Nhân viên bán hàng cho đối thủ: Nỗi đau của chủ doanh nghiệp
Nhân viên bán hàng cho đối thủ không phải hiện tượng hiếm trong kinh doanh. Phùng Xuân Hòa, chủ một cơ sở sản xuất đồ thờ ở huyện Hoài Đức, Hà Nội, từng phát hiện 2 nhân viên của anh thuyết phục khách mua hàng của đối thủ.
"Ban đầu họ mời khách mua đồ thờ của tôi. Nhưng sau khi khách từ chối, họ cho khách xem mẫu mã của một công ty khác", anh kể.
Đó là môi trường kinh doanh truyền thống. Trong môi trường thương mại điện tử, hiện tượng nhân viên bán hàng cho đối thủ cũng không hiếm. Mạc Thanh Thúy, chủ một cơ sở sản xuất sản phẩm làm đẹp có nguồn gốc thiên nhiên ở TP Hồ Chí Minh, kể rằng cô từng phát hiện một nhân viên bán cả hàng của cô lẫn hàng của đối thủ.
"Bạn đó nói bạn ý tranh thủ làm thêm lúc rảnh và bán tất cả những hàng mà bạn ấy cảm thấy phù hợp, miễn là có tiền", Thúy nói.
Nguyễn Thị Lệ, giám đốc, công ty TNHH Đầu tư Phát triển Giáo dục & Thương Mại Dịch vụ Y tế Hạnh Phúc, cho rằng chủ doanh nghiệp phải xem xét sản phẩm, đạo đức của nhân viên nếu họ bán hàng cho đối thủ. Ảnh: Nguyễn Thị Lệ |
Dương Hoài An, nhân viên hành chính của một công ty kinh doanh đa ngành. Công ty này có một trang web dạy tiếng Anh trực tuyến. Khách hàng mua thẻ với mức phí khá thấp (chỉ vài trăm nghìn đồng mỗi năm) để học tiếng Anh trên mạng. Nhưng An lại làm cộng tác viên bán khóa học Anh ngữ trực tuyến cho một công ty khác.
"Dịch vụ của công ty tôi chưa hoàn thiện, còn nhiều bất cập. Tôi từng giới thiệu dịch vụ cho một cô bạn đồng hương. Nhưng sau 2 buổi học, cô ấy phàn nàn là dịch vụ còn đơn giản, nội dung chưa phong phú khiến cô ấy cảm thấy nhàm chán. Sau đó tôi xin mật khẩu và user name của cô ấy để vài người khác dùng thử. Họ cũng có nhận xét như vậy. Thế nên tôi bán khóa học của công ty khác để kiếm thêm. Khi nào dịch vụ của công ty tôi hoàn thiện, tôi sẽ giới thiệu cho khách", cô nói.
Trần Văn Duy, người đồng sáng lập công ty Đầu tư và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao DTF, nói rằng khi biết nhân viên bán hàng của đối thủ, chủ doanh nghiệp nên nhìn lại cả sản phẩm lẫn công ty.
"Nếu sản phẩm hay phẩm chất của doanh nghiệp chưa tốt, chủ doanh nghiệp cần phải cảm ơn nhân viên đó. Còn nếu phẩm chất đạo đức của nhân viên đó chưa tốt thì chắc chắn người chủ phải cân nhắc có nên cho họ thêm cơ hội không? Tôi nghĩ ai cũng có thể mắc sai lầm. Và có nhiều người sau khi mắc sai lầm sẽ trở nên tốt hơn rất nhiều", anh Duy nói.
Đỗ Quang Minh, người sáng lập công ty FIS Global, nói rằng nếu phát hiện nhân viên bán hàng cho đối thủ, chủ doanh nghiệp phải xem xét lại cả nhân viên lẫn bản thân.
"Nếu lỗi thuộc về nhân viên, chủ doanh nghiệp nên cho người đó thôi việc. Còn trong trường hợp lỗi thuộc về công ty, chủ doanh nghiệp cũng nên để nhân viên đó ra đi, bởi họ chẳng muốn cống hiến cho công ty nữa", Minh bình luận.
Anh Trần Văn Duy (bên phải), công ty Đầu tư và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao DTF. Ảnh: Trần Văn Duy |
Chị Nguyễn Thị Lệ, giám đốc, công ty TNHH Đầu tư Phát triển Giáo dục & Thương Mại Dịch vụ Y tế Hạnh Phúc, cho rằng chủ doanh nghiệp phải xem xét 3 khía cạnh nếu nhân viên bán hàng cho đối thủ.
"Nếu nhân viên nghĩ rằng sản phẩm của đối thủ cạnh tranh tốt hơn - tôi sẽ ngồi lại trao đổi thẳng thắn với nhân viên về quy luật giá trị: Họ được, mất gì khi bán hàng cho cty; họ được gì mất gì khi bán hàng cho đối thủ cạnh tranh. Cho họ quyền lựa chọn ở lại công ty hay sang làm cho đối thủ cạnh tranh. Để tồn tại được mỗi cty, mỗi sản phẩm nhất định phải có lợi thế riêng gì đó. Có thể họ còn chưa hiểu rõ điều đó", chị Lệ nói.
Trong trường hợp nguyên nhân không xuất phát từ sản phẩm, chị Lệ sẽ xem xét tư cách đạo đức của nhân viên và mục đích làm việc của họ.
"Vì sao họ không trung thành với công ty? Nếu xét thấy tư cách đạo đức không phù hợp với văn hoá công ty mà tôi muốn tạo dựng, tôi sẽ sa thải nhân viên đó", chị khẳng định.
Nếu sản phẩm tốt và tư cách đạo đức của nhân viên tốt, chị Lệ sẽ xem xét lại giá trị của nhân viên đó với công ty, tìm những điểm bất cập trong chế độ ưu đãi của công ty với nhân viên.
"Tôi sẽ trao đổi tìm hiểu lại mục tiêu, đích đến của nhân viên xem họ còn phù hợp với cty ko? Nếu đó là nhân viên có giá trị; có mục tiêu và đích đến phù hợp với công ty, tôi sẽ ngồi lại và trao đổi thẳng thắn với họ về các vấn đề của họ và đưa ra quyết định phù hợp", chị nói.
Ông Nguyễn Trần Phương, người sáng lập công ty Doanh nghiệp Tinh gọn. Ảnh: Nguyễn Trần Phương |
Nguyễn Trần Phương, người sáng lập kiêm giám đốc công ty Doanh nghiệp Tinh gọn, nói rằng nếu sản phẩm của công ty kém sản phẩm của doanh nghiệp khác, chủ doanh nghiệp không nên trách nhân viên khi họ bán hàng cho đối thủ.
"Ngoài ra, chủ doanh nghiệp phải xem lại văn hóa công ty. Nếu văn hóa công ty lành mạnh, mọi người cư xử nhân văn, thẳng thắn với nhau, chắc chắn hiện tượng nhân viên bán hàng cho đối thủ không xảy ra. Còn nếu doanh nhân không thể tạo ra văn hóa doanh nghiệp văn minh, chỉ coi nhân viên là người làm thuê, đương nhiên nhân viên sẽ không cảm thấy gắn bó nên họ có thể bán hàng của doanh nghiệp khác nếu sản phẩm của công ty không tốt", anh Phương bình luận.
Song anh Phương còn đề xuất một giải pháp thú vị khác: Thay vì sa thải nhân viên, chủ doanh nghiệp hãy tìm cách biến đối thủ thành đối tác.
"Mỗi sản phẩm sẽ phù hợp với thị hiếu của một đối tượng khách hàng. Chẳng hạn, một bộ phận khách hàng chỉ chuộng điện thoại iPhone, trong khi một bộ phận khác luôn tin tưởng điện thoại Samsung. Dù người bán hàng cố gắng đến mấy, họ cũng khó thuyết phục những người quen sử dụng iPhone mua điện thoại Samsung. Vì thế, chủ cửa hàng bán điện thoại Samsung có thể kết hợp với đối thủ bán iPhone để tiếp thị liên kết. Mỗi khi gặp khách có nhu cầu mua iPhone, nhân viên cửa hàng Samsung có thể giới thiệu họ sang cửa hàng iPhone để hưởng chút hoa hồng. Như vậy, cả hai bên sẽ đều hưởng lợi", anh Phương giải thích.