|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vụ VN Pharma: 6 luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Quốc Cường

10:33 | 12/05/2022
Chia sẻ
Sáng 12/5, TAND thành phố Hà Nội sẽ mở phiên sơ thẩm xét xử nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và 13 bị cáo trong vụ án "Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada.

(Nguồn: TTXVN).

Theo kế hoạch, sáng 12/5, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội sẽ mở phiên tòa sơ thẩm xét xử nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và 13 bị cáo trong vụ án "Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố khác và Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế.”

Trong số 14 bị cáo, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và 2 bị cáo: Nguyễn Việt Hùng (sinh năm 1956, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế), Lê Đình Thanh (sinh năm 1982, nguyên công chức Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh) bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 285, khoản 2 - Bộ luật Hình sự năm 1999.

Hai bị cáo: Phạm Hồng Châu (sinh năm 1957, nguyên Trưởng phòng Đăng ký thuốc, Cục Quản lý Dược Bộ Y tế), Nguyễn Thị Thu Thủy (sinh năm 1976, nguyên Phó Trưởng phòng Quản lý giá thuốc, Cục Quản lý Dược Bộ Y tế) bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 281, khoản 2 - Bộ luật Hình sự năm 1999.

Chín bị cáo: Nguyễn Minh Hùng (sinh năm 1978, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty VN Pharma), Võ Mạnh Cường (sinh năm 1978, nguyên Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Hàng hải Quốc tế H&C), Nguyễn Trí Nhật (sinh năm 1975, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty VN Pharma), Ngô Anh Quốc (sinh năm 1984, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty VN Pharma), Phan Cẩm Loan (sinh năm 1973, nguyên Phó Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty VN Pharma), Lê Thị Vũ Phương (sinh năm 1982, nguyên Kế toán Trưởng Công ty VN Pharma), Phạm Anh Kiệt (sinh năm 1963, nguyên Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dược Sài Gòn), Phạm Quỳnh Trang (sinh năm 1980, nguyên nhân viên Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại hàng hải Quốc tế H&C), Nguyễn Thị Quyết (sinh năm 1983, nguyên nhân viên Phòng Xuất nhập khẩu Công ty VN Pharma) bị truy tố về tội “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” theo quy định tại Điều 157, khoản 4 - Bộ luật Hình sự năm 1999.

Trong phiên tòa này, Hội đồng xét xử đã triệu tập 6 tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, gồm đại diện các cơ quan: Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), Tổng cục Hải quan, Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty VN Pharma, Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Hàng hải Quốc tế H&C.

Ngoài ra, Tòa còn triệu tập 51 người làm chứng khác đến phiên tòa.

Có tổng số hơn 30 luật sư đăng ký tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo. Trong đó riêng bị cáo Trương Quốc Cường có 6 luật sư bào chữa.

Đưa số lượng lớn thuốc giả vào Việt Nam tiêu thụ

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, lợi dụng những sơ hở trong công tác quản lý Dược và Hải quan, trong các năm 2008-2010, Nguyễn Lê Xuân Khang (là người Việt Nam định cư tại Canada, có quốc tịch Canada) đã bàn bạc, thống nhất với Nguyễn Minh Hùng và ông Lê Văn Sơn (Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương II - Codupha) lập hồ sơ các thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada để Công ty Codupha, Công ty trách nhiệm hữu hạn Dược phẩm Vimedimex (Vimedimex con) đứng tên xin cấp số đăng ký.

Thực tế, các hồ sơ thuốc đều là giả nhưng do một số cán bộ của Cục Quản lý Dược thiếu trách nhiệm hoặc có động cơ cá nhân đã làm trái công vụ trong quá trình thẩm định, xét duyệt nên 7 loại thuốc gồm Extrafovir; Kaderox-250; Kafotax-1000; MGP Axinex-1000, MGP Mosinase-625, H2K Levofloxacin và H2K Ciprofloxacin mang nhãn mác Health 2000 Canada đã được cấp số đăng ký.

Sau khi các thuốc trên được cấp số đăng ký, Nguyễn Minh Hùng đã cấu kết với Nguyễn Lê Xuân Khang, Võ Mạnh Cường cùng các nhân viên Công ty VN Pharma, Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại hàng hải Quốc tế H&C và một số đối tượng khác thực hiện các thủ đoạn để mua bán, nhập khẩu, thông quan một số lượng lớn thuốc giả nguồn gốc, xuất xứ vào Việt Nam để tiêu thụ trong nước, gây thiệt hại về kinh tế và sức khỏe cho người bệnh.

Các bị cáo đã làm giả hợp đồng và phụ lục hợp đồng mua bán, nâng khống giá thuốc, làm giả chứng từ thay đổi nguồn gốc xuất xứ thuốc, hợp thức chứng từ thanh toán để thông quan, nhập khẩu các thuốc trên, với tổng số lượng là 838.100 hộp, trị giá 1.234.892,75 USD (tương đương gần 26 tỷ đồng), được nâng khống thêm giá mua 1.339.632,25 USD (tương đương hơn 28 tỷ đồng), tổng cộng là 2.574.525 USD (tương đương 54 tỷ đồng).

Số thuốc giả nêu trên đã được Công ty VN Pharma bán cho các doanh nghiệp, bệnh viện, nhà thuốc tổng cộng 623.819 hộp, thu lợi bất chính số tiền hơn 31,5 tỷ đồng.

Thiếu trách nhiệm, để xảy ra một loạt sai phạm

Trong vụ án này, bị cáo Trương Quốc Cường (khi đó là Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Phó Chủ tịch Thường trực, được Chủ tịch ủy quyền điều hành Hội đồng xét duyệt thuốc) bị Viện Kiểm sát đánh giá là đã thực hiện không đúng, không đầy đủ trách nhiệm được giao, thiếu giám sát, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của nhóm chuyên gia thẩm định và bộ phận thường trực đăng ký thuốc, đồng ý xét duyệt cấp số đăng ký thuốc trong khi hồ sơ không đủ điều kiện cấp, dẫn đến hậu quả 6/7 loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 được nhập khẩu và tiêu thụ tại Việt Nam, với trị giá hơn 148 tỷ đồng.

Với vai trò là Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng xét duyệt thuốc, bị cáo Trương Quốc Cường có trách nhiệm chỉ định, điều hành giám sát hoạt động của bộ phận thường trực đăng ký thuốc.

Tuy nhiên, bị cáo Trương Quốc Cường không thực hiện đúng, đầy đủ nhiệm vụ được giao, để Phạm Hồng Châu (nguyên Trưởng phòng Đăng ký thuốc, Cục Quản lý Dược Bộ Y tế) và bộ phận thường trực đăng ký thuốc có nhiều sai phạm.

Cụ thể, bị cáo Châu đã chỉ đạo đưa hồ sơ 2 thuốc H2K Levofloxacin và H2K Ciprofloxacin ra thẩm định sớm trước gần 1.000 hồ sơ thuốc khác không đúng quy định, thể hiện sự ưu tiên không có lý do chính đáng đối với Công ty Vimedimex con; đưa thêm tài liệu trái quy định vào hồ sơ 2 thuốc H2K Ciprofloxacin và H2K Levofloxacin sau khi nhóm chuyên gia đã đề nghị không cấp số đăng ký.

Dựa trên tài liệu đưa thêm này, Nguyễn Thị Thu Thủy (nguyên Phó Trưởng phòng Quản lý giá thuốc, Cục Quản lý Dược Bộ Y tế) đã viết thêm, sửa chữa biên bản thẩm định từ “không cấp” sang “bổ sung hồ sơ” để sau đó Phạm Hồng Châu kết luận cho bổ sung hồ sơ, không đảm bảo nguyên tắc làm việc tập thể, khách quan của nhóm thẩm định.

Mặc dù có nhiều sai phạm trong thẩm định 7 loại thuốc nêu trên nhưng Phạm Hồng Châu vẫn kết luận biên bản, đề nghị cấp số đăng ký trong khi hồ sơ không đủ điều kiện theo quy định dẫn đến hậu quả 7 hồ sơ thuốc giả nhãn mác Health 2000 được xét duyệt, cấp số đăng ký để 6/7 loại thuốc trên nhập khẩu vào Việt Nam điều trị cho người bệnh.

Mặc dù nhận được nhiều thông tin về thuốc Health 2000 Canada là không rõ nguồn gốc, xuất xứ nhưng bị cáo Trương Quốc Cường không chỉ đạo đình chỉ lưu hành, thu hồi, tiêu hủy thuốc dẫn đến hậu quả các cơ sở y tế trong nước tiếp tục sử dụng các loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 Canada, không rõ nguồn gốc xuất xứ để điều trị cho người bệnh, tổng trị giá hơn 3,7 tỷ đồng.

Đối với Nguyễn Việt Hùng, với vai trò là Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Phó Chủ tịch Hội đồng xét duyệt thuốc Bộ Y tế đã không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ được giao, không kiểm tra, rà soát biên bản thẩm định và hồ sơ thuốc nên không phát hiện và ngăn chặn các sai phạm trong quá trình thẩm định, kết luận biên bản của nhân viên cấp dưới; khi tham gia họp Hội đồng đã đồng ý cấp số đăng ký cho 7 loại thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada trong khi hồ sơ không đủ điều kiện cấp dẫn đến hậu quả 6/7 loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 được nhập khẩu và tiêu thụ tại Việt Nam.

Kim Anh