|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nhân vật Raymundo trong vụ VN Pharma là ai?

10:15 | 22/10/2017
Chia sẻ
Thương gia Raymundo và sự tồn tại của Công ty Helix được cho là căn cứ để định tội các bị cáo trong vụ VN Pharma nhưng chưa được làm rõ.

Trong hai ngày diễn ra phiên xử phúc thẩm Nguyễn Minh Hùng (cựu Chủ tịch VNPharma) và đồng phạm về tội Buôn lậuLàm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức, TAND Cấp cao tại TP HCM và luật sư nhiều lần hỏi các bị cáo về nhân vật Raymundo - cung cấp nguồn thuốc cho VN Pharma.

Theo điều tra, sau khi được Hùng đặt mua thuốc H-Capita 500mg, Võ Mạnh Cường (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hàng hải quốc tế H&C) liên hệ với Raymundo - đối tác ở Philippines đặt hàng.

Cường khai được Raymundo cung cấp các giấy chứng nhận bán hàng tự do tại Canada của thuốc H-Capita và giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc của Bộ Y tế Canada, được hợp pháp hóa lãnh sự quán Việt Nam tại đây.

Cường cũng được người này giao con dấu và ủy quyền đảm nhiệm việc hoạt động của Công ty Helix Pharmaceuticals Inc Canada tại Việt Nam trong vòng 5 năm (6/2012-6/2017).

Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định Raymundo không rõ lai lịch; con dấu, giấy chứng nhận Cường cung cấp đều được làm giả. Đồng thời, Công ty Helix Canada cũng là công ty "ma" không có địa chỉ hoạt động tại Canada.

nhan vat raymundo trong vu vn pharma la ai

Luật sư cung cấp thêm nhiều chứng cứ mới tại tòa. Ảnh: Thành Nguyễn.

Quá trình thẩm vấn tại tòa, Cường khẳng định rất tin tưởng đối tác, hoàn toàn không biết những tài liệu, con dấu Raymundo cung cấp là giả.

Trả lời HĐXX lý do làm việc và tin tưởng một "đối tác mơ hồ" như vậy, Giám đốc Công ty H&C cho rằng, trước khi làm việc đã nhiều lần sang Philippine gặp gỡ, xác minh và được Raymundo cung cấp các hình ảnh về nhà máy sản xuất thuốc…

"Ông Raymundo có ở Canada hay không bị cáo không biết. Chỉ biết ông là người có hai quốc tịch Canada và Philippines. Khi ông ấy sang Việt Nam, bị cáo là người trực tiếp đưa đón, sắp xếp chỗ ở. Ông Raymundo cũng là người có nhiều bằng cấp nên bị cáo tin tưởng", Cường nói và đề nghị tòa cho làm rõ nhân thân lý lịch của người này để minh oan cho mình.

Luật sư của Cường cho rằng, quá trình đàm phán, làm việc với Cường ông Raymundo nhập cảnh vào Việt Nam nhiều lần và đều khai báo xuất nhập cảnh, lưu trú khách sạn tại TP HCM.

"Việc cơ quan chức năng chưa xác minh nhân thân đối tượng này làm ảnh hưởng đến bản chất vụ án", luật sư nêu quan điểm và cung cấp cho tòa giấy phép doanh nghiệp nước ngoài về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam mà Bộ Y tế cấp cho Công ty Helix Canada có giá trị từ ngày 18/6/2014 đến ngày 18/6/2019.

Luật sư khẳng định, Công ty Helix Canada là có thật, đang hoạt động tại Việt Nam và do chính Bộ Y tế cấp phép. Việc cơ quan điều tra thông qua Bộ Ngoại giao và xác định đây là công ty "ma" là vi phạm nghiêm trọng tố tụng.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Hùng cũng đưa ra chứng cứ làm rõ đường đi của lô thuốc H-Capita được nhập về Việt Nam. Ông cho rằng các tài liệu chứng minh lô hàng có nguồn gốc từ Canada chứ không phải hàng trôi nổi.

Đánh giá về những chứng cứ mới này, một số luật sư khác cho rằng, bản án sơ thẩm đều nhận định nhân vật Raymundo và Công ty Helix Canada là "ảo" và kết luận các bị cáo phạm tội Buôn lậu, Làm giả con dấu, tài liệu là chưa toàn diện.

Việc xác minh nhân thân lai lịch của người này và pháp nhân hợp pháp của Công ty Helix ảnh hưởng rất lớn đến việc định tội đối với các bị cáo.

Cơ quan tố tụng căn cứ vào con dấu của công ty Austin Hong Kong và con dấu ghi trên giấy chứng nhận về thuốc (của Công ty Helix nộp cho Cục quản lý dược) là không trùng nhau, sau đó kết luận "con dấu giả" là chưa có căn cứ.

Ở nước ngoài, một công ty có thể có nhiều con dấu ở nhiều chi nhánh khác nhau, nay đóng con dấu này, mai đóng con dấu khác là chuyện bình thường. Chưa kể trong hoạt động thương mại quốc tế người ta có thể ký hợp đồng mua bán với nhau nhưng lấy hàng của người khác để cung cấp. Việc ký kết có thể được trao đổi với nhau qua thư điện tử và được đối tác giao thẳng con dấu cho người mua để đóng, ký thay trên lãnh thổ Việt Nam.

Phát biểu quan điểm trong phiên xử phúc thẩm, đại diện VKS đồng ý với các luật sư cần làm rõ những tình tiết chứng cứ còn mâu thuẫn đã nêu.

Ngày 23/10 toà tuyên án.

Sau khi đặt Cường mua thuốc H-Capita 500mg (trị ung thư) cung cấp cho các bệnh viện ở Việt Nam, cựu Chủ tịch VN Pharma Nguyễn Minh Hùng chỉ đạo cấp dưới thuê người viết hồ sơ kỹ thuật thuốc giả và nhiều chứng từ để xin Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu 9.000 hộp không rõ nguồn gốc, trị giá khoảng 5,3 tỷ đồng.

Cục Quản lý dược sau đó thanh tra VN Pharma, phát hiện thuốc chứa 97% hoạt chất capecitabine - là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, "không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người".

Hồi tháng 8, TAND TP HCM tuyên phạt Hùng, Cường mức án 12 năm tù về tội Buôn lậu; 7 bị cáo khác nhận từ 2 năm tù (cho hưởng án treo) tới 5 năm tù về tội Buôn lậu hoặc Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức.

Toà kiến nghị VKSND Tối cao, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an làm rõ trách nhiệm của 3 cán bộ Cục quản lý dược Bộ Y tế, các bác sĩ nhận hoa hồng… nếu có dấu hiệu vi phạm thì xử lý thành vụ án khác.

HĐXX cũng kiến nghị làm rõ vai trò của Phan Xuân Thiện (nguyên Phó tổng giám đốc VN Pharma), Hoàng Trúc Vy (nhân viên Phòng nghiên cứu phát triển VN Pharma) và Nguyễn Quang Huy – trong việc cung cấp bản sao công chứng giấy phép hoạt động của công ty nước ngoài cho Hùng.

Sau phiên sơ thẩm, nhiều ý kiến cho rằng việc định tội danh lãnh đạo VN Pharma cùng đồng phạm chưa đúng, các bị cáo có dấu hiệu của tội Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh - khung hình phạt cao hơn nhiều so với tội Buôn lậu.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngày 26/9, đoàn công tác của Thanh tra Chính phủ đã đến Bộ Y tế công bố quyết định thanh tra việc cấp phép nhập khẩu và cấp giấy đăng ký lưu hành đối với 7 loại thuốc do Công ty Helix Pharmaceuticals Inc, Canada sản xuất. Cuộc thanh tra có thể kéo dài trong vòng 60 ngày.

Hải Duyên