đầu. Chẳng hạn, chủ doanh nghiệp phải trực tiếp chăm sóc những khách hàng lớn và quan trọng.
Chuyên gia tư vấn Nguyễn Thanh Tú, người sáng lập công ty SAGI. Ảnh: Nguyễn Thanh Tú |
"Chủ doanh nghiệp nên chia nhân sự theo từng khâu trong quy trình công việc, đồng thời gắn lợi ích của nhân sự chủ chốt vào kết quả kinh doanh. Một giải pháp khác là chỉ giao cho nhân viên kinh doanh phát triển thị trường, còn chủ doanh nghiệp và những người thân cận trực tiếp chăm sóc khách hàng", Tú nói.
Tú nhấn mạnh rằng chủ doanh nghiệp nên có những bí quyết riêng mà nhân viên kinh doanh không thể bắt chước.
"Ví dụ, khi tôi sản xuất nam dược, tôi có cách để nhận giấy phép nhanh và tuyển đại lý chất lượng. Nhân viên kinh doanh của tôi không bao giờ nắm được bí quyết ấy. Vì thế, nếu họ lấy dữ liệu khách hàng rồi tách ra để làm riêng, họ cũng chẳng có lợi thế cạnh tranh", Tú bình luận.
Hoàng Quốc Phú, người sáng lập công ty phần mềm Culalab, thừa nhận rằng ngăn chặn nhân viên kinh doanh tiếp cận khách hàng là việc rất khó đối với chủ doanh nghiệp, bởi đó là nghiệp vụ hàng ngày của họ. Giải pháp của anh là cùng nhân viên kinh doanh chăm sóc khách hàng rồi xây dựng mối quan hệ cá nhân với họ, đồng thời trả thù lao, hoa hồng xứng đáng cho công sức của nhân viên.
"Phương châm của tôi là doanh nghiệp phải đối xử với nhân viên kinh doanh như những đối tác bình đẳng, để họ không có cảm giác làm thuê cho sếp. Chủ doanh nghiệp phải làm thế nào để nhân viên hiểu rằng, nếu họ tách ra làm riêng, họ chỉ kiếm được mức thu nhập tương đương, trong khi phải lo rất nhiều việc và phải đối mặt nguy cơ thất bại. Còn nếu họ cứ ở lại công ty, họ sẽ chỉ việc lo bán hàng và hưởng mức thu nhập xứng đáng với nỗ lực", Phú nói.
Xem thêm |